Hơn ba năm mày mò quay trở lại thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp đồ gỗ thừa nhận vẫn chưa tìm ra lời giải cho hệ thống phân phối.
Hơn ba năm mày mò quay trở lại thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp đồ gỗ thừa nhận vẫn chưa tìm ra lời giải cho hệ thống phân phối. Đến lúc này, nhiều doanh nghiệp mới vỡ lẽ ra rằng cần phải san sẻ bớt lợi nhuận cho những nhà phân phối chuyên nghiệp.
Tại cửa hàng của công ty cổ phần tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành trên đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh, TP.HCM, với diện tích mặt bằng khoảng 500m2, một ngày đầu tháng 11, chúng tôi quan sát thấy khách lui tới mua hàng khá thưa thớt.
Mở Cửa hàng không có lợi nhuận
Nhiều sản phẩm được khuyến mãi giảm giá tại hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam 2011. Ảnh: Lê Quang Nhật
Không chỉ Trường Thành, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đồ gỗ đều đang gặp khó khăn trong khâu phân phối sản phẩm. Để mở một cửa hàng kinh doanh đồ gỗ, diện tích tối thiểu phải từ 500m2 trở lên và phải nằm ở vị trí mặt tiền, đông dân cư. Bà Ngô Thị Thu Hồng, phó tổng giám đốc công ty Trường Thành thừa nhận: “Việc mở được năm cửa hàng đã là cố gắng rất lớn của công ty, nhưng chúng tôi xác định sản phẩm bán ở đây chỉ nhằm mục đích đưa hình ảnh thương hiệu gần gũi với người tiêu dùng chứ thật sự là không có lợi nhuận”.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, tổng giám đốc công ty AA, phó chủ tịch hội Thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM cũng cho rằng, vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với số doanh nghiệp quay lại thị trường nội địa là hệ thống phân phối. “Lợi nhuận sẽ không thể trang trải tiền thuê mặt bằng, tiền lương công nhân, điện nước”, ông Khanh nói.
Tại hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam 2011 – Vifa Home (diễn ra từ ngày 12.11.2011 tại TP.HCM), nhiều doanh nghiệp khi được hỏi cũng thừa nhận sau hơn ba năm mày mò quay lại nội địa, đến nay bài toán phân phối vẫn luẩn quẩn không có đường ra.
Theo ông Khanh, khi ký gửi sản phẩm doanh nghiệp phải chiết khấu khoảng 30 – 50% nên họ thường có cảm giác tốn kém nhưng khi tự đứng ra mở một vài cửa hàng thì chi phí đó còn cao hơn mức chiết khấu này...
Nhượng lại khâu phân phối
Tại hội thảo tìm giải pháp hệ thống phân phối đồ gỗ vừa tổ chức mới đây, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng để giải quyết bài toán đầu ra, cách tốt nhất là chỉ nên ôm khâu sản xuất, buông khâu phân phối cho đối tác khác chuyên nghiệp hơn làm. Đặc thù thị trường nội địa là đơn hàng nhỏ lẻ, thói quen tiêu dùng thích thay đổi mẫu mã, vì vậy một doanh nghiệp chỉ nên tập trung phát triển đội ngũ thiết kế, tiếp thị, thăm dò thị trường, tư vấn là đủ. Còn hệ thống phân phối thì doanh nghiệp chỉ nên đặt mục tiêu khai thác quảng bá thương hiệu thông qua việc ký gửi chiết khấu hoa hồng sản phẩm cho một đối tác khác đảm nhận. Ông Nguyễn Quốc Khanh cho biết, hướng đi này sẽ được AA thực hiện trong thời gian tới bằng việc thành lập riêng công ty độc lập chỉ chuyên về phân phối.
Việt May Depot có mặt ba năm trên thị trường, với mặt hàng phân phối chủ lực là đồ gỗ của Hoàng Anh Gia Lai đang gặt hái khá nhiều thành công. Hiện nay, Việt May Depot có 130 cửa hàng tính từ Đà Nẵng trở vào, với mức tăng trưởng là 300% so với năm 2010 cho thấy sự phát triển nhanh chóng của thương hiệu này. Theo ông Vũ Vân Anh, giám đốc truyền thông Việt May Depot, để mở được một hệ thống phân phối hàng đồ gỗ cần phải có kho, hệ thống cửa hàng, đội vận tải và cả một bộ phận về quảng cáo tuyên truyền, làm thương hiệu và hình ảnh… Công việc này sẽ thực hiện tốt hơn nếu để cho một công ty chuyên nghiệp làm. “Hiện nay chúng tôi phân phối hàng cho Hoàng Anh Gia Lai và một số công ty khác như hàng trang trí, nệm. Ông Anh tiết lộ Việt May Depot sẽ phát triển lên 250 cửa hàng trong năm 2012.
Một số ý kiến khác cũng đồng tình với giải pháp doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ cần mạnh dạn giao cho các nhà phân phối bán hàng của mình. Mức chiết khấu 30% hiện nay, theo một số nhà phân phối không phải là quá cao so với chi phí mà họ phải trang trải. Theo ông Vũ Vân Anh, doanh nghiệp đồ gỗ muốn hàng phân phối đạt hiệu quả thì họ phải biết chọn các mẫu hàng sản xuất tập trung, như kinh nghiệm từ Hoà Phát với mặt hàng cung cấp cho văn phòng đã chiếm lĩnh thị trường trong nước. Ngoài ra, nhà sản xuất phải có chiến lược cho sản phẩm và chính sách giá cả để có một cam kết giá ổn định thì mới kết hợp được với các nhà phân phối.
T.THủy– Đ. Hoàng
Theo SGTT