Theo kế hoạch đã được đại hội cổ đông thông qua, các ngân hàng sẽ phát hành thêm hàng tỷ cổ phiếu để trả cổ tức trong năm 2022. Điều này tạo ra áp lực làm giảm giá cổ phiếu.
Thống kê trong năm 2021, các ngân hàng đã đưa thêm vào thị trường khoảng 8 tỷ cổ phiếu thông qua việc trả cổ tức. Nếu tính cả hoạt động phát hành riêng lẻ và chào bán cho cổ đông hiện hữu, lượng cổ phiếu ngân hàng bơm ra thị trường lên tới khoảng 10 tỷ.
Chưa dừng lại ở đó, tại đại hội cổ đông thường niên 2022, một loạt ngân hàng tiếp tục đệ trình kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức và đã được thông qua.
Một số đợt phát hành lớn dự kiến được triển khai trong năm nay gồm: VPBank phát hành tối đa gần 2,238 tỷ cổ phiếu chia cổ tức và thưởng, Vietcombank phát hành 856 triệu cổ phiếu trả cổ tức 18,1%, MB phát hành 755,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức 20%, ACB phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ chia là 25%; HDBank phát hành hơn 500 triệu cổ phiếu để chia cổ tức tỷ lệ 25%…
Việc ồ ạt đưa hàng tỷ cổ phiếu vào lưu hành khiến nhóm ngân hàng đối mặt với áp lực giảm giá. Thực tế, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã sự lao dốc khá mạnh sau khi chốt quyền chia cổ tức trong năm 2021. Điển hình như VIB, cổ phiếu này đã liên tục giảm giá và mất gần 27% giá trị sau 4 tháng chia cổ tức. Tương tự, CTG cũng giảm khoảng 25% sau 3 tháng chốt quyền trả cổ tức hơn 30% bằng cổ phiếu vào ngày 8/7.
Tại đại hội cổ đông năm nay, nhiều nhà đầu tư cũng bày tỏ sự lo lắng khi các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh phát hành cổ phiếu trả cổ tức.
Trả lời lo ngại của cổ đông về giá cổ phiếu có thể giảm sau khi chia cổ tức, lãnh đạo Vietcombank thừa nhận, giá cổ phiếu VCB có giảm theo quy định về pha loãng sau khi ngân hàng thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu và tiền mặt vào đầu năm nay. Tuy nhiên, tham chiếu với chỉ số Vn-Index và VN30, thị giá VCB vẫn tiếp tục được duy trì và đang tăng trở lại.
"Theo thông lệ và thống kê lịch sử, giá cổ phiếu VCB sẽ tăng trở lại sau một thời gian chi trả cổ tức", Phó Tổng Giám đốc Phùng Nguyễn Hải Yến cho biết.
Tại đại hội cổ đông, một nhà đầu tư vào SHB đặt câu hỏi về kết quả lợi nhuận tích cực, tuy nhiên giá cổ phiếu liên tục giảm mạnh thời gian qua. Cổ đông này đề nghị không nên phát hành cổ phiếu tăng vốn và dùng lợi nhuận để mua cổ phiếu quỹ vì thị giá đang thấp.
Giải đáp thắc mắc của cổ đông, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho biết, theo quan điểm của ông thì cổ đông là những người chủ của ngân hàng. Và tất cả đều hướng đến nâng cao sức khoẻ, năng lực tài chính cho ngân hàng. Do đó, vẫn cần tăng vốn để đảm bảo chuẩn mực quốc tế, an toàn, bền vững.
"Đúng là giá cổ phiếu có xuống thời gian gần đây. Giá trên thị trường sẽ có lên có xuống. Tuy nhiên, cổ đông có thể phân tích sẽ thấy giá trị cao hơn thị giá thời điểm hiện tại. Chúng ta nên có niềm tin và sự phân tích để đầu tư cổ phiếu có giá trị, bền vững", Chủ tịch SHB nói.
Chọn con đường khác với hầu hết nhà băng khác, Techcombank tiếp tục giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2021 sau khi trích lập các quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh. Đây là năm thứ 11 ngân hàng này không chia cổ tức bằng tiền mặt và là năm thứ tư liên tiếp không chia cổ tức.
Tại đại hội cổ đông năm nay, Chủ tịch Techcombank Hồ nhấn mạnh, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thời điểm này là không cần thiết. Trước đó, năm 2018 Techcombank cũng đã chia tới 200%.
"Giá trị doanh nghiệp vẫn vậy, chia cổ tức bằng cổ phiếu thì sẽ bị pha loãng, thị giá điều chỉnh. Nhiều người nghĩ chia xong thì giá cổ phiếu tăng, nhưng không phải vậy. Tại sao không nghĩ giá cổ phiếu có thể tiếp tục tăng lên 100.000-200.000 đồng/cp. Thậm chí, cổ đông còn phải trả 5% thu nhập cá nhân khi nhận được cổ tức bằng cổ phiếu. Tôi cho rằng như vậy không có lợi cho ngân hàng và cổ đông lúc này", ông Hùng Anh nói tại đại hội.
Chủ tịch Techcombank cũng cho rằng, điều mà ngân hàng cần quan tâm, suy nghĩ là làm gì để thị trường định giá đúng về ngân hàng: "Cách đây 5 năm, tôi đã nói không chia cổ tức trong 10 năm, nhưng 2017-2019 thì giá trị đã tăng gấp nhiều lần, là chiến lược phù hợp. Còn về việc điều chỉnh vốn điều lệ, tăng vốn từ phát hành cho NĐTNN, ngân hàng sẽ xem xét sao cho hợp lý''.
Về vấn đề tăng vốn điều lệ, Chủ tịch Techcombank lý giải, hiện nay Ngân hàng Nhà nước hay các tổ chức quốc tế đều đánh giá dựa trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng chứ không phải vốn điều lệ, chỉ ngoại trừ một số chỉ số cần theo dõi về vốn điều lệ như mạng lưới, số chi nhánh.
"Lộ trình chia cổ tức còn phụ thuộc vào lộ trình phát triển của ngân hàng hàng, mang lại lợi ích cho khách hàng và cổ đông dài hạn. Hiện chỉ số ROE (tỉ suất lợi tức trên vốn chủ sở hữu) của TCB ở mức 20%, đó là lợi nhuận rất tốt", Chủ tịch Techcombank nhấn mạnh.
Quang Hưng
Theo Trí thức trẻ