Sự kiện hot
4 năm trước

Thị trường Trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm

Theo KBSV, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành 2 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh dưới tác động của Luật và Nghị định.

Mới đây, bộ phận phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã có báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế vĩ mô đối với thị trường trái phiếu tháng 1 và tháng 2 năm 2021.

Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 2 tháng đầu năm tiếp tục giảm mạnh (13.3 nghìn tỷ, giảm 70% so với cùng kỳ) trong bối cảnh Luật chứng khoán 2019 và một số nghị định có hiệu lực từ 1/1/2021 siết chặt hơn về quy định chào bán và giao dịch TP riêng lẻ (trong đó liên quan đến nhà đầu tư).

Nguồn: KBSV

Nguồn: KBSV

Kỳ hạn bình quân phân hóa trong 2 tháng đầu năm. Cụ thể, các doanh nghiệp có xu hướng phát hành với kỳ hạn phân hóa trong 2 tháng đầu năm 2021 với kỳ hạn phát hành bình quân 3.7 năm. Nhóm ngân hàng và điện là 2 nhóm có kỳ hạn phát hành lớn nhất trong tháng, với bình quân đạt 7.0 năm và 12 năm. Nhóm tài chính và xây dựng có kỳ hạn thấp nhất, chỉ đạt 2.9 và 2.6 năm.

Nguồn: KBSV

Nguồn: KBSV

Doanh nghiệp bất động sản và bán lẻ là 2 nhóm có hoạt động phát hành sôi động nhất. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2020, nhóm bất động sản là tổ chức phát hành lớn nhất thị trường và chiếm tới 54.6% tổng giá trị phát hành. Số lượng doanh nghiệp BĐS phát hành thành công là 9 doanh nghiệp, với giá trị phân bổ từ 100 tỷ đến hơn 2,000 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Nhật Quang và Smart Dragon đã huy động thành công 2,150 và 1,900 tỷ đồng cho kỳ hạn 3 năm với tài sản thế chấp đều là dự án Spirit of Saigon.

Doanh nghiệp tài chính trả lãi suất trái phiếu cao nhất thị trường. Cụ thể, một số ít doanh nghiệp công bố lãi suất phát hành, dao động từ 6.0% đến 12%. CTCP Đầu tư và phát triển Công nghiệp Vận tải trả lãi suất thấp nhất, 6.0% cho kỳ hạn 3 năm trong khi Công ty F88, trả lãi suất cao 12.0% cho kỳ hạn 1 năm.

Nguồn: KBSV

Nguồn: KBSV

Hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ sẽ không còn sôi động như năm 2020 do Chính phủ siết chặt điều kiện của nhà đầu tư giao dịch. Cụ thể, sự bùng nổ của thị trường TPDN trong khoảng 2 năm gần đây đã khiến Chính phủ liên tục ban hành những quy định để có thể quản lý chặt chẽ hơn.

Sang năm 2021, các quy định siết chặt điều kiện của nhà phát hành TPDN riêng lẻ tại Nghị định 81/2020/NĐ-CP (dư nợ TPDN ≤ 5 lần vốn chủ; các đợt phát hành cách nhau 6 tháng) đã được gỡ bỏ và thay vào đó, các điều kiện của nhà đầu tư tham giao giao dịch được áp dụng.

Việc quy định điều kiện về nhà đầu tư tham gia giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp với tất cả các loại hình TPDN sẽ làm giảm đáng kể khả năng tiếp cận TPDN của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Cụ thể, xác nhận NĐT chứng khoán chuyên nghiệp là yêu cầu bắt buộc với các giao dịch mua và có hiệu lực trong vòng 1 năm kể từ thời điểm được xác nhận.

Ngoài ra, điều kiện để các NHTM tham gia đầu tư TPDN có thể bị siết chặt khi NHNN đang thực hiện lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD) mua, bán TPDN. Trong đó, TCTD không được mua trái phiếu của tổ chức phát hành có phát sinh nợ xấu trong 12 tháng gần nhất (tại tất cả các TCTD); không được mua lại trái phiếu đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô/đợt với trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng; không được bán TPDN cho các công ty con.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải. 

Tạ Thành

Theo KTDU

Từ khóa: