Sự kiện hot
7 năm trước

Người cha của hàng chục ngàn 'bé đỏ' vô danh

Ngày này qua tháng nọ, có một người đàn ông luôn tận tụy với công việc thường nhật của mình đó là lặn lội khắp mọi nơi để đón những sinh linh bị tước đi quyền sống về chôn cất.

Những sinh linh không gia đình

Hàng ngày ông Phụng vận tận tụy bên những nấm mồ "Vô Danh". Ảnh: Trang Anh

Dưới ánh mặt trời của buổi chiều tà, chúng tôi có dịp ghé thăm nghĩa trang Đồng Nhi (TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai).

Đây được xem là nơi yên nghỉ của những sinh linh còn đỏ hỏn, xấu số bị tước đi quyền sống ngay khi chưa cất tiếng khóc chào đời.

Có những sinh linh chưa rõ hình hài, còn có những sinh linh có đầy đủ bộ phận trên cơ thể, chỉ chờ đợi để được đón ánh mặt trời nhưng cũng bị tước đi mạng sống một cách đau lòng. Tất cả những sinh linh đó đều nằm tại đây, dưới không khí ảm đạm, thê lương, cô quạnh… bởi các em không được mang họ tên đầy đủ, không được bố mẹ, gia đình viếng thăm…

Cũng tại nơi này, người ta thỉnh thoáng lại thấp thoáng một bóng người đàn ông cao, gầy với dáng vẻ tận tuỵ. Người đàn ông ấy là Nguyễn Phương Phụng (49 tuổi). Hàng ngày, ông vẫn ghé qua nghĩa trang nhặt nhạnh cây cỏ, dọn dẹp rác… quanh các nấm mộ, để các sinh linh bé nhỏ có một "ngôi nhà" sạch sẽ, tươm tất hơn.

Nhìn thoáng qua, ông già hơn so với tuổi xấp xỉ ngũ tuần của mình. Với dáng vẻ nhanh nhẹn, ông dắt chúng tôi đi vòng quanh nghĩa trang, vừa đi, ông vừa lau chùi các nấm mộ.

Ngược về miền kí ức, ông nhớ lại vào những năm 1992, cha đạo Nguyễn Vân Đông (nhà thờ Đức An, TP. Pleiku) đã thành lập nên nghĩa trang Đồng Nhi này để các sinh linh xấu số được an nghỉ.

Như duyên trời định, cách đây khoảng 20 năm ông về phụ giúp cha Đông chăm sóc cho các sinh linh nơi đây. Sau đó không lâu, cha Đông do tuổi cao sức yếu đã bàn giao toàn bộ nghĩa trang và sứ mệnh cao cả đó cho ông Phụng và cụ bà Lê Thị Tâm (81 tuổi) trông nom, săn sóc.

Hàng ngày vẫn có nhiều bạn trẻ đến thắp cho các sinh linh những nén nhang. Ảnh: Trang Anh

Đưa ánh mắt về phía xa, ông Phụng nhớ lại vào một ngày trời mưa như trút nước của 18 năm về trước, khi ông rong ruổi trên con đường thì phát hiện một túi ni lông được gói cẩn thận đặt trên một phần mộ ở nghĩa trang.

Thấy có điều không ổn, ông vội mở túi ni lông ra thì giật mình khi thấy bên trong là một thai nhi đã rõ hình hài. Đưa mắt nhìn xung quanh nhưng không thấy ai, tất cả những thứ ông nhận được là sự thương cảm đến lạnh người.

“Những lần đầu sờ vào các thai nhi lạnh lẽo khiến tay tôi run lên liên hồi, nhưng không phải vì tôi sợ mà cảm thấy thương xót cho những đứa trẻ. Các sinh linh được tạo hóa ban tặng, nhưng lại bị cướp đi mạng sống khi chưa cảm nhận được tình yêu, hạnh phúc trên cõi đời…”, ông Phụng nghẹn ngào nói.

Kể từ đó, ông bắt đầu rong ruổi khắp mọi nẻo đường, ngóc ngách để tìm và đưa các sinh linh xấu số về chôn cất. Bên cạnh đó, ông để lại số điện thoại ở các trung tâm, bệnh viện có thể đón các sinh linh xấu số về nơi an nghỉ.

Với ánh mắt buồn rầu, ông Phụng cho hay, những năm trước đây mỗi ngày ông khâm liệm cho khoảng 2-3 sinh linh. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, con số đó tăng lên gấp đôi, có những ngày lên đến 30 cháu khiến ông không khỏi xót xa. Chỉ riêng năm 2017, ông đã chôn cất cho hơn 1.500 sinh linh xấu số...

Đang dở câu chuyện của mình, chiếc điện thoại của ông rung lên, ở đầu dây bên kia một giọng nói lạnh lùng cho biết, có sinh linh cần ông đưa về chôn cất. Thế là ông chào vội chúng tôi rồi rảo bước thật nhanh qua những nấm mồ…Bóng dáng của người đàn ông xa dần, xa dần, khuất vào sau bóng chiều tà.

