Sự kiện hot
6 năm trước

Quảng Nam: Độc đáo làng trái cây Nam Bộ giữa lòng miền Trung

Được ví như một Nam Bộ thu nhỏ vì ngoài những cây trái địa phương ở đây còn trồng được các loại cây trái Nam Bộ như sầu riêng, măng cụt, vú sữa, lêkima, sapôchê.

Không những vậy, ngày nay Đại Bình còn đang thu hút du khách thập phương bằng những hình thức du lịch mới lạ và hiện đại. Du khách đến Quảng Nam, ngoài việc thăm quan hai di sản thế giới là Thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An, mà chưa đặt chân đến làng cổ Đại Bình, coi như chuyến đi chưa trọn vẹn.

Bình yên trong từng nhịp thở

Làng Đại Bình thuộc xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Làng có địa thế non nước hữu tình như một bức tranh sơn thủy, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra đầu nguồn dòng Thu Bồn. Đây được cho là một trong những làng cổ đẹp vào bậc nhất của Quảng Nam. Đại Bình còn có tên gọi khác là Đại Bường. Theo các bậc cao niên, đây là ngôi làng cũ có cùng thời với những làng cũ nhất của Quảng Nam kể từ năm 1602 sau khi Chúa Nguyễn Hoàng thiết lập dinh trấn Quảng Nam và phân định hệ thống làng xã, phủ huyện.

Được bao bọc bởi dòng Thu Bồn thơ mộng quanh năm bồi đắp phù sa trước mặt và sự che chở của dãy Trường Sơn sau lưng, Đại Bình qua bao nhiêu năm vẫn mang trong mình những dung dị của một làng quê thanh bình, thơ mộng với những cảnh vật quen thuộc: bến nước, con đò, mái đình, lũy tre.

Xưa kia làng được gọi với tên Đại Bường, các bậc cao niên trong làng kể rằng trong những năm tháng cả nước gánh chịu đạn bom khốc liệt, nhưng như một điều kì diệu Đại Bường vẫn bình yên, không hề có một dấu tích đạn bom nào, những tán cây vẫn xanh ngắt và trĩu quả. Đại Bường, dần được đọc lái thành Đại Bình, nghĩa là bình yên lớn lao. Hơn bốn thế kỷ trôi qua, đến nay Đại Bình vẫn giữ trong mình nguyên vẹn những trầm tích của một làng quê xưa cũ.

Một Nam bộ thu nhỏ

Được mệnh danh là làng trái cây Nam Bộ thu nhỏ của miền Trung. Mảnh đất này được con sông Thu Bồn bồi đắp phù sa, rất màu mỡ nên trồng được rất nhiều giống cây ăn quả ở miền Nam tạo thành một đảo xanh vườn tược. Rất nhiều loại trái cây Nam Bộ được đem về trồng tại mảnh đất này.

Sở dĩ, mảnh đất này được như thế phải kể đến công của ông tổ Huỳnh Châu, ông là người có công mang những hạt giống cây vườn Nam Bộ đem về gieo trồng nơi làng quê Đại Bình.

Từ những hạt giống đó, những cây quả Nam Bộ dần lớn lên, ra hoa, kết trái. Vậy là từ đó dân làng lấy hạt giống từ vườn nhà ông nhân trồng ra để khai lập nên vườn cây Nam Bộ Đại Bình hơn 40 năm nay với nhiều loại trái cây như cam sành, quýt, trụ, lòn bon, sầu riêng, mít tố nữ, măng cụt.

Khi đến với Đại Bình, du khách không chỉ cảm nhận những nét đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho ngôi làng nhỏ này mà còn có thể cảm nhận được sự thân thiện, gần gũi, chất phát của những con người nơi đây và những ngôi nhà cổ được xây dựng cách đây hàng chục năm đã trở thành một điểm dừng chân thú vị của du khách tham quan. . Đường làng, cây đa, bến nước, sân đình, nhà cổ, bãi mía, nương dâu vẫn nguyên sơ. Bước lên khỏi bến đò, băng qua bãi cát, đi vào sâu sau lũy tre là một thế giới cây trái xanh mát.

Du khách khi đến với Đại Bình không chỉ tham quan, khám phá những khu vườn bạt ngàn cây trái, thưởng thức các đặc sản địa phương mà còn để cảm nhận hơi thở của một không gian xưa cũ mang đậm chất của một làng quê Việt. Có lẽ vì vậy, mà trong làng lúc nào cũng có khách ghé thăm, thương hiệu “làng trái cây Nam bộ của miền Trung” bốn mùa sai trái giữa vùng thượng nguồn xứ Quảng ngày càng được nhiều người biết đến hơn.

Khát vọng của những người trẻ

Mới đây, Hợp tác Xã nông nghiệp, du lịch, dịch vụ Đại Bình đã được thành lập, dựa trên sự chung sức của những thanh niên trẻ tuổi trong làng, và sự ủng hộ hết mình của UBND xã Quế Trung, họ là những người có khát vọng làm giàu quê hương, với mong muốn để thương hiệu “làng du lịch sinh thái Đại Bình” ngày càng phát triển.

Mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP

Với nguồn lực chủ yếu là huy động nguồn vốn từ những thanh niên trẻ tuổi trong làng, cùng nguồn tài trợ của dự án Trường Sơn Xanh, hiện tại HTX nông nghiệp du lịch dịch vụ Đại Bình đang hiện đại hóa hơn ưu thế có sẵn của mảnh đất này là du lịch sinh thái kết hợp với sản xuất nông sản sạch, một mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn của VietGAP với quy mô hơn 3000m2 đã được thực hiện mang lại hi vọng và luồng gió mới cho dịch vụ du lịch sinh thái của Đại Bình.

“Chúng tôi muốn xây dựng Đại Bình thành khu du lịch có đặc sắc riêng, với nhiều ưu điểm như sông dòng Thu Bồn và những bãi cát , vườn cây ăn quả, hồ sen, rừng nguyên sinh…mình sẽ liên kết hết các điểm đó lại để tạo nên một chuỗi sản phẩm du lịch hài hòa và tự nhiên, nhưng điều quan trọng là phải làm sao cho mang lại nguồn lợi và phục vụ cho cuộc sống của người dân” anh Phạm Văn Bằng: kiểm soát viên HTX chia sẽ.

Hòa cùng sự phát triển của xã hội, Đại Bình giờ đây đã trở thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn thu hút du khách thập phương. Phát triển nhưng vẫn giữ được những nét đặc sắc truyền thống vốn có của một làng quê Việt xưa thuần chất, Đại Bình đang hướng đến đa dạng hóa hơn hình thức du lịch sinh thái của mình bằng niềm đam mê và hoài bão của những người trẻ tuổi nơi đây

“Đối với Đại Bình, một làng quê yên bình, tồn tại nhiều năm với đặc sản trái cây, trên cơ sở đó đại bình đã được quy hoạch xây dựng làng sinh thái, với mục tiêu chính làm sao du lịch phải mang một màu sắc riêng của Đại Bình, du lịch phải gắn với cộng đồng nhưng không làm mất đi bản sắc làng quê của Đại Bình”. Ông Nguyễn Văn Lanh – Chủ tịch UBND xã Quế Trung phấn khởi chia sẻ.

Văn Tiến
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: