TS Vũ Thu Hương, Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, nêu rơi vào tình thế bị phụ huynh bắt quỳ xin lỗi, bà sẽ không bao giờ quỳ mà sẽ nhờ sự trợ giúp từ đồng nghiệp, cần thiết thì gọi công an đến can thiệp.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương - Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ.
Câu chuyện một cô giáo Trường Tiểu học Bình Chánh (Bến Lức, Long An) phải quỳ 40 phút để xin lỗi phụ huynh học sinh mới đây đang thu hút sự chú ý lớn của dư luận.
Liên quan đến vụ việc này, Tiến sĩ (TS) Vũ Thu Hương - Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có những chia sẻ với chúng tôi về một số kĩ năng cần thiết mà giáo viên nên tự trang bị để có thể tạo lập môi trường làm việc an toàn cho chính mình trong quá trình giảng dạy.
Cần quy định rõ ràng về thưởng phạt
Bỏ qua vấn đề đạo đức và ứng xử của phụ huynh, chúng ta có lẽ cũng nên đặt ra câu hỏi về kĩ năng giải quyết tình huống của giáo viên. Dường như các giáo viên Việt Nam ít được đào tạo, hướng dẫn để hình thành kĩ năng giải quyết khủng hoảng.
TS Thu Hương nhấn mạnh, khi giảng dạy không thể tránh khỏi những lúc học sinh không tuân thủ kỉ luật, việc học hành sút kém và gây ra lỗi. Những lúc như vậy, thưởng phạt sẽ là biện pháp cứu cánh cho giáo viên. Vì thế, để thực hiện được thưởng phạt nghiêm túc và hiệu quả, các giáo viên cần ghi nhớ và thực hiện các lưu ý sau:
Cần có các quy định rõ ràng, đầy đủ, kín kẽ và nghiêm túc về thưởng phạt. Các điều quy định này nên được công bố rộng rãi đến từng gia đình của các học sinh trong lớp. Mỗi phụ huynh cần kí xác nhận về việc đồng ý thực hiện các quy định thưởng phạt này.
Nếu không đồng ý, các phụ huynh cần có những lời nhận xét rõ ràng. Những ý kiến này cần được bàn bạc kĩ càng trong buổi họp phụ huynh đầu năm để lấy ý kiến thống nhất giữa giáo viên và phụ huynh.
Khi thực hiện các quy định thưởng phạt phải thực hiện nghiêm túc và rõ ràng. Từng thành viên trong lớp cần phải tuân thủ các quy định dù đó là bất kể ai. Việc này sẽ giúp học sinh hiểu rõ luật lệ và dễ dàng hoạt động thoải mái trong khuôn khổ quy định mà vẫn thể hiện được năng lực của từng em.
Giáo viên tuyệt đối không được xử thiên vị. Điều này sẽ gây ức chế cho học sinh dẫn tới ức chế cho các phụ huynh và làm giảm hiệu quả giáo dục học sinh.
Gọi Công an nếu thấy cần thiết
TS Hương cũng nhấn mạnh: Phải có quy chế trao đổi giữa phụ huynh và giáo viên về các vấn đề của học sinh và của lớp. Các quy chế này cũng cần được thống nhất trong buổi họp phụ huynh đầu năm và có xác nhận của nhà trường. Nhà trường cũng nên phổ biến quy chế của từng lớp cho các phòng ban trong trường và các hiệp hội liên quan như hội phụ huynh trường, công an khu vực, phường xã nơi trường cư trú…
Các quy chế này phải rõ ràng và đảm bảo sự ổn định của lớp học. Ví dụ: phụ huynh không tự ý vào lớp khi học sinh đang học, những trao đổi riêng giữa phụ huynh và giáo viên không được phép tiến hành trước mặt học sinh...
Giáo viên thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định đã ban hành và được thống nhất giữa các bên. Tuyệt đối không vi phạm các quy định và quy chế này.
Trong trường hợp có những mâu thuẫn, khi giải quyết, giáo viên cần phải mời các bên liên quan tham dự và có các ý kiến góp ý. Mọi cách xử lý cần được tuân thủ theo pháp luật.
Trường Tiểu học Bình Chánh (Bến Lức, Long An). Ảnh: Báo Tuổi trẻ.
Các lớp nên lắp đặt camera để giáo viên lưu lại những bằng chứng nếu cần để có thể tố cáo các hành vi xâm hại, hạ nhục giáo viên nếu có. Ngoài ra, những hình ảnh trẻ hoạt động trong lớp được lưu trong camera sẽ giúp giáo viên giải trình các vấn đề nếu có các bức xúc hoặc hiểu nhầm.
Các trường học cần có quy định hạn chế phụ huynh vào lớp trong lúc học sinh đang học. Mọi giao tiếp giữa phụ huynh và phụ huynh nên tiến hành ở một phòng riêng gần cổng trường.
Cần phổ biến các phương thức liên lạc với cơ quan công an cho tất cả các thành viên trong lớp và trường. Nếu có những hành vi hành hung hoặc hạ nhục giáo viên hay học sinh, các thành viên trong lớp có thể liên lạc để kêu gọi sự trợ giúp từ phía các cơ quan chức năng.
"Nếu tôi là cô giáo N. ở Long An, đương nhiên tôi sẽ không bao giờ phải quỳ gối mà sẽ nhờ sự trợ giúp từ đồng nghiệp, nếu cần thiết thì sẽ gọi cho Công an tới can thiệp.
Thời gian này, khi các phụ huynh còn có nhiều hiểu nhầm với giáo viên và nghề giáo, những kĩ năng này thực sự cần thiết để từng thầy cô giáo có thể tự mình đảm bảo an toàn cho chính mình và học sinh cũng như đảm bảo chất lượng giáo dục của lớp", TS Vũ Thu Hương cho biết thêm.
Đình Tuệ
Theo ĐSPL, Vietnammoi