Sự kiện hot
13 năm trước

Nhà đầu tư quốc tế “đang bán tháo nhiều tài sản”

Matt Smith, chuyên gia phân tích của hãng năng lượng Summit, nhận xét, những lo sợ “về khả năng vỡ nợ công ở Italy đang bao trùm thị trường” và dẫn tới tình trạng “nhà đầu tư bán tháo nhiều loại tài sản có trong tay”.

Matt Smith, chuyên gia phân tích của hãng năng lượng Summit, nhận xét, những lo sợ “về khả năng vỡ nợ công ở Italy đang bao trùm thị trường” và dẫn tới tình trạng “nhà đầu tư bán tháo nhiều loại tài sản có trong tay”.


Trong bối cảnh nợ nần ở châu Âu trở xấu, giá vàng cũng khó thoát khỏi quỹ đạo bị nhà đầu tư bán tháo.

Phiên giao dịch đêm qua, các thị trường vàng, dầu, chứng khoán quốc tế đều đồng loạt tuột dốc mạnh, xuất phát từ “hiệu ứng” lợi suất trái phiếu chính phủ của Italy vượt 7%, báo hiệu tình hình nợ công ở châu Âu đang trở nên xấu tệ.

Trên thị trường Phố Wall, chốt ngày, Dow Jones giảm tới 389,24 điểm, tương ứng 3,2%, xuống 11.780,94 điểm. S&P 500 hạ 46,82 điểm, tương ứng 3,67%, xuống 1.229,10 điểm. Nasdaq trượt 105,84 điểm, tương ứng 3,88%, xuống 2.621,65 điểm.

Tương tự, các sàn chứng khoán châu Âu cũng giảm mạnh. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1,92% xuống 5.460,38 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp hạ 2,17% xuống mức 3.075,16 điểm. Chỉ số DAX của Đức bốc hơi 2,21% xuống còn 5.829,54 điểm.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 12/2011 giảm 1,10 USD, tương ứng 1,1%, xuống còn 95,74 USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York. Giá xăng giao tháng 12 giảm 6 xu, tương ứng 2,3%, xuống 2,64 USD/gallon.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này loại giao tháng 12 trên sàn COMEX tại New York mất 7,6 USD/ounce, tương ứng 0,4%, xuống 1.791,60 USD/ounce. Phạm vi giao dịch của giá vàng trong phiên là từ 1.778,80 cho tới 1.801,10 USD/ounce.

Nguyên nhân chính tác động lên các thị trường hàng hóa quốc tế đêm qua là việc lợi suất trái phiếu chính phủ của Italy chốt ở 7,05% sau khi đã nhảy vọt lên 7,502% vào đầu phiên, cách rất xa mức mà Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha phải ngửa tay xin tiền.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Italy đồng loạt tăng lên mức cao kỷ lục mới tính từ khi đồng Euro ra đời vào năm 1999. Lợi suất cao đồng nghĩa với việc nhà đầu tư yêu cầu một mức sinh lời lớn hơn do tài sản ẩn chứa nhiều rủi ro.

Giới đầu tư nợ Italy đổ xô bán tháo loại trái phiếu này khiến nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu gần như bị đẩy văng ra khỏi các thị trường tín dụng, đồng thời báo hiệu cuộc khủng hoảng nợ tại lục địa già đang mỗi lúc một xấu tệ xấu hại.

Bên cạnh đó, một nguồn tin từ Liên minh châu Âu (EU) cho biết, các nhà chức trách của Pháp và Đức đang tiến hành thảo luận về một kế hoạch triệt để, bao gồm việc cải tổ, thành lập một Khu vực đồng Euro (Eurozone) có quy mô nhỏ hơn.

Một quan chức cao cấp của EU tại Brussels nói với hãng tin Reuters rằng, Pháp và Đức đã thảo luận căng thẳng về vấn đề này trong nhiều tháng qua, ở tất cả các mức độ. Quan chức này yêu cầu giấu tên do tính nhạy cảm của cuộc thảo luận.

"Cần phải hành động rất cẩn trọng, bởi sự thật là chúng tôi cần thành lập danh sách cụ thể những ai không muốn là một phần của câu lạc bộ và những ai chỉ đơn giản là khong thể tham gia," quan chức này nói.

Yếu tố phản ánh rõ nét nhất về mức độ lo lắng của nhà đầu tư trên các thị trường hàng hóa quốc tế đêm qua, là chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn của Phố Wall nhảy vọt tới 31,6%, mức tăng mạnh nhất kể từ trung tuần tháng 8 tới nay.

Nỗi lo sợ của nhà đầu tư về tình hình nợ nần ở châu Âu đã đẩy giá đồng Euro sụt mạnh, nâng giá trị đồng bạc xanh lên cao, từ đó một lần nữa nhấn chìm giá các loại hàng hóa được tính bằng USD như vàng, bạc, dầu…

Trong một diễn biến khác, hãng tin CNBC dẫn nhận định của tổ chức Exclusive Analysis (EA) cho thấy, có tới 65% khả năng xảy ra khủng hoảng ngân hàng từ 23 - 26/11, do Hy Lạp vỡ nợ và nhà đầu tư ào ạt rút vốn khỏi các nhà băng Italy.

EA cho rằng, ngày càng có ít khả năng các nhà lãnh đạo EU sẽ dễ dàng vượt qua cuộc khủng hoảng nợ nần. Từ đó, EA đã đưa ra một giai đoạn cụ thể về khả năng Khu vực đồng Euro rơi vào khủng hoảng tài chính ngân hàng.

Theo EA, kịch bản tệ nhất là một cuộc khủng hoảng bất ngờ diễn ra, khi Mỹ, Anh và khối BRICS từ chối cứu châu Âu thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Chính phủ Hy Lạp và Bồ Đào Nha sẽ sụp đổ do không đồng thuận trong giải quyết nợ.

Còn trong kịch bản sáng sủa hơn, EA dự báo có 25% khả năng EU sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng. Các nhà lãnh đạo mới ở Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha sẽ có nhiều thời gian hơn để tìm được giải pháp mới cho cuộc khủng hoảng.

Dù vậy, Bồ Đào Nha vẫn không thể đáp ứng được các mục tiêu cắt giảm ngân sách như đã thỏa thuận. Như vậy, gói giải cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và châu Âu dành cho nước này vẫn bất ổn, Pháp vẫn bị hạ bậc tín nhiệm do khả năng vỡ nợ của Hy Lạp.

Nói một cách khác, dù với kịch bản nào, tệ hại hay sáng sủa, thì theo EA, cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu vẫn sẽ diễn biến xấu và khó tránh khỏi tình trạng sụp đổ ở một hay nhiều nền kinh tế thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Cũng liên quan tới tình hình châu Âu, hôm qua, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde đã cảnh báo thế giới đang đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng "bấp bênh và bất ổn định về tài chính", đồng thời hối thúc các nền kinh tế châu Á tự bảo vệ.

Phát biểu tại Bắc Kinh, bà Lagarde cho biết, châu Á khó tránh những nguy hiểm hiện đang diễn biến ở Eurozone. "Nếu chúng ta không cùng hành động, nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào vòng xoáy của sự bấp bênh và bất ổn định về tài chính", bà nói

Những phát biểu trên được đưa ra trong chuyến thăm hai ngày tới Trung Quốc của người đứng đầu IMF và rất có thể mục đích chuyến thăm này sẽ tập trung bàn về cuộc khủng hoảng nợ đang ngày càng nghiêm trọng ở châu Âu. 

Diệp Anh
Theo VnEconomy

Từ khóa: