Sự kiện hot
7 năm trước

Ông bố Hà Nội dùng nệm cứu cả nhà thoát chết khỏi hỏa hoạn

Gia đình 4 người của anh Trần Minh nép dưới tấm đệm 30 phút trước khi được lực lượng cứu hỏa giải cứu.

Vụ cháy lớn trên đường Võ Văn Kiệt (TP HCM) vào khoảng 1h15 hôm nay khiến anh Trần Minh, sống tại Hà Nội, nhớ lại sự cố tương tự mà gia đình anh đã trải qua cách đây vài năm. Rạng sáng ngày 10/10/2015, khi đang ngủ, vợ anh Trần Minh phát hiện khói trắng từ tầng hai bốc lên. Sau khi kiểm tra, anh Minh xác định nhà có cháy; trong tình huống không thể di chuyển lên hay xuống, ông bố 37 tuổi chốt cửa, yêu cầu vợ con giữ bình tĩnh và ở yên trong phòng.

Nhà anh Minh ở phố Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội), có ba tầng; phòng ngủ nằm ở tầng ba; tầng hai, nơi xảy ra đám cháy là văn phòng có trưng bày các linh kiện điện tử.

Các con anh Trần Minh, bé lớn 11 tuổi và bé nhỏ 3,5 tuổi, bắt đầu ho sặc sụa khi khói tràn lên. Anh tẩm nước vào khăn tay, quần áo cho vợ con bịt miệng. Chưa đầy vài phút, con trai út của anh Minh khóc lớn vì khó thở. Anh dùng tay nâng bé ra ban công lấy oxy nhưng phải đưa vào ngay vì bắt đầu kiệt sức.

Hình ảnh mô phỏng tình huống sử dụng tấm nệm để thoát nạn trong vụ hỏa hoạn của gia đình anh Trần Minh.

Anh Trần Minh sử dụng tấm nệm dựa vào lan can ban công, tạo góc 45 độ như chiếc hầm trú ẩn. Cả gia đình anh Minh nép dưới tấm nệm; khói trong phòng trượt qua tấm nệm, bay ra ngoài. Khoảng 30 phút sau khi gọi cứu hỏa, lực lượng này có mặt, cứu gia đình anh Minh qua đường cửa sổ.

Nguyên nhân vụ cháy được cơ quan công an quận Đống Đa (Hà Nội) kết luận do sự cố chập điện.

Chi tiết quy trình thoát hiểm khi cháy nhà của anh Trần Minh:

1) Khi xảy ra hỏa hoạn, điều quan trọng hàng đầu là không mất bình tĩnh.

2) Lưu ý: Đa phần thiệt hại về người là do ngạt khói chứ không phải do sức nóng của lửa.

3) Khói độc đậm đặc và áp suất trong nhà kín sẽ tăng rất nhanh, do đó phải lập tức mở tung các cửa ở hướng không có cháy để giảm áp (Không được mở cửa ở hướng có cháy và khói xông vào phòng).

4) Nên dự trữ khăn tay, chai nước trong phòng ngủ bởi chúng hữu dụng trong việc phòng khói khẩn cấp.

- Thực hiện biện pháp tránh ngạt do khói bằng chiếc nệm ngủ:

Có hai trường hợp áp dụng chống khói hiệu quả bằng tấm nệm là cửa sổ và ban công, hoặc cả hai cùng lúc.

+ Đối với cửa sổ, để một khe thoáng phía trên chừng 30 cm để khói trượt qua tấm nệm, bốc lên trời.

+ Đối với ban công, dựng tấm nệm vào lan can tạo góc 45 độ rồi chui vào trong tránh khói.

Khi tránh được khói độc, bạn có đến 90% cơ hội sống sót trong lúc nguy cấp thời gian tính bằng giây.

Lam Trà

Ảnh: NVCC

Theo VnExpress

Từ khóa: