Sự kiện hot
7 năm trước

Người khắc ‘của quý’ lớn nhất Việt Nam: 'Tôi khắc âm thầm, không tiết lộ với ai'

Năm nay, Tàng Thinh và Mặt Nguyệt sẽ do các cụ bô lão trong xã Trấn Yên (Bắc Sơn, Lạng Sơn) chỉ đạo làm và có điểm khác biệt là "của quý" lớn nhất Việt Nam sơn giống màu đất.

Lễ hội Ná Nhèm năm 2018 được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm tại xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Lễ hội Ná Nhèm trong tiếng Tày có nghĩa là “mặt nhọ”, được phục dựng từ năm 2012 đến nay đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân và du khách thập phương. Điểm đặc sắc nhất của lễ hội Ná Nhèm là màn rước sinh thực khí nam (Tàng thinh) và sinh thực khí nữ (Mặt nguyệt).

Tàng thinh và Mặt nguyệt đã được đưa ra đình làng Mỏ để chuẩn bị làm lễ rước tại Lễ hội Ná Nhèm 2018 (Ảnh Công Phương).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2012 khi Lễ hội Ná Nhèm được phục dựng đến nay, Tàng thinh và Mặt nguyệt có kích thước và người trạm khắc thay đổi qua mỗi năm. Lễ hội Ná Nhèm năm 2018, Tàng thinh và Mặt nguyệt do các cụ bô lão trong làng trạm khắc.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Viêng (56 tuổi, thôn Làng Mỏ, xã Trấn Yên) cho biết, ông được các cụ bô lão trong làng lựa chọn và giao trách nhiệm làm Tàng thinh cho Lễ hội Ná Nhèm 2018.

Ông Viêng cho biết, ông làm "của quý" lớn nhất Việt Nam trong 7 ngày, nếu làm liên tục chỉ 2 ngày là xong (Ảnh Công Phương).

Để chuẩn bị cho lễ hội, vào khoảng tháng 9 Âm lịch năm 2017, ông đã phải đi lấy gỗ về để dành đến gần lễ hội làm Tàng thinh.

“Tàng thinh không có mẫu cố định, tôi chỉ làm theo những mẫu ngày xưa đã làm. Các cụ bảo làm như ngày xưa, không làm phô trương quá, chỉ là tượng trưng thôi”, ông Viêng cho hay.

Theo ông Viêng, khi làm Tàng thinh, ông phải giấu mọi người, cứ âm thầm làm chứ không tiết lộ cho ai.

“Tôi làm không bị áp lực gì, không bị ai nói là phải giống thế này, giống thế kia mà đây làm giống ngày xưa. Tôi làm tranh thủ khoảng 7 ngày thì xong Tàng thinh”, ông Viêng thông tin.

Tàng thinh năm nay có đường kính khoảng 22cm, chiều dài 1m30, trọng lượng trên 50kg. Điểm đặc biệt của Tàng thinh năm nay là sơn màu gụ giống màu đất (Ảnh Công Phương).

Ông Viêng cho biết thêm, Tàng thinh năm nay được làm bằng gỗ dổi, có đường kính khoảng 22cm, chiều dài 1m30, trọng lượng trên 50kg. Điểm đặc biệt của Tàng thinh năm nay là sơn màu gụ giống màu đất.

Trước đó, từ năm 2012 – 2015, Tàng thinh to bằng cái phích, Mặt nguyệt to bằng cái mâm. Năm 2016, Tàng thinh giống bộ phận sinh dục của nam, to bất thường (80kg) so với các năm trước, chiều dài khoảng 1m. Năm 2017, Tàng thinh được làm bằng gỗ nghiến, nặng khoảng 60kg, dài 1m, Mặt nguyệt hầu như không thay đổi.

Tàng thinh năm 2017 được đặt một thợ mộc ở huyện Bắc Sơn và làm theo mẫu mà ban tổ chức gửi. Thợ mộc này đã làm mất nửa tháng mới hoàn thành.

Ngay từ sớm, những nam thanh niên đã đến đình làng Mỏ để chuẩn bị cho buổi lễ. Trong ảnh, các nam thanh niên đang bôi mặt nhọ cho nhau (Ảnh Công Phương).

Kết thúc lễ hội, Tàng thinh, Mặt nguyệt sẽ được “hóa” để đức Vua nhận. Vì vậy, mỗi năm hình dáng của Tàng thinh, Mặt nguyệt đều thay đổi. Đó cũng là điểm độc đáo của lễ hội này.

Theo Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng, Viện văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh người tham gia phục dựng Lễ hội Ná Nhèm cho biết, đây không phải lễ hội dân gian thông thường mà lễ hội đặc biệt của hai dòng họ vốn gốc họ Mạc. Bắt nguồn từ lịch sử, khi triều Mạc thất thủ, dòng họ Mạc phải thay tên đổi họ để tránh họa tru di, truy sát của vua Lê và chúaTrịnh.

Họ Hoàng và họ Bế (gốc họ Mạc) rước sinh thực khí nam nữ đi cung tiến cho đức Vua của mình. Con cháu gốc họ Mạc mượn tín ngưỡng phồn thực để biểu đạt mong ước đức Vua phù trợ cho dòng họ lớn mạnh.

Công Phương
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: