Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Thị trường chứng khoán Việt Nam 2023: “Khó khăn nhưng sẽ phát triển theo hướng thực chất hơn”

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một năm 2022 đầy cảm xúc. Thị trường thăng hoa, lập đỉnh lịch sử, nhưng sau đó lại giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư tài khoản âm hàng chục %. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 11, thị trường chứng khoán lấy lại đà hồi phục và điều này kỳ vọng sẽ được nối dài sang năm 2023. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, năm 2023 khó khăn vẫn lớn, nhưng thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ bình ổn và phát triển theo hướng thực chất hơn.

C:\Users\Duy Thai\Downloads\ck moi (1).jpg
TTCK Việt Nam năm 2023 vẫn được hỗ trợ từ các yếu tố nền tảng trong nước. Ảnh: Duy Dũng.

Một năm cảm xúc thăng, trầm

Hai năm Covid với nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) quả thực là đáng nhớ. Thị trường tăng mạnh mẽ cả điểm số lẫn thanh khoản bất chấp đại dịch đang tác động rất lớn tới nền kinh tế và đời sống xã hội. Thị trường tăng trên diện rộng và nhiều mã tăng bằng lần đã giúp nhiều nhà đầu tư, kể cả những nhà đầu tư mới hay còn gọi là F0 cũng dễ dàng tìm kiếm lợi nhuận. Tiền nhiều và rất rẻ là nguyên nhân chính giúp dòng tiền vào ào ạt và TTCK tăng rực rỡ.

Bước sang năm 2022, thị trường vẫn vậy, niềm vui vẫn đi theo và giúp thị trường lập đỉnh mới kể từ khi thị trường đi vào hoạt động (1.528 điểm – 6/1/2022). Tuy nhiên, xu hướng tăng chỉ duy trì được đến hết quý I và sau đó chuyển nhanh sang trạng thái điều chỉnh mạnh, có thời điểm về mức xung quanh 900 điểm. Thị trường giảm đột ngột không chỉ về điểm số mà thanh khoản cũng giảm sâu, khi có những phiên chỉ quanh mốc 7.000 tỷ đồng/phiên.

Nhiều nhà đầu tư đang trong thế “cứ mua là thắng” bất chợt chuyển nhanh sang thua lỗ và “càng níu kéo càng đau lòng”, nhất là những nhà đầu tư F0 vì họ chưa có kinh nghiệm để bảo vệ thành quả hay cắt lỗ. TTCK năm 2022 như 3 thái cực: Thăng chặng đầu – trầm chặng giữa – bình ổn hơn chặng cuối. Gắn với 3 thái cực đó cũng để lại cảm xúc đối với những người tham gia trên thị trường năm qua: Hưng phấn rồi thất vọng và sau đó là trấn tĩnh lại.

Nguyên nhân khiến diễn biến thị trường thay đổi cục diện nhanh trong năm 20220 cũng đã được cơ quan quản lý, chuyên gia phân tích rất rõ, đó là: chu kỳ tiền rẻ kết thúc, lạm phát tăng cao, thắt chặt tiền tệ áp dụng trên diện rộng, căng thẳng địa chính trị, khủng hoảng nguồn cung năng lượng,… Tất cả nguyên nhân đó đều được phản ánh vào TTCK và chu kỳ điều chỉnh xuất hiện bởi rủi ro tác động tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam là hiện hữu.

Hơn thế nữa, với TTCK vẫn được ví là thị trường của thông tin, của niềm tin, do đó, tác động của các rủi ro trong tương lai sẽ đến nhanh và có thể mạnh hơn. Vì vậy, thị trường điều chỉnh nhanh và mạnh trong năm 2022 còn xuất phát từ việc nhà đầu tư suy giảm niềm tin sau các sự vụ “con sâu làm rầu nồi canh” liên quan tới thị trường, hay những lo ngại về mất thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hoặc đóng băng của thị trường bất động sản.

Nhiều giải pháp kịp thời hỗ trợ niềm tin giúp thị trường điềm tĩnh lại

TTCK phát triển nhanh chóng, nhưng cũng điều chỉnh nhanh và mạnh đã vượt xa mọi dự đoán của nhiều thành viên thị trường. Điều đó không chỉ tạo ra “sang chấn tâm lý” với nhiều nhà đầu tư cá nhân, mà còn đặt ra nhiều thách thức mới cho công tác quản lý, giám sát thị trường của cơ quan quản lý.

Trong bối cảnh đó, vai trò của cơ quan quản lý sẽ rất quan trọng, không chỉ đảm bảo cho thị trường phát triển an toàn, ổn định và tôn trọng quy luật cung – cầu, mà còn phải giữ kỷ cương, kỷ luật để củng cố niềm tin cho thị trường. Nhìn lại năm 2022, Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cũng như các đơn vị liên quan đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp và động thái hiệu quả, nhanh chóng giúp thị trường trấn tĩnh trở lại và hồi phục.

Ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) cho biết, trong năm 2022, UBCKNN đã chủ động, tích cực hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý theo đúng chương trình đề ra. Đồng thời, trong giai đoạn thị trường điều chỉnh vừa qua, các giải pháp bình ổn thị trường được tổ chức thực hiện quyết liệt như yêu cầu các sở giao dịch chứng khoán công bố số liệu giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán, thực hiện điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng trong ngày đáo hạn phái sinh đã được thị trường đánh giá cao, giúp nâng cao tính minh bạch của thị trường.

Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCKNN đã tiến hành rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán, các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. UBCKNN cũng đã kịp thời thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, định hướng điều hành và tình hình kinh tế vĩ mô, TTCK nhằm tăng cường minh bạch cho thị trường.

Cùng với đó, năm 2022, chu kỳ thanh toán giao dịch chứng khoán cũng đã được rút ngắn về chu kỳ T+2 từ ngày 29/8/2022. Ngoài ra, UBCKNN cũng đã chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, để thực hiện chặn giao dịch của cổ đông nội bộ khi không công bố thông tin theo quy định.

Trong năm qua, UBCKNN tiếp tục triển khai tái cấu trúc TTCK, tăng cường công tác quản lý công ty đại chúng và các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Hoạt động thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm đã được đẩy mạnh nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường trong bối cảnh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng tinh vi, phức tạp.

Năm 2023, tăng “chất” cho hàng hóa và nền tảng cơ sở thị trường

C:\Users\Duy Thai\Downloads\VNI-12.12.jpg
Diễn biến chỉ số VN-Index từ đầu năm đến 9/12/2022.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, năm 2023, nền kinh tế sẽ tiếp tục có sự phục hồi tích cực, nhờ hiệu quả của chính sách từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, qua đó tạo nền tảng cho TTCK phát triển tích cực, góp phần thu hút dòng vốn trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn còn nhiều thách thức và bất định... qua đó, tác động đến đời sống người dân, làm giảm sức phục hồi của doanh nghiệp. Trong bối cảnh trên, nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại trong năm 2022 và để thực hiện chương trình công tác năm 2023, ông Phạm Hồng Sơn cho biết, cơ quan quản lý sẽ tích cực, chủ động, triển khai các giải pháp để TTCK phát triển ổn định, hiệu quả.

Lãnh đạo UBCKNN cho biết, nhiệm vụ trọng tâm năm mới, UBCKNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường, trong đó tập trung hoàn thành đề án Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 với mục tiêu chính là phát triển thị trường theo hướng bền vững thông qua việc nâng cao chất lượng hàng hóa và nền tảng cơ sở của thị trường, tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành thị trường. Đồng thời, rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định, nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc.

Cùng với việc tập trung sớm đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới, UBCKNN tiếp tục tái cấu trúc TTCK, tăng cường quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tập trung giám sát, kiểm tra việc cho vay giao dịch ký quỹ là đúng pháp luật, an toàn cho công ty chứng khoán và an toàn bền vững cho dòng tiền trên thị trường.

Bên cạnh đó, song hành với các công tác thông tin tuyên truyền, để tăng cường kỷ cương và sự minh bạch. Ngoài ra, “chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, tổ chức đối thoại thường xuyên giữa cơ quan quản lý với các cơ quản quản lý các nước, các tổ chức quốc tế để có giải pháp, chính sách phù hợp với tình hình thế giới, điều kiện của Việt Nam” – Phó Chủ tịch UBCKNN cho hay.

CÔNG MINH/KTDU 

Từ khóa: