Cứ nhắc đến nhóm của Hiệu, các chủ bãi vàng lại run như cầy sấy. Tuy nhiên, đại ca vang danh một thời cũng có ngày trở về không nguyên vẹn.
Cứ nhắc đến nhóm của Hiệu, các chủ bãi vàng lại run như cầy sấy. Tuy nhiên, đại ca vang danh một thời cũng có ngày trở về không nguyên vẹn.
Bỏ nhà đi biệt tích từ năm 17 tuổi, không một lần nhắn tin về, gia đình Trần Văn Hiệu tưởng hắn đã chết. Một ngày, cả làng bàng hoàng khi thấy Hiệu trở về với bộ dạng đáng thương, tay cụt, mắt hỏng. Nghèo khó, túng quẫn, Hiệu vẫy vùng tìm cách tháo gỡ. Sau nhiều năm lao vào làm ăn, đến nay Trần Văn Hiệu đã thành tỷ phú từ nghề buôn bán, vận chuyển vật liệu xây dựng và vận tải hành khách.
|
Trùm giang hồ ngày nào đang trò chuyện với PV
|
Học võ để làm đại ca nhí
Trần Văn Hiệu (SN 1962, huyện Thanh Miện, Hải Dương) ngày nay nổi danh khắp mấy tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… với cái tên Trần Cò gắn trên nhiều xe ô tô chở khách. Vậy nhưng mấy người biết được, Hiệu vốn là một tay giang hồ khét tiếng.
Từ thuở nhỏ hắn đã lì lợm và đặc biệt mê võ. Hiệu thích xem phim kiếm hiệp, ngứa ngáy chân tay, đánh đấm suốt ngày. Một ngày kia, máu “yêng hùng” nổi lên, Hiệu ăn trộm tiền của bố mẹ đi tìm thầy học võ. Hắn tìm đến lò võ của một ông thầy ở Bắc Ninh bái sư. Ba năm trời ròng rã tuyệt nhiên hắn chẳng có tin tức về nhà. Chẳng biết, thu lượm được bao nhiêu “thành công lực”, năm 17 tuổi Hiệu ung dung về quê hương.
Có chút ít “bản lĩnh” võ nghệ, Hiệu ngày càng ngang ngạnh. Suốt ngày, hắn lang thang, tụ tập đám thanh niên đánh đấm, bày trò nghịch ngợm. Từ lúc đó, hắn đã tự coi mình là “hảo hán làng”, nhìn đám thanh niên choai choai cùng tuổi bằng “nửa con mắt”. Nhà nghèo, bố mẹ thấy con trai lớn không làm gì cứ nhong nhóng đi ra, đi vào, giắt lưng cồm cộm côn gậy, tính khí thì như đổ lửa càng thêm “nóng” mắt. Những lần bị mắng cứ nhiều hơn nhưng Hiệu chẳng “bắt lời”. Lúc này, đã quá chán với sự tù túng, hắn bỏ nhà đi. Bố mẹ Hiệu cũng chỉ nghĩ hắn đi đua đòi linh tinh nhưng sự đời lại đưa đẩy hắn bước chân vào tận mỏ đá đỏ Quỳ Châu - Nghệ An.
Những năm 80 của thế kỷ trước, người dân tứ xứ đổ về Quỳ Châu tìm cơ may đổi vận từ đá đỏ. Trần Văn Hiệu cũng theo dòng người tìm đến “đầu quân” cho một “đại ca” nơi rừng xanh núi đỏ. Hiệu kể lại: “Khi ấy tôi mới hiểu thế nào là rừng thiêng, nước độc. Nhiều người gục ngã, bỏ xác nơi rừng sâu, không phải bị cướp thì cũng bị ngã nước. Thời kỳ đó, tôi đang sung sức nên may mắn vượt qua tất cả. Tôi cũng đã tạo ra nhiều “chiến công” cho “đại ca” và vô tình cũng tích luỹ “số má” cho bản thân mình”.
Tận mắt chứng kiến sự rẻ rúng của những viên đá, mà có thời người ta bảo quý hơn vàng và có người phải đổi cả tính mạng, Hiệu cũng thấy ngán sự đời. Tuy nhiên, họa may lắm mới có ai đó đào được viên đá quý và giá bán cũng chỉ được vài triệu đồng. Còn những chuyện đá đỏ bán được cả trăm triệu đồng chỉ là tin đồn nơi núi thẳm. Ngao ngán với đá đỏ, Hiệu bỏ nơi đầu tiên mình dấn thân giang hồ để đi tìm vùng đất mới để thỏa chí vẫy vùng.
Những cuộc chiến giành lãnh địa
Trần Văn Hiệu không nhớ nổi mình đã tham gia bao nhiêu cuộc chiến tranh giành lãnh địa, tranh giành mỏ tốt. Cuộc chiến ở những nơi này, chân lý, lẽ phải dành cho kẻ mạnh. Thắng làm vua, thua làm giặc, tất cả sự phân chia đều do kẻ mạnh hơn định đoạt. Con người ở đây giẫm đạp lên nhau mà sống. Muốn tranh được đoạn mỏ tốt thì phải chiến đấu và muốn giữ được mỏ để khai thác cũng cần đến lực lượng đủ mạnh để giao tranh.
Anh Hiệu kể lại: “Ngày ấy nhóm “thất hùng” (7 anh em giang hồ) chúng tôi làm mưa làm gió nhiều bãi vàng, mỏ thiếc. Tiếng tăm của chúng tôi làm nhiều chủ bưởng khác cũng phải khiếp sợ. Sự liều lĩnh, bất chấp sống chết khiến băng nhóm như những con mãnh hổ tung hoành giữa rừng mà chẳng biết sợ ai. Chúng tôi tự đặt ra “luật rừng” nơi mình “đóng trại”. Ngẫm lại bây giờ tôi cũng thấy ớn”.
Một ngày tháng 2/1995, tiết trời vẫn còn se lạnh. Rừng sâu Thái Nguyên, nơi có bãi thiếc vẫn còn yên lắng. Sương chiều vắt trên ngọn cây, che đi ánh nắng đầu mùa yếu ớt. Sau một ngày làm việc nơi bãi thiếc, chủ chòm Hiệu xuống suối tắm như thường ngày. Một không gian yên tĩnh đến lạ thường. Bỗng… ầm! Tiếng lựu đạn vang lên, Hiệu bị thương nặng. Tai nạn đổ xuống, lúc ấy đám đàn em và thợ đãi thiếc nói là sập hầm. Tuy nhiên, nói chuyện với tôi, anh Hiệu kể thật nội tình: “Ngày ấy nhóm tôi mạnh nên nhiều bọn đố kỵ lắm. Rồi từ những mâu thuẫn do tranh chấp lãnh địa, tranh chấp mỏ, một nhóm khác đã thuê bọn nghiện dùng lựu đạn tấn công khi tôi đi tắm dưới suối. Tôi thành ra như hôm nay là từ vụ tai nạn đó”.
Tai nạn đã chấm dứt những ngày tháng vẫy vùng của Trần Văn Hiệu. Anh được vợ chồng người bạn đưa về quê nơi có mỏ than Núi Hồng ở Đại Từ - Thái Nguyên cưu mang. Trần Văn Hiệu ẩn mình thật sâu. Anh quên tất cả, quên ngay chính bản thân mình. Còn ở quê nhà, sau nhiều năm không có tin tức gì của con trai, gia đình tưởng Hiệu đã chết mất xác nơi thâm sơn cùng cốc. Vậy là, hàng năm cứ nhớ ngày Trần Văn Hiệu ra đi, bố mẹ lại thắp hương, sửa soạn mâm cơm làm giỗ cho anh. Có đến 5 năm làm giỗ con, bao lần người mẹ thương con khóc khô nước mắt, bao lần người bố tự trách mình đã nặng lời với con…
Tự tung tự tác ở 15 bãi vàng
Trong bộ áo nâu sòng, dáng ngồi thoải mái, giọng nói nhỏ nhẹ khiến tôi không thể hình dung mình đang ngồi đối diện với một tay giang hồ “có hạng” của nhiều bãi vàng những năm trước đây. Một tay đã cụt gần đến vai như để trả lại những ngày tháng làm trùm. Nắm chặt bàn tay còn ba ngón như nhớ đến thời “oanh liệt nơi rừng thẳm”, anh Hiệu kể: “Rời mỏ đá đỏ Quỳ Châu, tôi tìm đến vùng Lục Yên (Yên Bái) tìm đá quý, rồi lại tìm vàng nơi núi rừng Hoàng Liên Sơn, bãi vàng Ma-nu, Khâu U (Cao Bằng), sau đó đến mỏ thiếc… Đôi chân tôi và các anh em trong nhóm đã đi không biết bao nhiêu rừng núi. Đâu có bưởng vàng, lò thiếc, mỏ đá quý là tôi tìm đến”. Được biết, với 10 năm ngang dọc, Hiệu đã đi khoảng 15 điểm bãi khác nhau.
|
Theo Người Đưa Tin