Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến tăng lên xấp xỉ 8% và những hệ luỵ của nó có thể kéo dài sang năm 2022.
Trong phiên thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội ngày 29/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 có thể tăng lên mức 7,1% - 7,7%; xấp xỉ 8% sau khi thực hiện cơ cấu, giãn hoãn nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14.
"Nợ xấu, kể cả nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn giảm mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát trong năm 2020 và đặc biệt năm 2021, NHNN đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022 nên ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn", Phó Thống đốc cho biết.
Sau khi áp dụng Nghị quyết 42, nợ xấu ngân hàng đã giảm mạnh. Trong năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng là 2,46%; năm 2017 là 1,99%; năm 2018 là 1,91%; năm 2019 là 1,63% và năm 2020 là 1,76%.
Nếu tính cả khoản nợ đã bán cho VAMC nhưng chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn thì số liệu năm 2016 là 10,58%, năm 2017 còn 7,36%, năm 2018 là 5,85%, năm 2019 là 4,43% và năm 2020 là 3,81%.
Theo Phó Thống đốc, NHNN đã đặt ra mục tiêu tỷ lệ nội xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn về dưới 3% trên tổng dư nợ nhưng do COVID-19, đến cuối năm 2020, tỷ lệ này vẫn trên 3%.
"Nếu không có COVID-19 thì chắc chắn ngành ngân hàng sẽ đạt được chỉ tiêu này. Khi nền kinh tế gặp khó khăn do COVID-19, doanh nghiệp và người dân không thể trả nợ ngân hàng thì đương nhiên sẽ phát sinh nợ xấu", Phó thống đốc bày tỏ.
Ngoài chỉ tiêu về nợ xấu chưa hoàn thành, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng chỉ ra hai chỉ tiêu khác mà NHNN chưa thực hiện được khi thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống giai đoạn 2016 - 2020 là tỷ lệ thu nhập dịch vụ/tổng thu nhập của ngân hàng và việc đưa tất cả ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán.
Theo đó, tỷ lệ thu nhập dịch vụ/tổng thu nhập của ngân hàng ghi nhận tại năm 2016 là 7,8% và mục tiêu đặt ra cho năm 2020 sẽ tăng gấp đôi, đạt khoảng 15%. Thực tế cho thấy đến cuối năm 2020, con số này chỉ đạt xấp xỉ 12%.
Theo ông Kim Anh, xét về số tương đối thì không đạt nhưng xét về số tuyệt đối, thu phi tín dụng tính đến cuối năm 2020 đã tăng gấp 3,3 lần so với năm 2015.
Lý giải về việc số tuyệt đối tăng lên rất nhiều nhưng số tương đối lại không đạt, Phó Thống đốc NHNN cho biết trong giai đoạn này, nhu cầu vốn tín dụng trong nền kinh tế tăng mạnh, các ngân hàng gia tăng cho vay. Dẫn đến mức thu nhập tín dụng tăng nhanh hơn thu nhập phi tín dụng.
Cùng với đó, hiện nay còn khoảng 6 - 7 ngân hàng chưa hoàn thành việc niêm yết do nhiều yếu tố, một trong những nguyên nhân là ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Về vấn đề thoái vốn nhà nước tại các NHTM, lãnh đạo NHNN cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng số tiền các NHTM nhà nước đã rút khỏi các lĩnh vực không liên quan đến ngân hàng là 5.807 tỷ đồng. Về cơ bản những chỗ nào thoái vốn được, các ngân hàng cũng thoái gần như triệt để.
Về sở hữu chéo giữa các ngân hàng, số cặp sở hữu chéo năm 2012 là 7 cặp, đến 2017 còn một cặp và cuối 2018 đã xử lý xong.
Còn vấn đề sở hữu chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp, hiện nay còn một cặp chưa xử lý xong là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Công ty Bất Động sản Á châu - Hòa phát do liên quan đến thủ tục pháp lý.
Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cho biết ACB sở hữu tỷ lệ nhỏ 2,84% vốn doanh nghiệp. Trong khi, doanh nghiệp này cũng chỉ sở hữu 0,04% vốn điều lệ ngân hàng.
Phương Nga
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết