Sự kiện hot
3 năm trước

Giải pháp để thị trường chứng khoán trong nước phát triển ổn định, bền vững

Bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, và định hướng tại Chiến lược Tài chính đến năm 2030, UBCKNN trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì công tác điều hành thị trường theo hướng đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Tại buổi Tọa đàm Đầu tư Tài Chính năm 2022 chuyên đề II: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán, TS Tạ Thanh Bình – Vụ trưởng Vụ Phát hành Thị trường UBCK Nhà nước cho biết, Trong những ngày đầu năm 2022, TTCK Việt Nam tiếp tục có những diễn biến tích cực và đạt mức đỉnh lịch sử mới 1.528,57 điểm vào ngày 06/1/2022. Sau khi đạt mức đỉnh lịch sử, thị trường bước vào giai đoạn diễn biến giằng co và có sự bứt phá mạnh trở lại vào đầu tháng 4 lên mức tiệm cận đỉnh lịch sử 1.524,7 điểm vào ngày 04/4/2022.

Picture 1
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường UBCKNN

Nhưng, trước những diễn biến kinh tế - chính trị phức tạp, thị trường chứng khoán đã trải qua nhịp điều chỉnh giảm mạnh kể từ đầu tháng tư đến ngày 15/6/2022, với 27/49 phiên giảm điểm, trong đó có 5 phiên giảm điểm mạnh nhất với mức giảm trên 4% (ngày 25/4 giảm 4,95%, ngày 9/5 giảm 4,49%, ngày 12/5 giảm 4,82%, ngày 13/5 giảm 4,53%, ngày 13/6 giảm 4,44%).

Tuy vậy TTCK Việt Nam đã có phiên hồi phục trở lại trong 2 tuần cuối tháng 5, đầu tháng 6 nhưng tính đến ngày 15/6, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1213,93 điểm, đã mất 310,77 điểm, tương đương giảm 20,38% so với mức đỉnh được thiết lập ngày 04/4/2022 và giảm 19% so với cuối năm 2021. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.339 nghìn tỷ đồng, giảm 18,4% so với cuối năm 2021, tương đương 75,5% GDP.

Theo TS Tạ Thanh Bình, có nhiều nguyên nhân dẫn đến biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam, có cả trong nước và nước ngoài.

Bà Bình cho rằng, tình hình kinh tế - chính trị thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro tác động đến TTCK. Căng thẳng Nga – Ukraine, chính sách phong toả nghiêm ngặt nhằm đối phó với Covid-19 của Trung Quốc, động thái thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khoá trên thế giới đang làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế; kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại (IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2022 chỉ đạt 3,6%, WB dự báo ở mức 2,9%)...

Còn ở trong nước, trong bối cảnh căng thẳng quốc tế và áp lực lạm phát gia tăng, nhà đầu tư chuyển sang tâm lý thận trọng hơn trong đầu tư, sẵn sàng tâm lý chốt lời nhằm bảo vệ thành quả, tạo nên áp lực bán trên thị trường. Trước áp lực lạm phát gia tăng, nhà đầu tư cũng lo ngại lãi suất khó có thể duy trì ở mức thấp như hiện nay. Tuy Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn đang giữ nguyên mức lãi suất điều hành nhưng mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đã gia tăng trong thời gian qua, thu hút dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, việc kiểm soát các hoạt động đầu cơ trên TTCK, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào các lĩnh vực có tính đầu cơ như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ tuy sẽ giúp thị trường phát triển theo hướng ổn định, lành mạnh, bền vững hơn nhưng cũng tác động đến dòng tiền vào thị trường trái phiếu, TTCK trong ngắn hạn.

Trước các nguyên nhân nêu trên làm ảnh hưởng tới TTCK trong nước, TS Tạ Thanh Bình đã đưa ra những giải pháp để điều hành thị trường Chứng khoán; trước mắt trình Chính Phủ ban hành Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 ; khẩn trương đưa hệ thống công nghệ thông tin KRX vào vận hành, bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn, hiệu quả; rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, nhất là các quy định về minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, thành viên thị trường, các chế tài xử phạt vi phạm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm phát triển một thị trường thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường, tăng cường công tác giám sát, rà soát, nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên TTCK như thao túng chứng khoán, công bố thông tin không đúng sự thật, các hành vi tái phạm, cố tình vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin nhằm đảm bảo TTCK phát triển theo hướng minh bạch và bền vững.

Về các biện pháp lâu dài. TS Tạ Thanh Bình đề nghị, Đẩy mạnh công tác tái cấu trúc TTCK, nâng cao sức canh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiến hành rà soát, phân loại, kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án đối với từng công ty để có biện pháp xử lý phù hợp; nghiên cứu triển khai số hóa các tài sản tài chính trên TTCK, áp dụng các công nghệ tài chính mới, chuẩn hóa hoạt động mở tài khoản trực tuyến, xác thực khách hàng trực tuyến; nâng cao chất lượng và đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ nhân viên hành nghề chứng khoán; khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ trên TTCK triển khai ứng dụng fintech, phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư và sự phát triển của thị trường; phối hợp với đơn vị của Bộ Tài chính để nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng dịch vụ của các tổ chức kiểm toán, thẩm định giá, xếp hạng tín nhiệm...; tăng cường sự tham gia của các định chế, nhà đầu tư chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm...; tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư khi tham gia thị trường; tăng cường thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư để ổn định tâm lý thị trường, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm tham gia huy động và đầu tư trên thị trường vốn; Phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra.

Cũng trong buổi Tọa đàm nhiều nhà đầu tư cũng đã đặt ra câu hỏi, chứng chỉ quỹ ngày càng phổ biến trên thị trường nhưng nhà đầu tư cần lưu ý gì khi tham gia?. Để trả lời cho câu hỏi này bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Nghiên cứu phân tích CTCK VNDirect cho biết, chứng chỉ quỹ là một trong những công cụ đầu tư chuyên nghiệp, giúp cho nhà đầu tư cá nhân không có nhiều thời gian, nhiều kiến thức để được tham gia thị trường.

Picture 2
Bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Nghiên cứu phân tích CTCK VNDirect

Bà Trần Khánh Hiền chia sẻ, ở các nước như Thái Lan hay Malaysia, đây là những thị trường có tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tham gia rất cao và sản phẩm chứng chỉ quỹ của họ cũng rất phát triển. Bởi vì ở đó nhà đầu tư cá nhân sẽ quản lý được sự minh bạch do các công ty quản lý Quỹ thường là những đơn vị có đội ngũ quản lý, phân tích chuyên nghiệp, có thể đánh giá, tham gia, tìm hiểu sâu vào những doanh nghiệp họ đầu tư. Đồng thời có các công bố thông tin thường xuyên. Hầu như hàng tháng, các công ty chứng chỉ quỹ sẽ có thông tin rõ để giúp nhà đầu tư nắm bắt được mình đầu tư vào danh mục như thế nào.

“Mỗi công ty quản lý quỹ đều có chiến lược đầu tư nhất định và mỗi chứng chỉ quỹ đều hướng đến nhóm đối tượng khách hàng cụ thể. Vì thế tôi cho rằng, nhà đầu tư cần phải đọc kỹ thông tin về công ty quản lý quỹ, để xem chiến lược của họ ra sao, có định hướng đầu tư dài hạn hay nhóm cổ phiếu có cổ tức cao, hoặc đầu tư vào những nhóm cổ phiếu đầu ngành, thậm chí có những sản phẩm đầu tư chuyên biệt nghĩa là chỉ chuyên đầu tư vào một vài ngành nhất định.

Nhà đầu tư nên quan tâm đến những chiến lược này nhiều hơn là so sánh xem tỷ lệ lãi suất từ đầu tư chứng chỉ quỹ so với đầu tư trực tiếp trên thị trường. Nhìn lại các đợt biến động của thị trường vừa qua, một số công ty quản lý quỹ vẫn giữ được các chỉ số tốt hơn so với VNIndex, đó cũng là điều mà nhà đầu tư nên quan tâm”, bà Hiền phân tích.

Tiến Hoàng/KDTU

Từ khóa: