Theo báo cáo tổng hợp triển khai Thông tư 04 về mức thu viện phí mới tại các tỉnh của Bảo hiểm xã hội VN (BHXH), có tới 14 tỉnh dự kiến áp dụng mức viện phí tới 90-100% mức khung của Liên bộ Y tế - Tài chính.
Theo báo cáo tổng hợp triển khai Thông tư 04 về mức thu viện phí mới tại các tỉnh của Bảo hiểm xã hội VN (BHXH), có tới 14 tỉnh dự kiến áp dụng mức viện phí tới 90-100% mức khung của Liên bộ Y tế - Tài chính.
Các mức phí dự kiến này khiến lãnh đạo BHXH VN và dư luận xã hội đang “sốc”!
Nhiều tỉnh “đính chính”
Phát biểu ý kiến về việc BHXH VN cho rằng Lai Châu xây dựng mức phí của 384 dịch vụ ở mức 98% giá trần mà Bộ Y tế quy định là quá cao, ông Nguyễn Công Huấn – Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Sở đã xây dựng mức giá theo đúng quy định của liên bộ với 3 căn cứ: Các dịch vụ kỹ thuật được sử dụng, định mức tiêu hao vật tư y tế, giá đấu thầu thuốc thấp nhất. Và tất cả các mục đều đạt mức xấp xỉ 100%”. Theo ông Huấn, Sở Y tế Lai Châu đã làm việc với BHXH VN là thống nhất hạ mức phí xuống 80% giá trần. “Đấy là giá cho phù hợp với yêu cầu của BHXH VN, còn 20% chi phí gián tiếp khác như xăng dầu, vệ sinh, điện nước, khấu hao máy móc… thì tỉnh đã họp và đồng ý hỗ trợ thì mới tạm đủ”.
|
Người bệnh không có thẻ BHYT sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi việc tăng viện phí.
|
Ông Huấn cho biết, BHYT đã phủ tới 95% dân số Lai Châu, nếu đồng chi trả viện phí cao quá 150.000 đồng thì Quỹ Hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo sẽ trả nên việc tăng giá một số dịch vụ y tế cũng sẽ không ảnh hưởng đến bệnh nhân. Không những thế, năm nào, Sở Y tế Lai Châu cũng trả lại BHXH VN khoảng 70 tỷ đồng kết dư quỹ BHYT.
Ông Nguyễn Hữu Huyên –Trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ Sở Y tế tỉnh Đăk Lăk (địa phương xây dựng mức phí bằng 100% khung) cho biết: Đó là con số không sát thực vì hiện nay, Đăk Lăk vẫn đang trong quá trình xây dựng chi tiết cho từng loại dịch vụ. Hiện nay mới có 65% dân số Đăk Lăk có thẻ BHYT, nếu tăng viện phí quá cao thì sẽ không phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của địa phương. Ông Huyên ước tính, viện phí sẽ chỉ tăng khoảng 70-80% so với giá trần của liên bộ.
Ông Phạm Hồng Phương – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho hay, tỉnh sẽ chỉ đề xuất mức phí mới khoảng 65-70%. Sau đó, theo lộ trình sẽ tăng dần dần lên 80-90% tùy từng loại dịch vụ cũng như khả năng đáp ứng chất lượng khám chữa bệnh của cơ sở y tế. “Dân Quảng Ngãi còn nghèo và mới 62% có thẻ BHYT, nếu tăng viện phí cao sẽ gây sốc” – ông Phương cho biết.
Phải tăng chất lượng!
Theo ông Lý Ngọc Kính – Phó Chủ tịch Hội Kinh tế y tế Việt Nam, khi liên bộ đã đề ra khung thì các tỉnh có quyền đề xuất cũng như xây dựng mức phí ở trong khung đó. Và việc thông qua phải do HĐND bỏ phiếu, chứ không thể tùy ý được nên khó mà nói “y tế tỉnh đội giá để thu lợi”.
Vì thế, việc BHXH VN cho rằng các tỉnh đề xuất mức phí cao và yêu cầu các tỉnh phải hạ xuống là “nắm đằng chuôi”. Hơn nữa, Bộ đã chỉ ra rằng, việc tăng một số dịch vụ y tế là chỉ tính có 3 yếu tố, còn 4 yếu tố nữa chưa tính nên tỉnh có tính cả 100% mức khung thì đôi khi vẫn phải “giật gấu vá vai”.
“Cần tuyên truyền mạnh mẽ để 37% dân số còn lại mua thẻ BHYT. Tăng viện phí cũng là một động thái thúc đẩy BHYT toàn dân mà Bộ Y tế đang đề ra”.
Ông Lương Ngọc Kính
|
Ông Kính cho rằng: “Đề ra mức khung rộng là sơ hở của liên bộ mà các tỉnh sẽ “tóm” lấy. Nếu như ngay từ đầu, liên bộ “phân hạng” rõ ràng, tỉnh nghèo mức phí bao nhiêu, tỉnh giàu thế nào, bệnh viện hạng 1, hạng 2, thế nào thì mới dễ “áp” vào các tỉnh”.
Ông Trần Công Lãng (Trung Lương, Bình Lục, Hà Nam) cho rằng: Viện phí tăng cần phải đi cùng sự gia tăng chất lượng khám chữa bệnh. Không thể đóng tiền khám tăng gấp 10 lần mà vẫn phải chen chúc, chờ đợi cả ngày , bác sĩ gắt gỏng hay khám xét qua loa... được”.
Theo ông Kính, Thông tư 04 cũng đã quy định số tiền thu được từ việc tăng giá một số phí dịch vụ y tế sẽ trích 15% để sửa chữa nâng cấp cải tạo khu vực khám chữa bệnh; dành tối thiểu 15% nguồn thu từ giường điều trị cho nâng cấp cải tạo mở rộng buồng bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ nên người bệnh sẽ được hưởng lợi.
Diệu Linh
theo Dân Việt