Năm nay, Techcombank sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2022. Trước đó, Moody’s xếp hạng tín dụng cơ sở của Techcombank giảm từ Ba2 xuống Ba3, tức trở về mức ngang một số ngân hàng thương mại hiện nay.
Theo đó, Techcombank dự kiến tín dụng năm nay tăng 15% hoặc cao hơn theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước cấp với tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp hơn 1,5%; Huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối ưu hóa nguồn huy động.
Về cổ tức, như thường lệ, năm nay Techcombank tiếp tục trình cổ đông phương án giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau trích lập các quỹ mà không chia cổ tức cho cổ đông. Hiện tổng lợi nhuận chưa sử dụng của Techcombank tính đến ngày 1/1/2023 đạt hơn 58.000 tỷ đồng. Đây sẽ là năm thứ 12 ngân hàng này không chia cổ tức bằng tiền mặt.
Mặc dù vậy, Techcombank vẫn tiếp tục phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Năm nay, ngân hàng này dự kiến sẽ phát hành hơn 3,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/CP. Số tiền thu được sẽ dùng để bổ sung vốn hoạt động của nhà băng. Nếu được thông qua, đây là năm thứ 6 liên tiếp Techcombank phát hành hàng triệu cổ phiếu ESOP cho nhân viên.
Như vậy, Techcombank là ngân hàng đầu tiên đặt mục tiêu lợi nhuận đi lùi năm nay. Hiện xét về chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023, VPBank đang là quán quân nhóm ngân hàng TMCP tư nhân với con số 24.000 tỷ đồng, Techcombank tụt hạng xuống vị trí thứ hai.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Techcombank là ngân hàng tư nhân duy nhất được Hãng đánh giá tín dụng Moody's xếp hạng tín dụng cơ sở (BCA) ở mức Ba2. Tuy nhiên, báo cáo ngày 22/3 cho biết hãng đã hạ xếp hạng này xuống Ba3 – mức tương đồng với nhiều nhà băng tư nhân còn lại ở Việt Nam được họ đánh giá.
Việc hạ bậc tín nhiệm này do Moody's dự báo tình hình khó khăn của ngành bất động sản ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ tín dụng độc lập của Techcombank khi đơn vị này tập trung nhiều vào lĩnh vực này. Moody's lưu ý động thái này không liên quan tới những rủi ro gần đây xảy ra tại các ngân hàng Mỹ và châu Âu.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, tính đến ngày 31/12/2022, Techcombank đang lưu hành 12 lô trái phiếu với tổng giá trị 13.050 tỷ đồng. Tất cả các lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 3 năm, được Techcombank phát hành từ tháng 4/2022 đến tháng 7/2022. Đây cũng là khoảng thời gian Ngân hàng Nhà nước vừa thanh tra xong 7 ngân hàng về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong đó có Techcombank
Các lô trái phiếu do Techcombank phát hành đều có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, giá trị dao động từ 500 – 1.950 tỷ đồng. Đáng chú ý, các lô trái phiếu này có lãi suất rất thấp, dao động từ 3,8% - 4,5%/năm. Trong năm 2022, Techcombank cũng mua lại toàn bộ lô trái phiếu TCBH2023003 trước hạn với giá trị 2.000 tỷ đồng.
Tính đến tới cuối 2022, khoản cho vay bất động sản và xây dựng chiếm 29% tổng danh mục của Techcombank. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm 6% tổng tài sản, theo báo cáo của Moody’s.
Hãng này đánh giá, nguồn vốn và thanh khoản của Techcombank là đủ trong môi trường hiện tại. Các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền mặt, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và trái phiếu Chính phủ đã tăng lên 8% trong tài sản hữu hình của Techcombank tính đến cuối năm 2022 từ mức 5% một năm trước đó. Tuy nhiên, một vài khoản nợ lớn với lĩnh vực bất động sản có quy mô đáng kể so với vốn cổ phần hữu hình và có thể gây ra biến động.
Chưa thể nâng xếp hạng với Techcombank nhưng Moody's cho biết có thể thay đổi triển vọng thành ổn định nếu căng thẳng bất động sản giảm, tỷ lệ tài sản có vấn đề (gồm cả nợ xấu và nợ tái cơ cấu) dưới 2% trong 12-18 tháng tới, đồng thời giảm dần sự phụ thuộc vào lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, theo tài liệu báo cáo họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 của Techcombank vừa công bố, được biết ban lãnh đạo ngân hàng này đề xuất kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất ở mức 22.000 tỉ đồng, giảm 14% so với năm trước; dư nợ tín dụng tăng trưởng 15%, đạt 511.297 tỉ đồng; tỉ lệ nợ xấu duy trì thấp hơn 1,5%.
Đáng chú ý, trong năm 2023, Techcombank dự kiến trích 32.675,8 tỉ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và 1.790,6 tỉ đồng cho quỹ dự phòng tài chính. Được biết, việc trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn là để phục vụ phương án tăng vốn điều lệ theo quyết định của ĐHĐCĐ vào thời điểm thích hợp.
Sau khi trích lập, khoản lợi nhuận còn lại có thể phân phối là 23.538,9 tỉ đồng, dự kiến sẽ được duy trì dưới hình thức lợi nhuận không chia nhằm phục vụ cho các hoạt động kinh doanh của Techcombank.
Lần gần nhất Techcombank thực hiện chia cổ tức là vào năm 2018 bằng việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:2. Đối với việc chia cổ tức bằng tiền, nếu phương án trên được thông qua, Techcombank sẽ có năm thứ 12 liên tiếp không chia cổ tức bằng hình thức này cho cổ đông. Thực trạng không chia cổ tức cũng là một trong những nội dung được cổ đông chất vấn ban lãnh đạo Techcombank trong các kỳ đại hội gần đây.
Một số ngân hàng lo ngại lợi nhuận âm
Theo kết quả điều tra từ Vụ Dự báo, thống kê (NHNN) vừa công bố, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý I/2023 cải thiện chậm so với quý trước. Các TCTD đánh giá lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý I/2023 có tăng trưởng nhưng chưa đạt được như kỳ vọng.
Đánh giá triển vọng cả năm 2023, có 88,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trong năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022 (thấp hơn tỷ lệ 95,3% ở kỳ điều tra trước). Bên cạnh đó, vẫn có 5,7% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023 và 5,7% TCTD ước tính lợi nhuận không thay đổi. Theo các TCTD, trong quý I/2023, nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và thẻ, gửi tiền của khách hàng trong Quý I/2023 có cải thiện nhưng chưa được như kỳ vọng.
Các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý II/2023, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Các TCTD dự đoán, trong quý II/2023, huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 3,2, tín dụng tăng 4%. Cả năm 2023, huy động vốn tăng 9,2% và tín dụng tăng khoảng 13,1%.
Tiến Hoàng
Theo KTDU