Việt Nam cần nhận diện lại đối thủ cạnh tranh, thị trường lúa gạo mới nổi. Đồng thời, tìm hướng đi mới bằng cách gia nhập vào thị trường gạo cao cấp.
Việt Nam cần nhận diện lại đối thủ cạnh tranh, thị trường lúa gạo mới nổi. Đồng thời, tìm hướng đi mới bằng cách gia nhập vào thị trường gạo cao cấp.
Châu Phi vẫn là những thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam. Theo số liệu của VFA (Hiệp hội lúa gạo Việt Nam), 10 tháng năm 2011, Việt Nam đã xuất khẩu qua châu lục này 1,57 triệu tấn gạo.
Dè chừng các thị trường mới nổi
Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA, Việt Nam đang được lợi từ dự báo xuất khẩu gạo Thái Lan giảm, nhưng lại phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Pakistan. Do đó, đối với thị trường châu Phi, Việt Nam cần tăng cường xuất khẩu gạo cấp cao để hạn chế sự cạnh tranh từ hai thị trường trên.
Thị trường gạo cao cấp là hướng đi vững của Việt Nam thời gian tới. Ảnh: T.Dân.
Theo tổ chức Rice Trader, 2 tháng cuối năm nay, việc xuất khẩu sang châu Phi sẽ trở nên khó khăn hơn khi Ấn Độ quay trở lại xuất khẩu gạo. Thông tin mới nhất mà tổ chức này cho biết, tháng 10/2011, Ấn Độ đã xuất 650.000 tấn gạo qua châu Phi, so với chỉ có 200.000 tấn của tháng 9, là thời điểm nước này xuất khẩu gạo trở lại. Ông V. Subramanian, Phó giám đốc tổ chức Rice Trader, dẫn chứng: Năm 2007, Ấn Độ đã từng xuất 2,4 triệu tấn gạo sang thị trường châu Phi và Ấn Độ sẽ là một thách thức trong xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian tới. Ông V Subramanian hiến kế, Việt Nam nên cạnh tranh bằng chính sách giá với Ấn Độ, mức giá gạo của Việt Nam nên ở giữa Thái Lan và Ấn Độ.
Mặc dù sự trở lại của Ấn Độ sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi, nhưng theo ông Phạm Quang Diệu, Công ty Phân tích và dự báo thị trường (Agro Monitor), Trung Quốc có thể được xem là thị trường mới nổi của Việt Nam. Tại hội thảo “Định vị thương hiệu lúa gạo Việt Nam - Gạo Việt Nam ai bán, ai mua?”, tại Sóc Trăng, hôm 9/11, ông Diệu cho rằng, trước đây thị trường Trung Quốc được nhìn nhận là không quan trọng đối với nhà xuất khẩu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, trong 5 tháng của năm 2011, theo số liệu của hải quan, Trung Quốc đã nhập khẩu 200.000 tấn gạo của Việt Nam. Điều này cho thấy đây có thể là thị trường quan trọng trong tương lai khi mà nhu cầu tiếp tục tăng. Do đó, cần có kênh giám sát và đưa ra tâm lý chiến lược cho doanh nghiệp và hình thành các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, còn doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có chiến lược thâm nhập thị trường này một cách bài bản hơn.
Cơ hội của gạo thơm Việt Nam
Gạo Việt Nam đang dần được nâng cấp chất lượng từ cấp thấp để lên gạo cấp cao sánh ngang với gạo Thái Lan. Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam, gạo thơm đang tìm được sự yêu thích từ người tiêu dùng Hong Kong. Trước đây thị trường gạo thơm cao cấp (gạo Jasmine) này là lãnh địa của Thái Lan. 80% lượng gạo nhập khẩu của Hong Kong là của Thái Lan, trong số này gạo thơm cao cấp cũng chiếm đến 80%. Tuy nhiên, đến năm 2010 đã có sự thay đổi mạnh, Thái Lan chỉ còn chiếm 67% sản lượng gạo nhập khẩu của HongKong, ngược lại, Việt Nam từ 3% tăng lên 18%. Và theo VFA, 9 tháng đầu đầu năm 2011, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Hong Kong đạt 110.000 tấn, trong đó có 72.000 tấn gạo thơm.
Ông Phạm Quang Diệu cho biết thêm, hiện đang có sự dịch chuyển trong xuất khẩu gạo của Việt Nam theo hướng xuất khẩu gạo cấp cao nhiều hơn. Trong đó, tỷ trọng gạo thơm xuất khẩu tăng đều những năm qua. Còn theo ông Lam Sai Ho, Phó chủ tịch tập đoàn Golden Resources Development International Ltd (HongKong), sự thay đổi trên là do tác động kép: gạo Thái Lan đắt hơn, còn gạo thơm của Việt Nam đã được cải thiện chất lượng rất nhiều. Gạo Jamine của Việt Nam được người tiêu dùng Hong Kong đánh giá cao hơn gạo Hương Nhài của Thái Lan về độ thơm, giá rẻ…
Ngoài ra, chính sách bảo hộ giá gạo nội địa, lũ lụt, có thể Thái Lan sẽ mất đi 7 triệu tấn gạo trong năm 2012. Đây là cơ hội tốt cho gạo thơm Việt Nam đặt chân vào thị trường gạo cao cấp. “Cái gì bán chạy ở Hong Kong sẽ bán chạy ở Trung Quốc. Nếu gạo thơm Việt Nam đặt chân vào thị trường Hong Kong và chinh phục người tiêu dùng thì sẽ bước được vào thị trường Trung Quốc và mở cánh cửa ra thế giới”, ông Lam Sai Ho nói. Tuy nhiên, ông này cũng khuyến cáo, Việt Nam cần có được một loại gạo thơm cao cấp đồng nhất ổn định về chất lượng và tuyệt đối không được pha trộn. Bên cạnh là việc xây dựng thương hiệu thành công hỗ trợ trong phân khúc thị trường. Xem gạo thơm như là một sản phẩm của người tiêu dùng thay vì hàng hóa phổ thông, và như vậy Việt Nam mới giành được lợi nhuận to lớn từ thị trường này.
Trung Dân
Theo Đất Việt