Thời gian qua, sản xuất, chế biến chè tại các địa phương của tỉnh Lào Cai có nhiều kết quả tích cực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng chè. Kết quả này có đóng góp không nhỏ của hệ thống khuyến nông với những mô hình hay, hiệu quả, thiết thực, hướng đến sản xuất chè an toàn, có liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định và thu nhập cho nhân dân.
Xác định chè là cây trồng mũi nhọn, xóa đói giảm nghèo
Tỉnh Lào Cai xác định chè là cây trồng mũi nhọn, cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu của trên 10.000 hộ nông dân ở 36 xã thuộc 7 huyện. Chính vì thế, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất chè trên địa bàn. Công tác quản lý quy hoạch, chuyển giao TBKT mới, liên kết trong sản xuất, chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ chè… được các cấp chính quyền và ngành Nông nghiệp đặc biệt quan tâm hỗ trợ, triển khai. Ngày càng có nhiều hộ thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng từ việc sản xuất chè. Trồng chè chất lượng cao đã trở thành phong trào ở các địa phương có quy hoạch.
Theo số liệu từ ngành Nông nghiệp tỉnh Lào Cai được biết, hiện nay tổng diện tích chè trên địa bàn tỉnh Lào Cai là hơn 6.000 ha (có 1.000 ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP), trong đó diện tích chè kinh doanh là 4.659 ha; Năng suất bình quân diện tích chè kinh doanh đạt 61,2 tạ/ha, sản lượng 22.300 tấn chè búp tươi/năm, giá thu mua nguyên liệu chè búp tươi được chia ra: Chè búp (Shan, lai, trung du...) 5.000 – 6.000 đồng/kg; chè hữu cơ 10.000 - 12.000 đồng/kg; Chè chất lượng cao (Kim Tuyên, Hùng Đỉnh Bạch, Bát Tiên...) 8.000 - 10.000đ/kg.
Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 09 nhà máy và xưởng chế biến chè, tổng công suất khoảng 150 tấn búp tươi/ngày và khoảng trên 300 lò chế biến quy mô hộ gia đình có công suất khoảng 75 tấn búp tươi/ngày. Ngoài số lượng nhỏ sản phẩm sấy khô phục vụ tiêu dùng nội địa, còn lại trên 95% sản phẩm chế biến thành chè xanh, chế biến thô bán cho các nhà máy trong nước hoặc xuất khẩu trực tiếp thông qua các hợp đồng uỷ thác sang thị trường Trung Đông, Đài Loan, Trung Quốc...
Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, tại vùng chè Lào Cai, mỗi ha chè bình quân mang lại nguồn thu 50 triệu đồng/năm. Với con số 50 triệu đồng/ha/năm, có thể nhận định cây chè chưa thể là cây trồng để người dân làm giàu, tuy nhiên, đây cũng là con số khả quan, góp phần không nhỏ trong việc giúp người dân vùng chè thoát nghèo, ổn định kinh tế. Một số vùng chè đầu tư thâm canh, sản xuất hiệu quả như các xã Lùng Vai, Bản Lầu, Bản Xen (huyện Mường Khương), người dân có thể thu về 60 - 70 triệu đồng/ha từ cây chè. Bởi vậy, có thể đánh giá cây chè mang lại giá trị kinh tế ở mức trung bình khá với nông nghiệp nông thôn.
Không thể bỏ cây chè
Bên cạnh những kết quả đạt được việc sản xuất chè trong tỉnh còn nhiều khó khăn như công tác quản lý, tổ chức sản xuất và liên kết với doanh nghiệp còn hạn chế; trình độ canh tác, hiểu biết về kỹ thuật thâm canh của người dân theo xu hướng an toàn, hữu cơ còn thấp; năng suất canh tác, chất lượng sản phẩm chưa cao; công nghiệp chế biến sản phẩm chè chậm phát triển; năng lực các cơ sở chế biến ở địa phương hạn chế cả về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực; thị trường ngày càng cạnh tranh, đặc biệt là thị trường quốc tế; thiếu thông tin giữa các doanh nghiệp về sản phẩm và thị trường; công tác quảng bá, tiếp thị còn chưa quan tâm đúng mức;…
Thực tế cho thấy, vùng chè Lào Cai có “tỷ lệ đông đặc” cây chè chưa cao, kỹ thuật đầu tư thâm canh chưa đảm bảo nên năng suất ở mức trung bình. Những vùng chè lớn trên cả nước như Thái Nguyên, Lâm Đồng, năng suất chè lên tới 12 - 14 tấn/ha/năm, thu nhập trên mỗi ha lên tới hàng trăm triệu đồng. Nếu so sánh với vùng chè Mường Khương, nơi được đánh giá là sản xuất chè chủ lực trên địa bàn tỉnh thì nguồn thu từ cây chè mới chỉ bằng 2/3 so với những vùng chè lớn của cả nước. Giá chè búp tươi tại Lào Cai trung bình chỉ đạt 7.000 đồng/kg nên thu nhập từ cây chè hiện nay không còn đủ hấp dẫn để cạnh tranh với những cây trồng khác, hiệu quả kinh tế từ cây chè vẫn rất khiêm tốn.
Phần lớn sản lượng chè sản xuất tại Lào Cai mới chỉ dừng ở mức chế biến thô để xuất khẩu sang các thị trường dễ tính như Tây Á, Trung Đông, Đài Loan nên giá trị gia tăng là chưa cao. Giá trị xuất khẩu thấp dẫn đến giá thu mua chè nguyên liệu thấp, tiêu chuẩn chất lượng cũng chưa thể tiếp cận được những thị trường cao cấp hơn. Hiện nay, chỉ có chè hữu cơ Bản Liền và chè chất lượng cao tại Sa Pa với sản lượng rất nhỏ “xâm nhập” được những thị trường cao cấp với hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo. Giá thu mua chè búp tươi nguyên liệu tại những vùng chè này cao hơn hẳn so với giá trung bình chung của tỉnh. Nếu tiếp cận được những thị trường cao cấp, giá chè xuất khẩu là rất cao so với mặt bằng sản xuất chung hiện nay, từ đó sẽ kéo theo việc giá thu mua chè búp tươi tăng lên, người dân được hưởng lợi lớn hơn từ cây chè.
Mô hình trồng thâm canh chè theo hướng hữu cơ, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm
Trước vô vàn thách thức khó khăn, để khai thác hết tiềm năng sẵn có của cây chè, đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước, Trung tâm Khuyến nông và DVNN tỉnh Lào Cai thực hiện dự án xây dựng mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị quy mô 20 ha do 70 hộ tham gia. Các mô hình thực hiện tại 02 xã (Bản Liền, Tả Củ Tỷ) của huyện Bắc Hà trong giai đoạn 2020-2022.
Dự án hỗ trợ 2 xã Bản Liền, Tả Củ Tỷ là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn 30a Bắc Hà. Dân tộc thiểu số chiếm 90%, đời sống gặp nhiều khó khăn, lao động chủ yếu từ việc sản xuất nông nghiệp chiếm 97%, cây chè là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa của địa phương.
Theo Trung tâm Khuyến nông và DVNN tỉnh Lào Cai cho biết, đến nay dự án đã hỗ trợ thành lập 02 tổ nhóm nông dân sản xuất chè hữu cơ. Theo đó, các hộ được tập huấn hướng dẫn quy trình canh tác chè hữu cơ, tham gia đối thoại với doanh nghiệp, liên kết với nhau hình thành vùng sản xuất chè hữu cơ hàng hóa tập trung. Đại diện tổ nhóm đã thống nhất ký kết hợp đồng liên kết đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm chè hữu cơ với HTX chè Bản Liền, tạo hướng đi bền vững trong sản xuất. Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ phân bón đạt tiêu chuẩn hữu cơ để sử dụng bón cho cây chè như phân hữu cơ vi sinh Fitohoocmon31.
Bước đầu cho thấy mô hình đã có những kết quả đáng khích lệ bà con thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất chè hữu cơ từ các khâu chăm sóc thâm canh; bón phân cân đối về dinh dưỡng, bón đúng cách, đúng thời điểm; đặc biệt mô hình hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh kết hợp kiểm soát tốt sâu bệnh bằng thuốc sinh học…nên toàn bộ diện tích chè của mô hình sinh trưởng tốt, ít bị dịch bệnh gây hại, đất tơi xốp, búp ra đều, năng suất bình quân đạt 4,2 tấn/ha/lứa. Mặc dù năng suất chè búp tươi trong mô hình thấp hơn (đạt 4,2 tấn/ha) so với năng suất ngoài mô hình (5,9 tấn/ha) nhưng giá bán sản phẩm chè búp tươi trong mô hình cao gấp đôi (12.00đ/kg) trong khi sản phẩm chè ngoài mô hình chỉ bán được 6.000 đồng/kg, vì vậy giá thu nhập của các hộ nông dân khi tham gia dự án tăng từ 28-30% so với trước khi thực hiện dự án.
Được biết, để đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm chè, trong những năm tới, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung triển khai dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và phát triển chuỗi giá trị chè; tiếp tục duy trì diện tích gần 500 ha chè chất lượng cao; thực hiện trồng mới nâng tổng diện tích chè ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh đến hết năm 2025 đạt hơn 1.000 ha; giá trị thu nhập cao hơn so với thu nhập bình quân chung trong sản xuất chè khoảng 25%. Đồng thời thực hiện việc thâm canh, tăng năng suất, diện tích chè kinh doanh lên 1.205 ha; nâng tổng diện tích chè VietGAP trên toàn tỉnh đạt 3.505 ha, năng suất đạt khoảng 8 đến 10 tấn, áp dụng một trong các tiêu chuẩn như: VietGAP, Global GAP, HACCP, ICM, chè hữu cơ để giúp quản lý chặt chẽ nguồn chè nguyên liệu, ổn định chất lượng sản phẩm tại các vùng nguyên liệu đặc sản chè của tỉnh.
Hy vọng với sự quyết liệt của ngành chủ quản, sự chủ động của các địa phương trong việc thực hiện những giải pháp đồng bộ nêu trên, những bất cập, trở ngại trong phát triển cây chè sẽ nhanh chóng được khắc phục, đưa ngành chè của tỉnh Lào Cai phát triển tương xứng tiềm năng, mang lại giá trị gia tăng, thu nhập cao và bền vững hơn cho người sản xuất và doanh nghiệp.
Thanh Tú
Theo KTDU