Sự kiện hot
12 năm trước

Mùa thi - mùa... “chặt chém”

Hàng chục nghìn thí sinh đang đổ về Hà Nội, TP.HCM để chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Đây là mùa thi và cũng là mùa để các dịch vụ ăn theo khai thác kinh doanh triệt để.

Hàng chục nghìn thí sinh đang đổ về Hà Nội, TP.HCM để chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Đây là mùa thi và cũng là mùa để các dịch vụ ăn theo khai thác kinh doanh triệt để.

Nhưng phần lớn họ không kinh doanh lương thiện, mà “mài sẵn dao” để “chặt chém” khách hàng.

Học sinh lai kinh ứng thí đa số là con nhà nghèo. Cha mẹ làm nghề nông, gom góp được vài triệu đồng đủ để cho con đi thi. Đối với họ, 100.000 đồng là rất lớn, nên khi bị chủ nhà trọ hét giá trên trời, họ thất kinh vì cao hơn số tiền họ dự liệu. Ở Hà Nội, giá nhà trọ như giá khách sạn đã làm cho nhiều phụ huynh méo mặt, chưa kể còn nhiều chi phí khác.

Khổ một nỗi là họ không có nhiều lựa chọn. Tất cả các nhà trọ đồng loạt lên giá, nếu ai muốn có giá rẻ hơn thì đi xa các điểm thi. Nếu vậy thì phải chi phí nhiều hơn cho đi lại, chưa kể nỗi lo kẹt xe, đi thi trễ. Bắt được điểm yếu đó của các sĩ tử, dân kinh doanh dịch vụ tha hồ tăng giá.

Tại TP.HCM, đội ngũ tình nguyện viên hùng hậu đón thí sinh ở các bến xe, nhà ga để hỗ trợ. Nhờ sự hướng dẫn của lực lượng này, nhiều thí sinh không bị xe ôm “dẫn lối đưa đường” với giá như hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên, 13.000 tình nguyện viên nhiệt tình cũng chỉ giúp được thủ tục ban đầu, hướng dẫn đến các điểm thi, tìm chỗ ở, các sinh hoạt còn lại thì không thể hỗ trợ được. Ví dụ như đĩa cơm từ 25.000 đồng tăng lên 30.000 – 35.000 đồng thì ai can cho được?

Ở khu vực gần các điểm thi, dân bán hàng ăn thức uống đã chuẩn bị sẵn dao chờ “chém”. Mới ngày 1.7, khoảng 90.000 người gồm thí sinh và phụ huynh đổ về TP.HCM, ước tính trong hai ngày tới là 250.000 người. Đây là những “con mồi” béo bở cho các dịch vụ kinh doanh “làm thịt”.

Tình trạng kinh doanh không lương thiện này diễn ra hàng năm khi mùa thi đến. Dân kinh doanh tự tung tự tác, hét giá trên trời để thu lợi. Nhiều trường hợp phụ huynh và học sinh ở quê lên không biết đường đi bị xe ôm lấy giá cao gấp nhiều lần so với giá bình thường, nhiều người vào quán ăn không hỏi giá bị chặt gấp 2-3 lần giá niêm yết. Ai cũng biết nhưng chính quyền gần như bất lực, không quản lý được, không kiểm soát và ngăn chặn được.

Cũng từ chuyện này để thấy đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp thê thảm. Lừa đảo, trấn lột, móc túi, gây hại cho người khác rất lạnh lùng, miễn sao có lợi cho mình. Mà xét cho cùng, hành vi thiếu đạo đức đó không chỉ có những người kinh doanh nhà trọ hay bán hàng quán.

Chân Tâm
theo Dân Việt

Từ khóa: