Mặc dù Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC 52) tỉnh Quảng Bình mới thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 9.2010 nhưng đã xuất sắc phá nhiều vụ án, bắt nhiều kẻ phạm tội lẩn trốn ra trước ánh sáng pháp luật.
Mặc dù Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC 52) tỉnh Quảng Bình mới thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 9.2010 nhưng đã xuất sắc phá nhiều vụ án, bắt nhiều kẻ phạm tội lẩn trốn ra trước ánh sáng pháp luật.
Thượng tá Đinh Sỹ Hùng – Phó trưởng phòng nhớ lại, lúc mới thành lập, điều kiện sinh hoạt, công tác của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn; phòng làm việc và các trang thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ còn thiếu và chưa được trang cấp. Cũng trong thời điểm này, Bộ Công an mở đợt cao điểm tổng rà soát, truy bắt, vận động đầu thú, thanh loại đối tượng truy nã (ĐTTN); là lực lượng chủ trì trong công tác này đòi hỏi đơn vị phải khẩn trương tiến hành đồng bộ các biện pháp để đợt cao điểm đạt hiệu quả cao nhất. Nhờ có nhiều biện pháp đúng đắn, sáng tạo nên đã nâng cao hiệu quả công tác truy nã trong toàn lực lượng. Cụ thể, các lực lượng công an trong toàn tỉnh đã bắt, vận động đầu thú, thanh loại 81 đối tượng; trong đó có 35 đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm.
Cán bộ Phòng PC 52 Quảng Bình dẫn giải đối tượng bỏ trốn 32 năm - ẢNH: T.Q.N
Phát huy những kết quả đạt được ban đầu, năm 2011, cán bộ chiến sĩ của phòng tiếp tục nỗ lực tấn công tội phạm truy nã. Tổng số bắt, vận động đầu thú và thanh loại là 98 đối tượng. Một số vụ điển hình như bắt ĐTTN đặc biệt nguy hiểm Hoàng Đình Sơn, bị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an truy nã về tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” tại P.Bắc Nghĩa, TP.Đồng Hới, Quảng Bình. Phối hợp với Công an tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa khám phá thành công chuyên án 014N, bắt ĐTTN đặc biệt nguy hiểm Hồ Văn Điểm bị truy nã về tội “giết người” sau 19 năm lẩn trốn và chuyên án 015H bắt ĐTTN nguy hiểm Hoàng Minh Long bị truy nã về tội “hiếp dâm” tại xã Vĩnh Thành, Nha Trang. Ngày 20.5.2011, phối hợp với Phòng PC 52 Công an Quảng Trị bắt ĐTTN đặc biệt nguy hiểm Lê Phúc Định bị Công an Quảng Trị truy nã về tội “cướp tài sản” tại P.Hải Thành, Đồng Hới.
Năm 2012, đến thời điểm này, cán bộ chiến sĩ của phòng đã bắt, vận động đầu thú, thanh loại 70 đối tượng. Có thể kể đến một vài vụ như phối hợp với PC 52 Công an tỉnh Trà Vinh khám phá thành công chuyên án 016N bắt ĐTTN đặc biệt nguy hiểm Ngô Đình Mạnh (35 tuổi, thường trú ở Vạn Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) bị Công an tỉnh Khánh Hòa ra quyết định truy nã về tội “giết người”. Phối hợp với Công an tỉnh Đắk Lắk khám phá thành công chuyên án 022L bắt ĐTTN nguy hiểm Hoàng Hà (48 tuổi, ở Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bị Công an tỉnh Quảng Bình ra quyết định truy nã về tội “buôn lậu”. Phối hợp với PC 52 Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế bắt ĐTTN nguy hiểm Đinh Thị Hiệp bị Công an huyện Bố Trạch (Quảng Bình) ra quyết định truy nã về tội “trộm cắp tài sản”.
Phá án truy nã thuộc dạng gai góc nhất bởi có nhiều vụ các đối tượng ở một nơi, gây án một nơi lại bỏ trốn qua nhiều địa bàn khác nhau. Trong khi tội phạm truy nã thường tinh ranh xảo quyệt, luôn cố gắng tìm cách xóa dấu vết, chê giấu vỏ bọc nguy hiểm của mình. Việc phá án lại ở trên địa bàn xa lạ, có nhiều lần, các trinh sát phải nhập vai người dân địa phương ngày đêm khổ sở theo dõi đối tượng. Như 4 ngày phục kích tên giết người Hồ Văn Điểm. Có trường hợp chạy trốn đến 32 năm và đã thay tên đổi họ, lập gia đình sinh con đẻ cái như Nguyễn Văn Hồng (58 tuổi, ở xã Quảng Lộc, Quảng Trạch, Quảng Bình).
Trong quá trình đấu tranh, ngoài các biện pháp cứng rắn, các trinh sát còn phải linh hoạt dùng tình cảm vận động. Như trường hợp thuyết phục thân nhân ĐTTN đặc biệt nguy hiểm Nguyễn Văn Hiệp bị Công an tỉnh Kiên Giang ra quyết định truy nã về tội “giết người, cướp tài sản”. Hay vụ Lê Quang Đức (36 tuổi, ở P.Đồng Sơn, TP.Đồng Hới) đã dùng xăng đốt nhà chị Nguyễn Thị Hương (ở xã Trường Sơn, H.Quảng Ninh, Quảng Bình) do mâu thuẫn cá nhân. Sau khi gây án, Đức bỏ trốn sang Lào nên khó áp dụng biện pháp truy bắt do có yếu tố nước ngoài. Trước tình hình đó, đại úy Hoàng Tiểu Phương đã kiên trì vận động thuyết phục gia đình Đức kết hợp với điện thoại trực tiếp cho Đức để giáo dục, cảm hóa. Trước tấm lòng chân tình của đại úy Phương, ngày 19.3.2012, Đức từ Lào trở về, tự nguyện đến phòng đầu thú.
Trương Quang Nam
Theo Thanhnien