Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Năm 2023 chính sách tiền tệ khép lại với khá nhiều thăng trầm

Năm 2023 qua đi với những sóng gió thăng trầm trên thị trường tiền tệ. Biến động lớn đầu tiên phải nhắc tới đến từ lãi suất. Cuộc đua huy động lãi suất ngân hàng vào cuối năm 2022 khiến đầu năm 2023 thị trường đầy biến động.

Tiền gửi của người dân tăng mạnh vượt 6 triệu tỷ đồng | Mekong ASEAN
Năm 2023 chính sách tiền tệ khép lại với khá nhiều thăng trầm.

Thống kê trong năm 2023 cho thấy, thị trường tiền tệ đã đứng trước 3-4 đợt mạnh tay hạ lãi suất đi theo những lần hạ lãi suất điều hành của NHNN. Đến cuối năm, ít ai có thể ngờ lãi suất huy động và cho vay rơi vào trạng “đáy“ khi huy động VND chỉ còn ở mức từ 3-5,5%/năm cho kỳ hạn 3 - 6 tháng; 1,3% cho kỳ hạn tháng. Còn lãi suất cho vay được các nhà băng lớn cấp tập giải ngân với mức phổ biến từ 6,5-7%/ tháng cho 2 năm đầu. Thậm chí tháng cuối cùng của năm 2023, để thúc tăng trưởng tín dụng, có nhà băng ngoại không ngần ngại điều chỉnh lãi vay tiêu dùng xuống mức 7,3% cố định 3 năm; có ngân hàng Big4 còn hạ xuống mức 6,5% cho kỳ hạn 2 năm ổn định với khách hàng ưu tiên.

Cơn hạ lãi suất sốc này, ngoài tác động từ yếu tố điều hành, về bản chất còn đến từ sức khoẻ của nền kinh tế quá yếu; không hấp thụ được vốn. Chia sẻ với Tiền Phong, giám đốc chi nhánh một ngân hàng cổ phần nhỏ nói: “Thực sự chúng tôi phải cân não đau đầu khi ngân hàng phải mua đuổi, bán đuổi vốn thế này. Hôm nay vừa huy động mức cao, mai buộc phải hạ lãi suất vay trong khi nguồn cao vẫn chất đống, điều này khiến ngân hàng phải cân đong đo đếm từng không phẩy phần trăm chênh lệch”.

Tính đến nay, đã 4 lần Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất chủ chốt với mức giảm 0,5 – 2,0%/năm. Đây là cách điều hành được giới phân tích đánh giá là “hoàn toàn khác biệt” bởi cả thế giới vẫn chưa dừng lại việc nâng lãi suất, thắt chặt tiền tệ cho đến tận thời điểm hiện tại.

Việc liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá là linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Từ đầu năm 2023, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Tuy nhiên, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến 13/12/2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ đạt 9,87%, cách xa so với mục tiêu cả năm trong khi chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm.

Lãi suất ngân hàng hôm nay: Gửi tiền thế nào để nhận lãi suất cao nhất? -  Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình

Bên cạnh đó, năm 2023 cũng là năm đi vào lịch sử tín dụng ngành ngân hàng bởi chưa bao giờ, khao khát trong tăng trưởng tín dụng với các nhà băng lại mãnh liệt đến vậy. Trái với tình cảnh cuối năm 2022, khi các ông chủ sếp ngân hàng phải chầu trực lên xin quota room tín dụng mà không được, thì năm 2023 tín dụng rơi vào tình cảnh ế ẩm chưa từng có.

Trái với diễn biến đầu năm, sang đến quý 2 và nửa sau của năm 2023, trước sức cầu nền kinh tế yếu, đơn hàng bị cắt giảm, doanh nghiệp không có năng lực trả nợ, nhiều khoản vay đến kỳ không có khả năng thanh toán, doanh nghiệp yếu không có cơ hội tiếp cận vốn, và dòng tiền vào sản xuất kinh doanh nhỏ giọt. Tất cả đã đẩy thị trường ngân hàng rơi vào tình cảnh ế khách, thừa tiền, ứ thanh khoản.

Tính đến 6 tháng đầu năm, toàn ngành chỉ tăng được hơn 4%, một mức tăng thấp kỷ lục. Tín dụng tăng chậm đến mức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính không giấu được sự lo lắng và sốt ruột. Ngoài thành lập tổ nghiên cứu giải cứu thị trường bất động sản, lắng nghe kiến nghị các bộ ngành, doanh nghiệp các lĩnh vực kinh tế, trong suốt năm qua, Chính phủ đã không dưới vài lần triệu tập các cuộc họp khẩn có sự tham dự của Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước như Thống đốc, Phó Thống đốc thường trực. Đặc biệt, nhiều nhà băng lớn được nêu tên đích danh gọi đến họp cùng.

Dự báo năm 2024, thị trường tài chính, tiền tệ sẽ đối diện nhiều khó khăn. Tình trạng tín dụng tăng thấp được dự báo sẽ còn tiếp diễn do cầu tiêu dùng vẫn ở mức thấp trên toàn cầu và cả trong nước. Có một phần do lãi suất cho vay của các ngân hàng dù đã giảm xuống, nhưng vẫn còn cao, trong khi tỷ suất lợi nhuận trước thuế còn thấp, có nhiều ngành còn thấp hơn cả lãi suất huy động, thậm chí có một số ngành, đơn vị còn bị lỗ.

Vấn đề an toàn hệ thống được các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước sớm phân loại và chỉ ra một số ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, tuy nhiên đây vẫn là trọng tâm trong kiểm tra, giám sát năm 2024 để không xảy ra rủi ro tín dụng, mất an toàn hệ thống.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: