Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa liên tục phát hiện nhiều người Trung Quốc làm việc "chui" trên địa bàn trong 3 tháng đầu năm 2018...
Khách Trung Quốc tăng đột biến tại Khánh Hòa. Ảnh: Khải An
Hoạt động chui?
Trước tình trạng, du khách Trung Quốc đến Nha Trang – Khánh Hòa tăng đột biến kéo theo hàng loạt các cửa hàng, quán ăn, doanh nghiệp… liên tục hình thành để phục vụ riêng cho người Trung Quốc, Để vận hành các điểm trên và phục vụ cho trên 100.000 du khách Trung Quốc/tháng, nhiều đơn vị đã thuê người người Việt Nam đứng tên kinh doanh và thuê người Trung Quốc làm việc ''chui".
Cụ thể, trên đường Nguyễn Tất Thành, khu vực xã Phước Đồng – TP Nha Trang, đã có 10 điểm kinh doanh chuyên phục vụ du khách Trung Quốc mua sắm. Các điểm kinh doanh này khá thô sơ nhưng luôn kín cổng cao tường và được bảo vệ nghiêm ngặt. Họ chỉ tiếp khách Trung Quốc hoặc khách đoàn có đăng ký trước.
Ông Đặng Lợi - Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, cho biết, tại địa phương có 10 cửa hàng chuyên bán hàng cho người Trung Quốc và có khá nhiều người Trung Quốc xuất hiện trên địa bàn. “Chúng tôi đã nhắc nhở và tiến hành đình chỉ 3 điểm kinh doanh không có giấy phép xây dựng, 7 cửa hàng đang hoạt động bình thường”, ông Lợi thông tin.
Theo ông Lợi, qua kiểm tra, hàng hóa đa số xuất xứ ở Trung Quốc nhập về TP HCM rồi các cửa hàng này mua lại để kinh doanh. Nhiều vấn đề về quản lý hàng hóa, thu thuế vượt ngoài khả năng của địa phương. “Hiện địa phương chỉ chỉ theo dõi nếu phát hiện bất thường thì báo cáo cơ quan chức năng để xử lý”- ông Lợi cho biết.
Một cơ sở bán hàng cho người Trung Quốc khá kín nằm trên đường Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Khải An
Báo cáo của Sở LĐTB-XH tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm 2018 đến ngày 22/3, Sở đã phối hợp với Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh – Công an tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan liên quan tiến hành đột xuất 4 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh qua đó phát hiện 185 người Trung Quốc làm việc tại đây.
Đây là những doanh nghiệp buôn bán mặt hàng mỹ nghệ, đá quý, tơ lụa, nệm cao su… cho khách hàng là các tour du lịch nhưng không có giấy phép lao động theo quy định. Các trường hợp này Sở LĐTB-XH đã lập biên bản, củng cố hồ sơ và gửi văn bản đến Công an tỉnh Khánh Hòa để trục xuất theo quy định.
Trước đó, trong năm 2017, Sở này cùng với các đơn vị liên quan cũng thanh tra đột xuất 2 doanh nghiệp có sử dụng lao động người Trung Quốc nhưng không có giấy phép lao động. Đoàn đã lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính 180 triệu đồng đối với các doanh nghiệp, đình chỉ hoạt động 3 tháng và đề nghị Công an tỉnh trục xuất 7 người quốc tịch TQ.
Khó xử lý triệt để
Theo Sở LĐTB-XH tính đến ngày 23/3, toàn tỉnh có 926 người lao động nước ngoài có giấy phép lao động, đang làm việc tại các doanh nghiệp. Trong đó, 250 người Nga, 193 người Hàn Quốc, 84 người Ukraine, 56 người Trung Quốc, 33 người Thổ Nhĩ Kỳ, 22 người Philipines, 342 người của các quốc gia khác.
Từ con số trên có thể thấy sự bất hợp lý trong việc đăng ký lao động bởi du khách Trung Quốc đến Khánh Hòa hiện chiếm hơn 62% nhưng chỉ có 56 người đăng ký.
Ông Nguyễn Văn Danh, Giám đốc Sở LĐTB-XH, cho rằng hiện có rất nhiều người nước ngoài có hộ chiếu du lịch ký hiệu LD, thăm thân (TT)… đang tạm trú tại địa phương và nghi vấn làm việc “chui” cho đại lý du lịch, phát tờ rơi, điều hành xe tour, biểu diễn nghệ thuật, bán hàng, phục vụ tại nhà hàng, khách sạn... "Để xử lý các trường hợp trên, một mình sở LĐTB-XH không thể làm được mà phải là cơ quan công an, chính quyền địa phương", ông Danh nói.
Khách Trung Quốc đi chợ truyền thống tại Nha Trang. Ảnh: Khải An
“Theo quy định, Sở muốn kiếm tra phải có kế hoạch và báo trước cho doanh nghiệp trước 3 ngày. Khi đến kiếm tra thì đúng hết, đầy đủ hết. Nếu có lao động “chui” thì họ cũng trốn hết chứ còn đâu nữa”, ông Danh cho biết thêm.
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa, trên địa bàn TP Nha Trang hiện có khoảng 46 cơ sở kinh doanh, phục vụ khách du lịch, nhất là khách Trung Quốc. Trong đó, 21 cơ sở kinh doanh các sản phẩm từ gỗ (vòng đeo tay, đeo cổ, nhang trầm), đồ thủ công mỹ nghệ; 5 cơ sở kinh doanh trang sức bằng kim loại, ngọc trai; 8 cơ sở kinh doanh gối, nệm cao su; 4 cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thực phẩm bao gói; 11 cơ sở dịch vụ ăn uống, quần áo, vải, tắm bùn.
Từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã thực hiện kiểm tra gần 200 lượt cơ sở và phát hiện 68 lượt trường hợp vi phạm về không có giấy phép kinh doanh; kinh doanh hàng nhập lậu; niêm yết giá bằng ngoại tệ; ghi nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất sứ; không niêm yết giá.
Trong đó có trường hợp sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam trong quảng cáo mà không thể hiện đầy đủ chủ quyền quốc gia. Chi cục này đã xử phạt hơn 850 triệu đồng và tịch thu hơn 5.000 đơn vị sản phẩm, chuyển 1 hồ sơ cho Thanh tra Ngân hàng Nhà nước tỉnh xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu hơn 8.700 nhân dân tệ.
Khải An
Theo ĐSPL, Vietnammoi