Sự kiện hot
7 năm trước

Licogi có đủ năng lực thực hiện dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt?

Sau 14 năm “ôm đất” với diện tích hơn 35 ha, thế nhưng dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt vẫn dậm chân tại chỗ. Điều đáng nói, khu đất chưa được thực hiện đã bị “xẻ thịt” cho thuê làm bãi đỗ xe, nhà xưởng…

Nhiều đơn thư của người dân tố cáo có sự “mập mờ” trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Thậm chí có “lợi ích nhóm” trong bộ máy của chủ đầu tư nên dẫn đến tính trạng trì trệ của dự án. Người dân cho rằng Licogi không đủ năng lực để thực hiện dự án, việc giữ đất đã gây khó cho cuộc sống của người dân...


Ôm đất 14 năm không triển khai dự án


Ngày 10/8/2004 UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4930/QĐ –UBND, thu hồi 351.618m2 đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai, quận Hoàng Mai, giao cho Tổng công ty Licogi tổ chức điều tra lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng, chuẩn bị triển khai Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt.

Dự án được UBND thành phố chấp thuận giao Licogi làm chủ đầu tư thực hiện tại Quyết định số 3649/QĐ-UBND ngày 17/9/2007.

Được biết, cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có quyết định cổ phần hóa Licogi với vốn điều lệ 900 tỉ đồng, tương đương 90 triệu cổ phần. Ngày 31/12/2015, công ty này đăng kí hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Từ sau khi cổ phần hóa, Licogi liên tục thua lỗ, cụ thể là năm 2016, Licogi lỗ sau thuế 436 tỉ đồng, bằng non nửa vốn điều lệ; 9 tháng đầu năm 2017, Licogi lỗ sau thuế hơn 46 tỉ đồng, lỗ luỹ kế theo đó lên mức 514 tỉ đồng, vượt quá nửa vốn điều lệ (900 tỉ đồng).

Trước việc thua lỗ nặng nề của Licogi, người dân cho rằng Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt “ôm đất” chỉ gây khó cho cuộc sống của người dân. Dù rằng, cuối năm 2016 Tổng công ty Licogi đã làm giấy ủy quyền triển khai dự án cho Công ty TNHH MTV Nhà ở và đô thị Licogi. Nhưng dường như vẫn không đem lại sự thay đổi cho dự án.

Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt 14 năm trên giấy gây lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia

và làm cho đời sống các hộ dân nơi đây vô cùng khó khăn

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Đức Chung đã kí ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ, về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lí đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Trong đó, yêu cầu kiểm tra, rà soát, hủy bỏ dự án ôm đất quá 3 năm chưa triển khai. Đây được xem là biện pháp quyết liệt với doanh nghiệp cố tình ôm đất, đặc biệt là các lô đất "vàng”.


Như vậy, căn cứ theo chỉ thị “hủy các dự án chậm triển khai quá 3 năm” này thì có hàng loạt dự án ôm đất cả chục năm trời không triển khai gây lãng phí đang nằm trong diện "báo tử" trong đó có dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt.

Hà Nội “đánh trống bỏ dùi” với khá nhiều dự án vi phạm Luật Đất đai


Sau 14 năm, dự án vẫn dậm chân tại chỗ, khiến hàng trăm hộ dân trong diện bị thu hồi đất phải sống trong điều kiện không điện, không nước sạch, không hộ khẩu. Điều đáng nói, gần đây người dân ở đây càng bức xúc khi những phần diện tích đất đã GPMB lại được cho thuê làm bãi đỗ xe, nhà xưởng, trạm trộn bê tông để kiếm lời.

Chị Lê Quỳnh Hoa - người dân tại dự án bức xúc cho biết: Việc dự án giữ đất đã 14 năm như thế là thấy rõ chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện rồi.  Dự án này đã “xẻ thịt” đất đai làm lợi từ dự án bao năm đã quá rõ. Còn người dân không nhận được đền bù thỏa đáng. Chủ đầu tư  không có khả năng thực hiện dự án đã  “ủy quyền” cho doanh nghiệp khác. Mấy ngày qua do sợ bị thu hồi đất họ cắm lèo tèo vài cái cọc có vẻ như sẽ thực hiện dự án. Dân chúng tôi ở đây khổ sở và thất vọng lắm rồi.

Ông Nguyễn Minh Căn - Phó trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Hoàng Mai cho rằng: Đối với dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt, phía chính quyền quận Hoàng Mai đã tích cực và hoàn thiện tất cả các quy trình, đặt biệt trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng để bàn giao cho phía Licogi. Còn phía Licogi không xây dựng là do chưa đủ nguồn vốn và nay Licogi cần phải liên kết với các đơn vị khác để có đủ vốn thực hiện dự án.

Việc dự án kéo dài, phía chủ đầu tư chưa có động thái xây dựng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân tại đây. Chính vì vậy, người dân  đề nghị UBND TP Hà Nội đề nghị cần sớm xem xét, đưa ra quyết định theo đúng Luật Đất đai và các văn bản của UBND TP chỉ nhằm đạo thu hồi để tránh việc lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia.

Thiên Trọng - Thiên Trường

Theo Ngày mới online

Từ khóa: