Khó khăn về kinh tế và lượng khách sụt giảm đang buộc nhiều ông chủ khách sạn phải rao bán tài sản, tập trung cho những dự án chính.
Khó khăn về kinh tế và lượng khách sụt giảm đang buộc nhiều ông chủ khách sạn phải rao bán tài sản, tập trung cho những dự án chính.
Tuy vậy, khác với những tài sản có tính thanh khoản cao, mua bán khách sạn là cuộc chơi không dễ dàng.
Sau hơn 7 năm duy trì và phát triển khách sạn Holiday View, tháng 4 vừa qua, Vinaconex ITC đã chào bán khách sạn này với giá khởi điểm vỏn vẹn 70 tỷ đồng. Đây là khách sạn 3 sao duy nhất tại Cát Bà, diện tích sàn xây dựng khoảng 8.500 m2, bao gồm 120 phòng ngủ với phòng hội thảo lớn đồng bộ, gắn liền với đất thuê của Nhà nước trên diện tích 700 m2. Theo hồ sơ chào bán cho các nhà đầu tư, Holiday View hoạt động khá hiệu quả với công suất phòng đạt trên 75%.
Ông Trần Ngọc Quang, Tổng giám đốc Vinaconex ITC từ chối bình luận lý do chào bán Holiday View. Tuy nhiên, kết thúc thời hạn nhận hồ sơ chào thầu, hầu như Công ty không nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư và việc bán khách sạn cho đến tháng 6 vẫn chưa có kết quả. Ông Quang cho biết, Công ty sẽ thay đổi kế hoạch chào bán khách sạn này.
Một trong những lý do mà giới quan sát nhận định về việc Vinaconex ITC muốn bán Holiday View là Công ty này cần tiền để tập trung cho dự án Cát Bà Amatina với tham vọng xây dựng Cát Bà Amatina trở thành trung tâm thương mại - du lịch - sinh thái đẳng cấp quốc tế. Đến thời điểm này, mục tiêu trên vẫn còn dang dở khi các nhà đầu tư thứ cấp và sơ cấp đều kém mặn mà tham gia bỏ vốn cho Cát Bà Amatina.
Năm 2011, Công ty cổ phần Khách sạn và dịch vụ Đại dương (OCH) đã thực hiện hàng loạt giao dịch như mua 68,75% cổ phần của Công ty THT (Khách sạn Rose Garden Ngọc Khánh), Khách sạn Starcity Suối mơ Quảng Ninh và 49,5% cổ phần của Công ty du lịch dầu khí Phương Đông (chủ sở hữu Khách sạn Starcity Phương Đông ở Nghệ An), 51,42% cổ phần của CTCP Tân Việt (chủ sở hữu Khách sạn Sunrise Nha Trang). Những địa chỉ lọt vào tầm ngắm của OCH đều có vị trí đẹp, đang hoạt động khai thác kinh doanh tốt. Định hướng của HĐQT Công ty này trong năm 2012 là tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động mua bán sáp nhập trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn.
Những thương vụ gây chú ý nhất trên thị trường thường tập trung ở phân khúc khách sạn 5 sao. Gần đây, một loạt đại gia Việt đã mua lại phần vốn của đối tác nước ngoài để trở thành chủ sở hữu các khách sạn 5 sao. Đơn cử như Sovico mua lại Furama Resort Đà Nẵng (thông qua mua lại toàn bộ cổ phần của liên doanh Khu du lịch Bắc Mỹ An gồm Công ty Du lịch Đà Nẵng và Tập đoàn Lai Sun Hong Kong). BRG mua lại toàn bộ cổ phần của các ông chủ Đức, Áo để trở thành chủ sở hữu Khách sạn Hilton Hà Nội. Mới đây là thương vụ Hanel vượt qua đối thủ Lotte mua lại toàn bộ 70% vốn của Daewoo để sở hữu 100% vốn của Khách sạn Daewoo Hà Nội.
Hanel vượt qua đối thủ Lotte để sở hữu 100% vốn của Khách sạn Daewoo Hà Nội
Theo thống kê, đa số các giao dịch mua khách sạn được thực hiện với nhà đầu tư trong nước. Theo ông Gregory Crovo, Luật sư Công ty Kelvin Chia Partnership, quá trình xét duyệt hồ sơ cấp phép cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thường có nhiều vướng mắc, dài dòng và phụ thuộc vào nhiều cách giải thích mâu thuẫn nhau, do nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục cấp phép và thanh toán, bất kỳ giao dịch nào có yếu tố nước ngoài đều phải có sự phê chuẩn của một số cấp quản lý. Điều này có nghĩa, quyền chọn bán và quyền chọn mua cuối cùng vẫn phải tùy thuộc vào việc có được phê duyệt hay không. Những thương vụ mua bán khách sạn rõ ràng có nhiều yếu tố liên quan đến các quy định về quyền sử dụng đất đai. Do đó, việc chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài phần lớn cần sự đồng ý của cơ quan quản lý và đó có thể là một hành trình không đơn giản.
Hoạt động của những khách sạn sẽ có gì thay đổi khi có ông chủ mới? Trên một số diễn đàn đã xuất hiện những lời phàn nàn về chất lượng của một khách sạn 5 sao tại Hà Nội khi ông chủ người Việt tiếp quản và tham gia điều hành.
Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny (Canada) cho biết, nhiều thương vụ chỉ “vui vẻ” sau một thời gian nhất định, bởi hai bên chưa phân định rõ ràng các quyền lợi về thương hiệu, cổ phần và quyền lực quản lý, công nghệ… Có trường hợp, ông chủ mới có toàn quyền quyết định doanh nghiệp mình đã mua nhưng không có nghĩa họ có thể điều hành cuộc chơi dễ dàng.
Theo ĐTCK