Chưa tìm ra nguyên nhân gây “bệnh lạ” của người dân ở Ba Tơ nhưng Bộ y tế đã có một số biện pháp phòng chống cho người bệnh là ăn gạo chính quyền cung cấp, bổ sung vitamin và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Chưa tìm ra nguyên nhân gây “bệnh lạ” của người dân ở Ba Tơ nhưng Bộ y tế đã có một số biện pháp phòng chống cho người bệnh là ăn gạo chính quyền cung cấp, bổ sung vitamin và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ngày 28/6, Cục y tế dự phòng Bộ Y tế đã có thông báo kết quả nghiên cứu hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Theo kết quả nghiên cứu, hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân mang đặc tính một loại nhiễm độc mạn tính, có thể dẫn đến viêm và thương tổn ở tay, chân và gan. Người mắc hội chứng này hiện chỉ được phát hiện tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.
|
Ảnh minh họa
|
Những trường hợp mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân được ghi nhận lần đầu tiên vào ngày 19/4/2011 tại huyện Ba Tơ. Tính đến ngày 28/6 đã ghi nhận 216 trường hợp mắc, trong đó có 12 trường hợp tử vong, tại 5 xã (Ba Điền, Ba Ngạc, Ba Xa, Ba Vinh và Ba Tô) của huyện Ba Tơ. Hiện vẫn còn 18 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế thuộc tỉnh Quảng Ngãi và vùng lân cận.
Bộ Y tế Việt Nam đã tiến hành một số điều tra thực địa tập trung vào lĩnh vực dịch tễ, lâm sàng, bệnh nghề nghiệp, dinh dưỡng, độc tố và các yếu tố môi trường nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Theo các nghiên cứu tổng hợp mà Bộ y tế tiến hành, kết quả cho thấy, hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân chưa có bằng chứng do nguyên nhân nhiễm trùng. Không có kim loại nặng hay hóa chất nông nghiệp có hàm lượng cao trong các mẫu phẩm ở người và môi trường. Tuy nhiên vì một số người bệnh có ăn gạo mùa cũ nên Bộ đã lấy mẫu gạo kiểm tra, phát hiện một số mẫu có chất aflatoxins trong một số mẫu gạo.
Aflatoxin là độc tố vi nấm sản sinh tự nhiên bởi một số loài Aspergillus, là một loại nấm mốc, đáng chú ý nhất là Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus. Aflatoxin là độc tố và là tác nhân gây ung thư. Các loại nông sản thường bị nhiễm aflatoxin là ngũ cốc (ngô, kê, lúa miến, gạo, lúa mì), hạt có dầu (lạc, đậu tương, hạt hướng dương, hạt bông), gia vị (ớt, hạt tiêu đen, rau mùi, nghệ, gừng) và các loại quả hoặc hạt khác như hạt dẻ, dừa…
Aflatoxin cũng có thể xuất hiện trong sữa của động vật được cho ăn bằng thức ăn nhiễm aflatoxin.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Song song với nghiên cứu đang tiến hành để tìm nguyên nhân, phải triển khai ngay các biện pháp can thiệp tổng thể để giảm tử vong, giảm mắc cũng như để cải thiện tình trạng sức khỏe của nhân dân huyện Ba Tơ nói chung”.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh Hoa Kỳ (USCDC) đã phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam trong việc ứng phó với căn bệnh này. “Chúng tôi ủng hộ các biện pháp can thiệp mà Bộ Y tế đang triển khai để kiểm soát các trường hợp mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại tỉnh Quảng Ngãi và tin tưởng rằng Bộ Y tế đang đi đúng hướng. Do chúng ta chưa biết được nguyên nhân của hội chứng và nguồn gốc gây bệnh, việc tìm nguyên nhân có thể kéo dài hơn dự kiến và là một thử thách” - Tiến sỹ Takeshi Kasai, Trưởng Đại diện của WHO tại Việt Nam nói.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân Ba Tơ, Quảng Ngãi sử dụng gạo, vitamin và các dưỡng chất bổ sung do chính quyền địa phương cung cấp. Người dân địa phương cần đảm bảo vệ sinh môi trường và phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh mới để báo cáo chính quyền có biện pháp can thiệp kịp thời.
Theo Infonet