Sự kiện hot
7 năm trước

Loạt bất cập trong phát triển chung cư sau vụ cháy Carina

Thiết kế tòa nhà không đảm bảo, nội quy tại tầng hầm chưa được chú trọng, quy định PCCC chưa được luật hóa với chế tài cụ thể... là những bất cập trong công tác quản lý phát triển chung cư hiện hành được KTS. Phạm Thanh Tùng và Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu chỉ ra sau vụ cháy chung cư Carina tại quận 8, TP HCM.

Khởi tố vụ cháy Carina là muộn

Trong một đoạn video quay cảnh người dân trở về lại căn hộ tại chung cư Carina để thu dọn đồ đạc đến nơi ở tạm, một ông bố trẻ được hỏi: “Liệu có trở lại đây sống không?”. Anh trả lời sau vài giây suy nghĩ “Tôi cũng không biết nữa... vì ám ảnh quá!”...

Nhiều ngày sau vụ cháy chung cư Carina, toàn bộ cư dân tại đây đã chuyển đi “lánh nạn” ở nơi khác, cả tòa chung cư trở nên vắng lặng, tiêu điều. Tầng hầm tòa nhà hiện vẫn ngổn ngang hệ thống điện, ống thông gió, phòng cháy chữa cháy (PCCC), ống xả vệ sinh; nền hầm ngập nước, trần tường và tất cả mọi thứ đang hiện diện tại tầng hầm đều bám đen và vẫn còn mùi khét... Cả tòa nhà vốn có hàng trăm nhân khẩu, nay tịnh không một bóng cư dân, chỉ còn sự hiện diện của các các công nhân dọn dẹp vệ sinh mà thôi...

Tầng hầm tòa nhà hiện vẫn ngổn ngang hệ thống điện, ống thông gió, phòng cháy chữa cháy (PCCC), ống xả vệ sinh. (Ảnh: Zing)

KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng TP HCM khởi tố vụ cháy Carina là muộn bởi năm 2017 đã có hàng nghìn vụ cháy ở cả các chung cư, nhà phố, công trình dịch vụ... khiến gần 40 người thiệt mạng (chưa kể 14 người tử vong trong vụ cháy Carina mới đây). Ông cũng trao đổi với PV nhiều vấn đề bất cập còn tồn tại trong công tác quản lý phát triển chung cư tại đô thị Việt Nam hiện nay.

KTS. Phạm Thanh Tùng

KTS. Phạm Thanh Tùng cho rằng, vụ cháy chung cư Carina không phải là lần đầu “bà Hỏa” ghé thăm một tòa chung cư. Để xảy ra hậu quả nghiêm trọng trong các vụ hỏa hoạn tại chung cư, hạn chế đầu tiên chính là ở khâu thiết kế.

Chưa thể nói là các chung cư hiện nay có đảm bảo khâu thiết kế hay không, điều này cần chờ kết luận của các cơ quan giám định. Trước khi thi công, thiết kế tòa nhà phải đảm bảo các quy định của Bộ Xây dựng (các quy chuẩn này vẫn đang được Bộ Xây dựng sửa đổi để nâng cao chất lượng quy chuẩn). Sau khi hoàn công, tòa nhà phải được nghiệm thu qua ba cầu: chủ đầu tư, đơn vị quản lý và cơ quan chức năng (như cơ quan quản lý xây dựng, cơ quan PCCC – hiện do Bộ Công an đảm trách).

Vấn đề thứ hai là các chung cư đều có tầng hầm, là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao nhất, nhưng phía trên các tầng khối đế lại được chủ đầu tư đưa siêu thị vào để thuận lợi cho cư dân – đây chính là một bất cập.

KTS phân tích: “Ở nước ngoài không phải chỗ nào cũng có thể đưa siêu thị vào. Siêu thị ở trong chung cư như “bom nổ chậm” và có thể phát hỏa bất cứ lúc nào nếu PCCC không cứu kịp khi mà bên dưới có đến 2 – 3 tầng hầm, còn bên trên lại có các tầng dân sinh...”.

Một hạn chế dễ thấy khác là hầu hết cư dân sống tại chung cư không nắm chắc được những điều kiện được đảm bảo khi mua nhà, không được tập huấn các kỹ năng PCCC cần thiết; một bộ phận người dân thiếu hiểu biết còn đốt vàng mã không đúng nơi quy định hay chặn để mở cửa thoát hiểm cho tiện đi lại (chính điều này khiến khi xảy ra cháy khói sẽ xông lên các tầng cao và gây ngạt khí)...

Chưa kể các không gian xung quanh của tòa nhà không được quản lý chặt chẽ, nhà hàng quán xá chiếm dụng hết; các thiết bị PCCC như trụ cứu hỏa, đèn chiếu, hộp báo cháy... hầu như không làm việc hoặc chỉ hoạt động được trong thời gian đầu...

“Luật là một chuyện, nhưng cần sự vào cuộc của cả xã hội. Bản thân mỗi gia đình phải tự chuẩn bị cho mình, như ở các nước mỗi nhà đều có sẵn thang dây, mặt nạ phòng độc, nhưng ta thì không có. Còn về phía cơ quan quản lý tôi cho rằng việc hậu kiểm chưa nghiêm khi mà hàng hóa được bán ra thị trường phải được duyệt OTK, ai đóng dấu OTK cho các tòa chung cư này thì người đó phải chịu trách nhiệm”, KTS. Tùng nhấn mạnh.

Hệ thống PCCC của các chung cư phải được kiểm tra tối thiểu hai lần/năm

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng cho rằng phải luật hóa, đưa các quy định về PCCC vào Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, quy chuẩn tiêu chuẩn PCCC ở chung cư cao tầng... để nâng cao giá trị pháp lý của các quy định, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người, pháp nhân, đơn vị liên quan.

Ông Lê Hoàng Châu.

“Trước đây khi làm dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 có ý kiến: sau khi chủ đầu tư nghiệm thu công trình thì Sở Xây dựng cần có văn bản xác nhận đủ điều kiện đưa vào sử dụng thì mới cho người dân vào ở, tuy nhiên đề xuất này đã bị bãi bỏ trong luật chính thức. Vì vậy hiện nay không có bước Sở Xây dựng rà soát thêm một lần trước khi chung cư được phép vận hành. Đối với bất động sản hình thành trong tương lai còn có quy định Sở Xây dựng phải rà soát xem chủ đầu tư có giấy xác nhận đủ điều kiện bán nhà hay không, vậy mà trước khi chung cư đưa dân vào ở lại không có sự tham gia của Sở Xây dựng là không thỏa đáng”, Chủ tịch Lê Hoàng Châu thông tin.

Riêng đối với trường hợp chung cư Carina của chủ đầu tư CTCP Năm Bảy Bảy (Mã: NBB) đã đưa vào hoạt động 6 năm nay, vậy các khâu bảo hành, bảo dưỡng, bảo trì các hệ thống của tòa nhà (trong đó có cả PCCC) có được Ban Quản trị thực hiện đúng quy trình không và ai là người giám sát việc thực hiện này? Chủ tịch HoREA đặt nghi vấn: ở lần kiểm tra gần nhất vào cuối năm 2017, Cảnh sát PCCC không phát hiện vi phạm tại Carina, vậy tại sao khi xảy ra hỏa hoạn, toàn bộ hệ thống báo cháy tự động đều không hoạt động?

“Hệ thống PCCC của các chung cư phải được kiểm tra tối thiểu hai lần/năm, kết quả phải báo cho cơ quan PCCC – đó là đơn vị có chuyên môn nên sẽ biết là hệ thống của mỗi tòa nhà đã đủ đảm bảo an toàn chưa, nếu thiếu sót hoặc có vấn đề thì họ sẽ trực tiếp kiểm tra thêm”, ông Lê Hoàng Châu nói.

Đặc biệt, một vấn đề khác được ông Châu nhấn mạnh là cần chú ý đến vấn đề nội quy khu tầng hầm để xe bởi đây chính là nơi có nguy cơ cháy cao nhất. Một số giải pháp có thể thực hiện là tăng cường camera ở bãi xe, cấm hút thuốc tại tầng hầm đối với cả bảo vệ và người dân...

Về phía chủ đầu tư, khuyến nghị các đơn vị này tạo những địa điểm thoát nạn ở mỗi tầng chứ không chỉ có mỗi giải pháp lên tầng thoát hiểm; đồng thời phải đưa chương trình PCCC vào giáo dục từ cấp mẫu giáo trở lên (giống như cách người Nhật giáo dục cho trẻ về phòng động đất), phải tổ chức diễn tập cho cư dân, giới thiệu trang thiết bị cho người dân lựa chọn...

“Tâm lý người mua chung cư chắc chắn sẽ bị tác động theo hướng tạm ngưng lại việc mua nhà để đánh giá lại chủ đầu tư, tuy vậy điều này cũng tạo áp lực tích cực đến các chủ đầu tư. Mới đây, lãnh đạo của Novaland, Hưng Thịnh, Phúc Khang, Nam Long, Lê Thành... đều thảo luận với chúng tôi về tìm giải pháp để phòng cháy và lỡ sự cố xảy ra thì tạo điều kiện tốt nhất để người dân thoát hiểm”, lãnh đạo HoREA đưa ra dự báo.

Vị này nói thêm, dù sức cầu chung cư có thể giảm cục bộ trong thời gian ngắn sắp tới, nhưng về lâu dài, mua căn hộ chung cư vẫn là nhu cầu cơ bản. Bởi phát triển chung cư là tất yếu của quá trình đô thị hóa (quá trình này tại Việt Nam mới đạt 35%, trong khi Singapore đã hơn 90%), giúp sử dụng hiệu quả quỹ đất hạn hẹp và giá bán phù hợp túi tiền của phần lớn người dân.

Hiếu Quân
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: