Dù ở miền núi cao hay vùng biển xa, thanh niên luôn có cách làm sáng tạo giúp đổi thay cuộc sống. Những công trình đó được T.Ư Đoàn trao tặng giải thưởng sáng tạo.
Dù ở miền núi cao hay vùng biển xa, thanh niên luôn có cách làm sáng tạo giúp đổi thay cuộc sống. Những công trình đó được T.Ư Đoàn trao tặng giải thưởng sáng tạo.
Công trình cầu phao sắt di động của thanh niên Yên Bái
Bắc cầu phao sắt qua sông
Sau gần 3 tháng huy động thanh niên, huyện Đoàn Văn Yên (tỉnh Yên Bái) đã có cầu phao sắt di động bắc qua sông Khe Hóp, xã Mỏ Vàng. Bí thư huyện Đoàn, anh Hoàng Kim Ninh chia sẻ, ngày khánh thành cầu như ngày hội của thôn bản.
Xã Mỏ Vàng trước đây, người dân đi lại chủ yếu bằng bè mảng được ghép lại từ những khúc gỗ. Sông có chiều rộng hơn 100 mét, thuyền gỗ chênh vênh rất nguy hiểm cho người dân và học sinh. Lắm hôm trời mưa lũ, các thôn bị cô lập, học sinh không thể đến trường.
Anh Ninh cùng bạn trẻ về xã khảo sát, tính toán chi tiết. Cuối tháng 6, huyện Đoàn đã trình được ý tưởng xây dựng cầu phao sắt di động với chiều dài 4 mét, rộng 2,5 mét, có cáp căng 2 trụ và hệ thống ròng rọc giữ phao.
Công trình được duyệt và đánh giá có tính kỹ thuật cao. Đầu tháng 9-2011, huyện Đoàn bắt đầu huy động hàng trăm thanh niên ra quân xây dựng công trình.
Ngày ra quân, nhiều gia đình vận động thanh niên trong bản ra góp sức. Anh Ninh cho biết làm cầu ở miền núi, vận chuyển vật tư rất khó khăn, nhưng nhờ thanh niên góp sức, giá thành xây dựng giảm đáng kể.
Sau 720 ngày công thanh niên đóng góp, công trình đã hoàn thành 4 mố chân cầu vững chãi, gần 100 khối cát sỏi cho anh em có kỹ thuật xây dựng.
Những ngày làm cầu ở Mỏ Vàng, cán bộ Đoàn hiểu thanh niên, người dân hơn qua những đêm giao lưu. Thương cán bộ Đoàn, nhiều đêm, thanh niên trong xã cắt cử nhau đi bảo vệ công trình. Người dân cũng mang con gà, củ sắn ra biếu anh em.
Tháng 11 - 2011, cầu phao sắt di động có màu sơn đỏ đẹp mắt, đúng kỹ thuật bắt đầu phục vụ hơn 800 hộ dân của hai thôn. Anh Ninh nhớ lại, già làng đã nắm chặt tay anh em cán bộ Đoàn cảm ơn vì từ nay học sinh trong bản được đến trường an toàn, người dân cũng giao thương, trao đổi hàng hóa thuận tiện hơn.
Chủ yếu được xây dựng từ công sức của thanh niên, công trình chỉ tiêu tốn 140 triệu đồng, được T.Ư Đoàn trao tặng bằng khen công trình sáng tạo năm 2011.
Trồng tre chắn sóng
Thanh niên xã Hà Châu, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) trồng tre chắn sóng, chống sạt lở ven sông Cầu, giúp người dân yên tâm sinh sống, sản xuất. Anh Nguyễn Viết Nam, Bí thư Đoàn xã Hà Châu cho biết, nạn cát tặc gây sạt lở nhiều năm khiến người dân sinh sống ven sông hoang mang.
Mỗi khi họp xóm, người dân liên tục kêu cứu vì nhiều khu vực ven sông nguy cơ bị xóa sổ. Đoàn xã cũng trăn trở, họp bàn và quyết định đi xin ý kiến các già làng, được họ truyền kinh nghiệm trồng tre giữ đất.
Một đội thanh niên tình nguyện khoảng 30 người nhanh chóng được thành lập, đi thu gom gốc tre, học kỹ thuật trồng. Anh Nam nói, tre trồng chắn sóng phải là loại tre bánh mật, rễ kết thành chùm tạo thành mạng lưới chắn sóng rất tốt.
Nhờ được nhiều người dân ven sông ủng hộ nên chỉ sau 3 ngày, hơn 500 gốc tre được cắm ven sông. Ba năm liên tục, Đoàn xã không ngừng huy động thanh niên trồng thêm tre trên bãi đất mới bồi, tạo thành lớp chắn sóng bảo vệ làng xóm.
“Cũng lắm lần, gốc tre mới trồng xuống, nhưng do cát tặc sáng ra tre lại trơ gốc, anh em phải hì hụi trồng lại”, anh Nam chia sẻ. Không phụ công trồng mới, trồng lại trong suốt 3 năm, hàng nghìn cây tre do thanh niên tình nguyện của xã trồng đang ngày càng xanh tốt, chắn sóng, chắn cát sạt lở cho người dân.
Theo Thanhnien