Những nấm mồ mang tên “Vô Danh”

Cũng như ông Phụng, cụ Tâm hàng ngày vẫn gắn bó với nghĩa trang Đồng Nhi. Mặc dù ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng khi nghe tin ở đâu có thai nhi bị vứt bỏ cụ lại tất tưởi đến để đưa những đứa bé về yên nghỉ.

Với gương mặt in hằn nếp nhăn, đôi mắt cụ Tâm như trùng xuống, nặng trĩu… Cụ cho hay, bao nhiêu năm ở đây cụ chưa từng thấy một người mẹ, người cha nào đến thắp cho những sinh linh nơi đây một nén nhang. Những sinh linh bị bỏ rơi chưa được thấy ánh mặt trời, chưa được hít bầu không khí đã phải về với thế giới bên kia…

Cụ Tâm mặc dù ở tuổi gần đất xa trời nhưng vẫn tận tụy với công việc chôn cất các sinh linh. Ảnh: Trang Anh

Đưa đôi tay nhăn nheo lau những giọt nước mắt lăn dài trên gò má, cụ Tâm cho hay, mặc dù nới đây có hàng vạn sinh linh nhưng rất ít đứa bé được gọi tên.

Cụ nhớ, vào ngày Trung Thu năm 2004, khi cha Đông đi quanh nghĩa trang để thăm các cháu thì phát hiện có một túi ni lông bị bỏ lại. Mở ra xem cha vô cùng xót xa khi thấy một bé trai với gương mặt sáng sủa đã tắt thở từ khi nào. Cha vội vã đưa thai nhi đi chôn, khi đặt cháu xuống nền đất, tay cháu vẫn giữ chặt tay cha không rời. Khi đó, tim cha như ngẹn lại, nhói lên từng hồi…Cha thoáng nghĩ rồi đặt tên cháu là Nguyễn Trung Thu để ghi nhớ cái ngày cháu về với thế giới bên kia.

Ngoài tên Trung Thu, còn có một số cháu được đặt tên là Giáng Sinh, Noel… đây đều là những ngày lễ mà những người trong gia đình được quây quần, hạnh phúc bên nhau. Nhưng số phận trớ trêu đã cướp đi mạng sống của các cháu trong ngày này, khiến ngày đoàn tụ của mọi người trở thành ngày các cháu mãi về với đất mẹ, lạnh lẽo, cô quạnh, thiếu tình thương gia đình…

Đang chìm trong câu chuyện của cụ Tâm, chúng tôi đưa mắt ra phía xa thì bắt gặp hình ảnh của ông Phụng với gương mặt nhễ nhại mồ hôi. Đôi tay ông run rẩy với 3-4 túi ni lông đen, bên trong là những bào thai chưa được đón nhận ánh nắng mặt trời.

Ông Phụng đưa các em về với đất mẹ với nỗi lòng nặng trĩu, từng lớp đất che phủ lên thân thể các em là từng giọt nước mắt của ông lăn dài.

Không chỉ tìm kiếm, chôn cất các thai nhi, khi ông Phụng biết những người mẹ có ý nghĩ phá thai thì ông hết lời thuyết phục để giữ lại đứa trẻ. Khi những người mẹ đồng ý, ông đưa những người phụ nữ ấy về nuôi và chăm sóc đến khi mẹ tròn con vuông.

“Điều mà tôi cảm thấy vui nhất và hạnh phúc nhất là trong mười mấy năm qua, tôi đã cứu sống hơn 20 cháu từ trong bụng mẹ. Sau khi cháu bé được sinh ra, nếu người mẹ không nhận nuôi, tôi sẽ đưa các cháu gửi ở chùa hoặc giao cho những gia đình muốn nhận con nuôi. Được nhìn thấy những nụ cười, những ánh mắt rạng ngời của các cháu khiến tôi có cảm giác yên bình lạ…”, ông Phụng hạnh phúc nói.

Dòng chữ “Xin đừng vứt bỏ, vùi lấp chúng con. Hãy cho chúng con có nơi yên nghỉ. Xin đặt các con nơi đây để cô chú biết, giúp đỡ chúng con” ám ảnh chúng tôi mãi tận về sau…

Sau hơn 20 năm nghĩa trang Đồng Nhi trở thành nơi yên nghỉ của các thai nhi, tính đến nay đã có hơn 22.000 sinh linh yên nghỉ. Những nấm mồ chỉ vỏn vẹn dòng chữ “Vô Danh” lạnh ngắt nằm xen kẽ với nhiều ngôi mộ khác…

Chia tay ông Phụng, cụ Tâm khi mặt trời đã khuất sau bóng núi, chúng tôi ra về với một nỗi buồn man mác, nặng trĩu. Đan xen vào đó là sự lo lắng, bởi không biết sau này sẽ còn bao nhiêu sinh linh bị ruồng bỏ phải về nơi đây. Dòng chữ “Xin đừng vứt bỏ, vùi lấp chúng con. Hãy cho chúng con có nơi yên nghỉ. Xin đặt các con nơi đây để cô chú biết, giúp đỡ chúng con” ám ảnh chúng tôi mãi tận về sau…

Trang Anh
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: