Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 ước tính tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, trong tháng 01/2024 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính giảm 4,4% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, trong năm 2024 ngành Công thương sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép...
Nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Bộ Công Thương cho biết, năm 2024, Bộ sẽ tập trung những giải pháp trọng tâm như: Chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như ô tô, thép, sữa, giấy, nhựa... để thống nhất định hướng phát triển ngành trong giai đoạn mới.
Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.
Theo các chuyên gia kinh tế, có thể thấy sản xuất công nghiệp khởi sắc ngay từ đầu năm là sự khởi đầu tốt đẹp với những tín hiệu tích cực cùng niềm tin của các tổ chức quốc tế với dự báo triển vọng sáng sủa của kinh tế Việt Nam tới đây.Theo đó, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một năm khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam sau nhiều khó khăn vì tác động của dịch bệnh và diễn biến phức tạp của khu vực, thế giới.
Nói về triển vọng đi lên của sản xuất công nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới, ông John Campbell, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp của Savills Việt Nam, chỉ rõ Việt Nam hiện có khoảng 400 khu công nghiệp trên cả nước và đây là một con số “khá ấn tượng đối với một quốc gia có quy mô như Việt Nam”.
Ông Campbell đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam ngày càng chú trọng phát triển các khu công nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, cũng như ứng dụng công nghệ 4.0 và sản xuất thông minh, thể hiện ở những ví dụ thành công của các Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và khu công nghiệp Deep C Hải Phòng.
“Đây là những dự án mà chúng ta nên thu hút vì chúng vừa nâng cao chất lượng đào tạo người lao động, vừa cải thiện vị thế của đất nước trong chuỗi giá trị”, ông Campbell chia sẻ.
Mặc dù có tiềm năng như vậy, nhưng dự báo trong năm 2024, ngành công nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức. Kinh tế toàn cầu hồi phục nhưng với tốc độ rất chậm – nhất là ảnh hưởng từ việc tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cả từ phía cung và cầu của nền sản xuất thế giới và khu vực – trong đó có Việt Nam.
Tiến Hoàng/KTDU