Sự kiện hot
12 năm trước

Phú Yên: Hàng loạt thủy điện hại dân

8 năm qua kể từ khi triển khai Dự án Thủy điện Sông Ba Hạ tại tỉnh này, 208 hộ dân (991 nhân khẩu) vẫn chưa được cấp đất sản xuất.

8 năm qua kể từ khi triển khai Dự án Thủy điện Sông Ba Hạ tại tỉnh này, 208 hộ dân (991 nhân khẩu) vẫn chưa được cấp đất sản xuất.

Ngày 15.6, làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, UBND tỉnh Phú Yên cho biết, 8 năm qua kể từ khi triển khai Dự án Thủy điện Sông Ba Hạ tại tỉnh này, 208 hộ dân (991 nhân khẩu) vẫn chưa được cấp đất sản xuất. Đời sống của bà con phải di dời để làm thủy điện vô cùng vất vả, nhiều hộ phải phá rừng làm rẫy kiếm sống.

Thủy điện sông Ba (Phú Yên) xả lũ ngày 4.11.2010 gây ngập nặng vùng hạ du

Cũng tại buổi làm việc này, tỉnh Phú Yên cho biết, trên địa bàn tỉnh có 3 nhà máy Thủy điện lớn đang hoạt động là thủy điện Sông Ba Hạ, thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh và Thủy điện Krông H'năng, ngoài ra còn hai dự án thủy điện nhỏ đang xây dựng là Thủy điện Đá Đen và Thủy điện La Hiêng.

Khi triển khai xây dựng các công trình thủy điện, tỉnh Phú Yên mất hơn 10.190ha đất, trong đó phần lớn là đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn. Việc khôi phục lại hiện trạng rừng vẫn chưa thực hiện được như báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện. Riêng Công ty cổ phần Thủy điện sông Ba Hạ mới chỉ trồng được 24,5/204,3ha rừng. Công ty Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh và Krông H'năng đến nay chưa có báo cáo.

Ông Lê Chí Trọng, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên, còn cho rằng, do lượng nước thủy điện trả về sông Ba rất thấp nên khi nắng nóng công trình Thủy nông Đồng Cam mực nước thường dưới tràn, nước không vào cống, dẫn đến tình trạng thiếu nước sản xuất cho cả nông nghiệp TP.Tuy Hòa và huyện Sơn Hòa.

Mặt khác từ năm 2010, khi Thủy điện An Khê Knak vận hành, mùa khô công trình này lấy nước từ sông Ba và trả về phía An Khê (Gia Lai) đã góp phần gia tăng tình trạng khô hạn khu vực hạ lưu sông Ba. Cán bộ tỉnh Phú Yên cũng phàn nàn, việc các thủy điện thông báo xả lũ trước 2 giờ là quá ngắn, địa phương không kịp trở tay, gây thiệt hại lớn cho người dân.

theo Dân Việt

Từ khóa: