Sự kiện hot
12 năm trước

Sự thật về tiết lộ kiếm hàng tỷ USD ở Myanmar của “bầu” Đức

Dantin - Được phương Tây gọi với cái tên “mặt trời mới” về cơ chế mở cửa và thu hút đầu tư, Myanmar đang sửa hàng loạt các luật lệ, quy định nhằm kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, giao thông, công nghiệp.

Dantin - Được phương Tây gọi với cái tên “mặt trời mới” về cơ chế mở cửa và thu hút đầu tư, Myanmar đang sửa hàng loạt các luật lệ, quy định nhằm kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, giao thông, công nghiệp.

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar, ông Chu Công Phùng: Đất nước này đang thay đổi từng ngày, từng giờ, nhất là về kinh tế. Vì vậy, muốn làm ăn và có lợi nhuận tại đây, doanh nghiệp Việt không thể chậm chân và thiếu quyết tâm.

“Bầu” Đức: Nhanh chân sẽ kiếm hàng tỷ USD

Người nhanh chân và đầu tư có chiến lược lớn phải kể đến ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai (HAG): Đầu tư Bất động sản tại Myanmar.

Theo thông tin mới nhất từ phía “bầu” Đức, hiện HAG đã được phía Myanmar trao giấy phép đầu tư dự án khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ cho thuê "Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Centre". Dự án có tổng diện tích 8 hecta, nằm tại Cố đô Yangon, với tổng mức đầu tư dự án là 300 triệu USD. Theo kế hoạch giai đoạn 1 của dự án phức hợp của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tại Yangon thực hiện từ năm 2013 đến 2015. Tuy nhiên, ông Đức đổi chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh, bám sát thị trường Myanmar. Tập đoàn sẽ dốc toàn lực hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2013 để đưa vào khai thác năm 2014. "Sau Tết âm lịch, tôi sẽ khởi công dự án này", ông nói.

Vẫn theo “bầu” Đức, điểm thuận lợi khi đầu tư khu phức hợp tại Yangon là giá sắt từ nhà máy vận chuyển sang Myanmar rẻ hơn về Việt Nam 20%. Xi măng đưa từ Quảng Ninh tới Yangon bằng giá về Sài Gòn. Gỗ đá của Hoàng Anh Gia Lai chở từ Quy Nhơn sang Miến Điện rẻ hơn vận chuyển đường bộ về TP HCM. Lương công nhân lao động phổ thông tại Myanmar chỉ bằng một nửa so với Việt Nam.

Phối cảnh giai đoạn 1 của khu phức hợp Hoang Anh Gia Lai Myanmar Centre tại Yangon.

Lý do để HAG tập trung đầu tư vào Yangon, theo phía HAG, vì giá bất động sản tại đây cao gấp 3-4 lần tại Việt Nam, công suất lớn, nguồn cung lại rất khan hiếm. “Bầu” Đức tiết lộ đã âm thầm khảo sát thị trường Myanmar 2 năm qua và thu về những con số gây sốc.

Cụ thể, văn phòng cho thuê hạng B ở Yangon 80 USD mỗi m2 một tháng, cao hơn TP HCM gấp 4 lần. Văn phòng hạng A 100 USD mỗi m2 một tháng (cao hơn Sài Gòn 3,3 lần) nhưng hầu như không có hàng. Căn hộ dịch vụ cho thuê một phòng ngủ rộng 60 m2 giá 5.000 USD một tháng (gấp 2,5 lần Việt Nam), loại 2-3 phòng ngủ lên tới 8.000 USD một tháng. Khách sạn 4 sao khá cũ giá 300-400 UDS một đêm và luôn kín phòng vì thiếu hụt nguồn cung.

Theo cách tính của “bầu” Đức, khu phức hợp dự kiến có 1.000 căn hộ dịch vụ cho thuê, chỉ khai thác khoản này có thể thu về 300 triệu USD. Mặt khác, ước tính mỗi tòa nhà văn phòng của dự án thu về 100 triệu USD một năm. “Chỉ tính riêng một tòa nhà văn phòng đi vào hoạt động có thể khai thác 700 triệu - 1 tỷ USD nếu nhanh chóng đi vào khai thác”, ông Đức nhấn mạnh. Theo dự đoán của “bầu” Đức thì trong vòng 5 năm tới, tức là đến năm 2018, bất động sản Myanmar sẽ nóng đến 80 độ C. “Đây chính là thời điểm chúng ta có thể đầu tư lớn tại thị trường BĐS tại Myanmar”, ông khẳng định.

Nhiều thị trường hấp dẫn còn bỏ ngỏ

Theo tính toán sơ bộ của Bộ Công thương, năm 2010, kim ngạch thương mại giữa 2 nước Việt Nam và Myanmar đã tăng vọt, đạt trên 160 triệu USD, tăng 160% so với năm 2009.

Năm 2011 đạt 168 triệu USD và 6 tháng đầu năm 2012 là 130 triệu USD, dự kiến cả năm sẽ đạt 250 triệu USD (chưa tính các khoản thanh toán qua các nước thứ 3). Việt Nam đã trở thành bạn hàng nhập khẩu thứ 12 và bạn hàng xuất khẩu thứ 10 của Myanmar. Gần 20 dự án đầu tư kinh doanh sản xuất của các DN Việt Nam đã được đăng ký chính thức với số vốn đăng ký gần 1 tỉ USD. Riêng tại TP Yangon 15 DN Việt Nam thường xuyên có mặt và làm ăn rất hiệu quả với các đối tác Myanmar.

Theo Đại sứ Chu Công Phùng, trong nhiểu lần tiếp xúc với các đoàn ngoại giao và thương mại của nước ta ông đều nhấn mạnh đến một loạt tiềm năng kinh tế tại Myanmar mà thị trường vẫn còn bỏ ngỏ. Myanmar là một thị trường lớn về sản xuất và tiêu thụ nhưng sản xuất công nghiệp của Myanmar rất yếu kém, nhiều lĩnh vực vẫn là những ô trống.“Phần lớn thiết bị giao thông vận tải, máy móc sản xuất, thiết bị điện, thiết bị nông nghiệp, ngư nghiệp v.v... của Myanmar là nhập khẩu từ trước năm 1988 nay đã cũ nát, quá hạn sử dụng trong khi nhà nước thiếu ngoại tệ nhập mới, hơn nữa lại bị cấm vận từ Mỹ và EU”, ông Phùng phân tích.

Do bị bao vây cấm vận nhiều năm, do thiếu vốn, nguyên liệu và kỹ thuật tiên tiến nên công nghiệp nhẹ, nhất là công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng của Myanmar rất yếu kém, chỉ đáp ứng được hơn 10% thị trường gần 60 triệu dân. Hầu hết hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đều phải nhập khẩu qua đường tiểu ngạch mậu dịch biên giới với Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Chất lượng hàng tiêu dùng nhập khẩu đều thấp nhưng giá bán lẻ khá cao”, ông Phùng giải thích.

Đại sứ Chu Công Phùng cũng dẫn chứng việc thị trường đầu tư nước ngoài tại Myanmar còn nhiều chỗ để doanh nghiệp Việt tiến vào: Tính đến hết năm 2010, có 157 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 1,66 tỉ USD được chính phủ Myanmar cấp giấy phép trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất hàng tiêu dùng tại Myanmar, chiếm 4,7% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào 12 lĩnh vực kinh tế của Myanmar.

Những lĩnh vực hiện nay DN Việt Nam có thể tham gia, theo ông Phùng, đầu tiên là nông nghiệp với việc trồng lúa, cao su, mía đường và các loại nông sản tương tự như ở Việt Nam. Kế đến là nuôi trồng, chế biến các loại thủy sản như tôm, cua, cá... (riêng cua lột mỗi tháng có thể cung ứng khoảng 1,5 triệu con). Tiếp theo là lĩnh vực sản xuất đồ gỗ tại chỗ (Myanmar hiện là một trong 4 nước xuất khẩu gỗ tròn đứng đầu thế giới); sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, nhựa, dệt may, giày dép, điện tử...

Mới đây, theo thông tin riêng của PV Đời sống &Tiêu dùng, một đoàn doanh nghiệp có tiếng tăm của Việt Nam cũng đã tiến hành những xúc tiến thương mại nhằm đạt được những thỏa thuận về việc khai thác và chế biến khoáng sản tại Myanmar, đặc biệt là lĩnh vực nhập khẩu về nước và chế tác các loại đá quý hiếm.

Đại sứ Chu Công Phùng cũng khẳng định: Đá quý tại Myanmar là một thị trường đầy tiềm năng bởi Myanmar là xuất phát điểm của những viên hồng ngọc, bích ngọc có chất lượng tốt nhất trên thị trường quốc tế, đưa Myanmar trở thành quốc gia sở hữu và sản xuất đá quý nhiều nhất thế giới. Theo tính toán, trữ lượng các loại đá quý có ở khu vực Mandalay và Bang Shan rất lớn, mỗi năm xuất khẩu khoảng 40.000 tấn. Từ năm 2010, xuất khẩu đá quý đã vươn lên vị trí thứ nhất trong các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Myanmar, đạt 3,6 tỉ USD.

Đại sứ Chu Công Phùng nói: “Đại sứ quán VN tại Myanmar sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư tại nước này trong việc tìm đối tác ở nước sở tại, hướng dẫn thực hiện hồ sơ thủ tục đầu tư, mở văn phòng đại diện...”

Các DN có thể liên hệ Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Myanmar
Địa chỉ: 70 - 72 Thanlwin Road, Bahan Township, Yangon. Myanmar.
Điện thoại: 0951411305, Fax: 0951514897. Email: vnembmyar@cybertech.net.mm.
Một số dự án đã được cấp phép và đang xin phép đầu tư vào Myanmar
- Dự án tìm kiếm, thăm dò dầu khí của Tập đoàn dầu khí VN
- Dự án khai thác đá trắng của Công ty Sim.co Sông Đà
- Dự án xin thiết lập mạng viễn thông di động của Viettel
- Dự án của Tập đoàn Hoa Sen
- Dự án sản xuất dược phẩm của Công ty AFV Pharma
- Dự án bất động sản của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai

 Đình Tú

Từ khóa: