Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Thứ hạng ngân hàng ra sao sau kỳ công bố lợi nhuận?

Đáng chú ý nhất trong kỳ báo cáo này là sự vươn lên của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khi soán ngôi quán quân về lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Khách hàng giao dịch tại VPBank. Ảnh: BNEWS phát

Theo kết quả kinh doanh quý I/2022 được các ngân hàng công bố, hầu hết đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước, thậm chí có ngân hàng còn tăng gấp vài lần. Tuy vậy, vẫn có ngân hàng báo lãi sụt giảm so với quý đầu năm 2021.
Đáng chú ý nhất trong kỳ báo cáo tài chính này là sự vươn lên của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khi soán ngôi quán quân về lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Cụ thể, VPBank sau 3 tháng đầu năm đạt lợi nhuận trước thuế 11.146 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần cùng kỳ năm trước, dẫn đầu toàn ngành. Trong khi đó, Vietcombank với lợi nhuận trước thuế 9.950 tỷ đồng, tăng trưởng 15%, tạm lui về vị trí á quân trên bảng xếp hạng lợi nhuận kỳ này.

Mức lợi nhuận tăng đột biến của VPBank một phần đến từ khoản phí trả trước của thỏa thuận bảo hiểm độc quyền với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA. Trong quý tới, khi VPBank không còn khoản thu nhập bất thường, rất có thể, ngôi đầu bảng sẽ lại trở về với Vietcombank.
Xét trên mục tiêu lợi nhuận cả năm khoảng 30.000 tỷ đồng thì đến nay, VPBank đã hoàn thành hơn 1/3 kế hoạch. Theo ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank, lợi nhuận của VPBank rất đa dạng: thu từ phí, hoạt động dịch vụ... Do đó, dù tăng trưởng tín dụng có được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt ở mức 35% hay không thì ban điều hành vẫn sẽ cố gắng và cam kết hoàn thành mục tiêu lợi nhuận gần 30.000 tỷ đồng.
Một ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận "khủng" khác trong quý vừa qua phải kể tới Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Theo đó, lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý I của Eximbank đạt hơn 809 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ năm 2021. Trong đó, lãi thuần từ nhiều hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng mạnh cộng thêm với việc giảm được hơn một nửa chi phí dự phòng là những yếu tố chính giúp Eximbank bứt tốc lợi nhuận.
Cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao trong quý đầu năm còn có Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) với lợi nhuận trước thuế tăng 171%, đạt hơn 339 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tăng 94%, đạt 3.226 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tăng 87%, đạt 1.306 tỷ đồng.
Kế đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng tăng trưởng lợi nhuận tới 70%, đạt mức 2.424 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) tăng 69%, đạt 98,8 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tăng 61%, đạt 1.795 tỷ đồng...
Xét về con số tuyệt đối, top 5 ngân hàng lãi đậm nhất trong quý I/2022, ngoài VPBank và Vietcombank còn có Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 6.785 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) với 5.909 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) với 5.822 tỷ đồng.

Khách hàng giao dịch tại VietinBank. Ảnh: BNEWS phát

Tuy vẫn nằm trong top 5 ngân hàng lợi nhuận cao nhất kỳ nhưng VietinBank lại là 1 trong số ít các ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng âm trong quý vừa qua. Theo đó, với hơn 5.800 tỷ đồng, lợi nhuận VietinBank giảm tới gần 28% so với cùng kỳ. Nguyên nhân của sự sụt giảm này chủ yếu đến từ việc ngân hàng đã tăng gấp 3 lần dự phòng rủi ro.
Chia sẻ tại Đại hội cổ đông vừa qua, lãnh đạo VietinBank cho biết sẽ cân đối giữa việc tạo ra hiệu quả, đảm bảo lợi nhuận tốt làm tiền đề tăng vốn điều lệ nhưng cũng sẽ tiếp tục tăng cường trích lập dự phòng, dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng hoặc cao hơn. Khoản dự phòng này nhằm gia tăng bộ đệm, đẩy tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên cao hơn. Đồng thời cũng là của để dành, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngân hàng.
Tương tự, việc mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý I sụt giảm so với cùng kỳ tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) và Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).
Riêng tại Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), lợi nhuận trước thuế lao dốc đến 82% so với quý I/2021. Lý do là bởi đầu năm 2021, Kienlongbank ghi nhận khoản thu đột biến từ xử lý được khối tài sản bảo đảm là lượng lớn cổ phiếu STB của Sacombank.
Tính đến nay, tổng lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính đạt hơn 85.000 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước./.

Lê Phương
Theo bnews.vn

Từ khóa: