UBND TP. Hà Nội dự kiến lùi thời hạn hoàn thành dự án đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội sang năm 2027
Theo đó, Tuyến đường thuộc phạm vi Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8km, gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long. Trong đó, đoạn qua địa phận Hà Nội dài 58,2km, Hưng Yên dài 19,3km, Bắc Ninh dài 25,6km và tuyến nối dài 9,7km.
Dự án sẽ được triển khai theo hình thức đầu tư đầu tư công kết hợp đầu tư PPP với sơ bộ tổng mức đầu tư là khoảng 85.813 tỉ đồng.
Với giai đoạn 2021-2025, vốn ngân sách là 42.214 tỉ đồng, gồm 19.383 tỉ đồng ngân sách Trung ương và 22.832 tỉ đồng ngân sách 3 địa phương.
Với giai đoạn 2026-20230, vốn ngân sách là 14.151 tỉ đồng, gồm 8.790 tỉ đồng ngân sách Trung ương và 5.361 tỉ đồng ngân sách địa phương.
Vốn nhà đầu tư tham gia vào dự án là 27.000 tỉ đồng, chiếm 48% tổng mức đầu tư dự án thành phần PPP, lãi vay là 2.357 tỉ đồng.
Tiến độ thực hiện Dự án là từ năm 2022 đến năm 2027, chậm hơn 1 năm so với kế hoạch ban đầu. Việc quyết toán sẽ được thực hiện trong năm 2028.
Nhằm đảm bảo tiến độ dự án được triển khai đúng kế hoạch, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị phân chia dự án thành 7 dự án thành phần và do các địa phương quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện; trình tự, thủ tục thực hiện các dự án thành phần tương tự dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công; giao UBND TP. Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn Dự án.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội đề xuất Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án thành phần trong trường hợp điều chỉnh không làm vượt tổng mức đầu tư Dự án đã được Quốc hội thông qua trước khi người có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án thành phần.
Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để thực hiện dự án, UBND TP. Hà Nội kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép trong giai đoạn triển khai Dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành Dự án.
Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.
Tiến Hoàng/KTDU