Những biện pháp trong Dự thảo Nghị định mới về quản lý kinh doanh vàng mới nêu được điều kiện “cần”, nhưng chưa “đủ” để ngăn chặn tình trạng “vàng hoá”.
Những biện pháp trong Dự thảo Nghị định mới về quản lý kinh doanh vàng mới nêu được điều kiện “cần”, nhưng chưa “đủ” để ngăn chặn tình trạng “vàng hoá”.
Sở dĩ Việt Nam bị “vàng hóa” cao là do vàng có một số chức năng tiền tệ, như thanh toán, định giá, cất trữ. Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam phát triển thiếu ổn định, lạm phát cao, đồng Việt Nam mất giá, thị trường chứng khoán trồi sụt, thị trường bất động sản đóng băng, chỉ có giá vàng tăng liên tục từ năm 2001 lại đây, thì việc nhiều người đầu tư vào vàng, coi vàng là nơi trú ẩn an toàn khi có lạm phát là điều dễ hiểu. Do đó, việc chống “vàng hóa” là nhiệm vụ rất khó khăn, cần có các biện pháp quyết liệt như chống “đô-la hóa”.
Trên thế giới, vai trò tiền tệ của vàng cũng đang dần trở lại. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, trong vòng 10 năm lại đây, giá vàng tăng mạnh hơn sự mất giá của đồng USD. Việc giá vàng tăng mạnh trong 10 năm qua, một mặt khẳng định lại giá trị của vàng; mặt khác cho thấy vàng đang phục hồi chức năng tiền tệ vốn có của nó.
Kinh nghiệm quản lý vàng của các nước trên thế giới cho thấy, vàng luôn được coi là thứ hàng hóa đặc biệt, có thuộc tính tiền tệ, do đó, việc quản lý vàng rất chặt chẽ, việc sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng miếng phải tuân theo các điều kiện khắt khe và chịu sự giám sát của Nhà nước.
Theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ “kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng, trong quý II/2011, trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do”. Đây là thông điệp từ Chính phủ có sức nặng ảnh hưởng đến thị trường. Qua theo dõi cho thấy, các tháng sau đó, nhu cầu mua, bán vàng miếng giảm mạnh, giá vàng miếng đã xuống thấp hơn giá vàng quốc tế tới gần 1 triệu đồng/lượng.
Thực tế trên cho thấy, vàng là hàng hóa đặc biệt có thuộc tính tiền tệ, nên việc sản xuất, kinh doanh mua bán loại hàng hóa đặc biệt này cần quản lý chặt chẽ như quản lý liền tệ, việc sản xuất vàng miếng cần giao cho một công ty thuộc Ngân hàng Nhà nước thực hiện; việc kinh doanh mua bán vàng miếng cần tập trung vào các ngân hàng thương mại có đủ điều kiện, có vậy mới có thể ổn định thị trường vàng và giảm bớt tình trạng “vàng hóa”. Về lâu dài, muốn chống được “vàng hóa”, Nhà nước cần có các biện pháp hữu hiệu để kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị đồng Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, từ đó tạo lòng tin của người dân và giảm bớt nhu cầu đầu tư vào vàng.
Trở lại với Dự thảo Nghị định mới về quản lý kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước chưa thể hiện được quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Ngoài ra, tuy việc sản xuất và mua bán vàng miếng tuy được quản lý chặt chẽ hơn so với trước đây, song như thế là chưa đủ để chống được tình trạng “vàng hóa”
Đăng Minh
Theo Đầu Tư