Sự kiện hot
5 tháng trước

Nam Định đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 17.882 căn hộ nhà ở xã hội

UBND tỉnh Nam Định vừa ban hành kế hoạch triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn.

Nam Định - Chuyên trang thông tin Chính sách và cuộc sống - TTXVN
Nam Định đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 17.882 căn hộ nhà ở xã hội.

Theo đó, trong 17.882 căn hộ nhà ở xã hội mục tiêu, giai đoạn 2021 - 2025, Nam Định sẽ thực hiện 11.424 căn; giai đoạn 2026 - 2030 làm 6.458 căn.

Số lượng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp là 1.875 căn (giai đoạn 2021 - 2025 xây 1.650 căn; giai đoạn 2026 - 2030 xây 225 căn). Số lượng nhà ở xã hội cho công nhân là 16.007 căn (giai đoạn 2021 - 2025 xây 9.774 căn; giai đoạn 2026 - 2030 xây 6.233 căn).

Tỉnh Nam Định cho biết sẽ tập trung phát triển nhà ở xã hội tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, khu vực tập trung khu công nghiệp.

Đồng thời, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội theo dự án; nhất là các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản.

Nam Định dự kiến quỹ đất trong giai đoạn 2021 - 2025 là 916,54 ha trong đó: đất phát triển nhà ở thương mại là 55,49 ha; đất phát triển nhà ở xã hội là 49,07 ha; đất phát triển nhà ở công vụ là 0,11 ha; đất phát triển nhà ở do người dân tự xây dựng trên đất được chuyển quyền sử dụng đất là 811,86 ha.

Còn trong giai đoạn 2026-2030, nhu cầu đất phát triển nhà ở của tỉnh là 954,53 ha trong đó: đất phát triển nhà ở thương mại là 147,81 ha; đất phát triển nhà ở xã hội là 55,91 ha; đất phát triển nhà ở công vụ là 0,34 ha; đất phát triển nhà ở do người dân tự xây dựng trên đất được chuyển quyền sử dụng đất là 750,47 ha.

Nam Định dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025 cần 95.054 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại là 4.323 tỷ; trong giai đoạn 2026 -2030 nguồn vốn dự kiến là 133.907 tỷ đồng trong đó việc xây nhà ở xã hội cần 19.174 tỷ đồng.

Phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất trong phát triển nhà ở. Dự báo nhu cầu nhà ở đô thị và nông thôn, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các khu, cụm công nghiệp làm cơ sở lập kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm của tỉnh.

Nhà ở xã hội: Ế dài vì... 3 không

Được biết, đến năm 2025 Nam Định phấn đấu diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 29,0m2 sàn/người trong đó: Tại khu vực đô thị đạt 33,9m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26,36m2 sàn/người. Phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 10m2 sàn/người. Đến năm 2025 phấn đấu nâng chất lượng nhà ở kiên cố đạt 99,9% (trong đó khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 99,9%)

Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh phấn đấu đạt khoảng 33,5m2 sàn/người, trong đó: Tại khu vực đô thị đạt 37,7m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 30,06m2 sàn/người. Chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 10m2 sàn/người. Đến năm 2030, chất lượng nhà ở kiên cố đạt 99,9% (trong đó khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 99,9%).

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, việc phát triển nhà ở hiện tại trên địa bàn tỉnh còn thiếu tính định hướng. Nhà ở thương mại có xu hướng phát triển mạnh hơn trong khi nhà ở dành cho nhóm đối tượng chính sách xã hội và người thu nhập thấp lại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng thị trường bất động sản mất cân đối cung cầu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Ngoài ra, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh còn thấp, chỉ đạt gần 20%.

Sức hút nhà ở đô thị còn thấp, chưa thu hút được các nhà đầu tư. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ vẫn chưa đủ sức khuyến khích các chủ thể trong việc phát triển nhà ở xã hội, như các cơ chế ưu đãi về thuế, về đất đai, về các thủ tục đầu tư. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm. Công tác phát triển nhà ở mới chậm do thiếu cơ sở, căn cứ pháp lý cho các cấp chính quyền điều hành công tác quản lý, phát triển nhà ở. Do đó, Chương trình phát triển nhà ở được thông qua sẽ tạo căn cứ pháp lý để ngành Xây dựng tập trung thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở bền vững.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: