Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Lừa đảo mạo danh Quỹ đầu tư chứng khoán: UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng

Mới đây, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra thông báo khuyến cáo nhà đầu tư về thực trạng lừa đảo mạo danh Quỹ đầu tư chứng khoán. Cụ thể, thời gian gần đây xuất hiện thủ đoạn mạo danh Quỹ đầu tư Carlyle VN để thực hiện hành vi lừa đảo nhà đầu tư.

Cảnh giác với app lừa đảo đầu tư chứng khoán trên mạng
Lừa đảo mạo danh Quỹ đầu tư chứng khoán: UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng.

Cụ thể, UBCKNN cho biết, cổng thông tin điện tử của Công an Thành phố Hà Nội đã đăng tải bài viết: “Cảnh báo lừa đảo mạo danh Quỹ đầu tư Carlyle VN” (thông tin chi tiết bài viết xem tại link: http://congan.hanoi.gov.vn/tim-kiem/canh-bao-lua-dao-mao-danh-quy-dau-tu-23312)”.

Tuy nhiên, UBCKNN khẳng định không cấp Giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ cho Quỹ đầu tư Carlyle VN. Cơ quan này đã đăng tải thông tin thành lập các quỹ đầu tư chứng khoán, công ty quản lý quỹ trên trang thông tin điện tử UBCKNN (ssc.gov.vn).

Đồng thời khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng, kiểm tra, đối chiếu các thông tin trước khi giao dịch, đầu tư theo thông tin tại các ứng dụng trên không gian mạng. Khi gặp trường hợp lừa đảo, nhà đầu tư cần liên hệ với Cơ quan để giải quyết kịp thời theo quy định.

Theo cảnh báo từ Công an thành phố Hà Nội, gần đây xuất hiện thủ đoạn mạo danh Quỹ đầu tư Carlyle VN để thực hiện hành vi lừa đảo. Đã có nạn nhân tham gia đầu tư và bị chiếm đoạt gần 2 tỉ đồng.

Nạn nhân cho biết được hướng dẫn đầu tư thông qua ứng dụng Quỹ đầu tư Carlyle VN. Khi tham gia các buổi livestream, người đầu tư được tặng tiền, được “thầy” giới thiệu nhiều gói ưu đãi, có nhiều mã khuyến nghị, hướng dẫn đầu tư cổ phiếu tăng giá mạnh. Theo như quảng cáo, đầu tư giao dịch vào quỹ có thể nhận tiền về tài khoản đầu tư ngay sau khi đặt lệnh chốt và có thể đặt lệnh rút tiền luôn, nhanh hơn hẳn so với các sàn giao dịch thông thường. 

Các "thầy" quảng cáo có mức lãi suất khủng 500 - 800% bằng cách dùng đòn bẩy. Nạn nhân được hướng dẫn mua mã cổ phiếu giao dịch “…x5” với mức nạp tiền tối thiểu hơn 200 triệu đồng. Khi nạp tiền xong, các đối tượng tiếp tục mời chào mã cổ phiếu giao dịch “…x8”. Nạp số tiền 200 triệu đồng, nạn nhân nhận được số cổ phiếu gấp nhiều lần và được yêu cầu nếu không nạp đủ số tiền còn thiếu sẽ bị đóng băng tài khoản và không được giao dịch. Nạn nhân đã chuyển thêm 400 triệu đồng để đủ số tiền còn thiếu. 

Khi nạn nhân rút tiền không được, các đối tượng yêu cầu chuyển phí thường niên (25% tổng lợi nhuận trước) để nạn nhân tiếp tục chuyển 200 triệu đồng. Tiếp đó yêu cầu đóng phí sử dụng tài khoản cho thành viên VIP là 15% tổng số tiền đã nạp (200 triệu đồng); đóng thuế giá trị gia tăng 10% lợi nhuận (150 triệu đồng); đóng 10% tiền phí giới thiệu khi mở tài khoản. Phải đóng quá nhiều phí đầu tư mà không rút được tiền ra, lúc này nạn nhân mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Với những dấu hiệu lừa đảo trên, UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng, kiểm tra, đối chiếu các thông tin trước khi giao dịch, đầu tư theo thông tin tại các ứng dụng trên không gian mạng. Khi gặp trường hợp lừa đảo, nhà đầu tư cần liên hệ với cơ quan để giải quyết kịp thời theo quy định.

CẢNH BÁO CÁC HÌNH THỨC GIẢ MẠO CHỨNG KHOÁN SSI ĐỂ LỪA ĐẢO
Tình trạng lừa đảo qua mạng diễn biến phức tạp.

Thời gian qua, tình trạng lừa đảo qua mạng diễn biến phức tạp. Thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại nước ta tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Công an cho biết, đang có 3 nhóm lừa đảo chính, như: giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. 24 hình thức lừa đảo ở 3 nhóm này nhắm vào người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, thanh niên, công nhân, người lao động và nhân viên văn phòng.

Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng. Các cuộc tấn công mạng có xu hướng tập trung chủ yếu vào con người thay vì máy móc, thiết bị.

Theo Bộ Công an, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững. Đây là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách trong thời đại số hóa, bảo vệ an toàn thông tin cho mọi đối tượng tham gia hoạt động trên môi trường mạng.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: