Ngày 16/02, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức Lễ khởi công dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung. Đây vốn là nơi làm việc và sinh hoạt của hai vị vua cuối cùng của triều Nguyễn là Khải Định và Bảo Đại.
Phát biểu tại buổi lễ, TS.Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Điện Kiến Trung là một cung điện quan trọng trong hệ thống các cung điện của triều Nguyễn, được xây dựng vào năm 1921 đến năm 1923 dưới triều vua Khải Định. Năm 1932, vua Bảo Đại (1925 - 1945) đã cho cải tạo lại nội thất, lắp đặt thêm các tiện nghi Tây phương, còn phần ngoại thất vẫn giữ nguyên. Từ đó, điện Kiến Trung trở thành nơi ở của cả gia đình nhà vua.
Quy mô đầu tư tu bổ, phục hồi và tôn tạo bao gồm toàn bộ các hạng mục công trình trong khuôn viên Điện Kiến Trung như Tu bổ tổng thể: tường bao nền, hệ thống lan can, sân khuôn viên gồm Tiền Viên và Hậu Viên, các bậc cấp; Tu bổ phục hồi lầu Kiến Trung (Kiến Trung Lâu) 02 tầng, chiều cao khoảng 14m, diện tích xây dựng khoảng 975m2; Các công trình nhỏ xung quanh: Đôn gạch, đài phun nước, súng thần công, nhà canh; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh; Bảo tồn nền móng Đông Cung Lâu, Ngự Thư Phòng, Võ Hộ Giá Phòng và Ngự Phê Phòng.
Điện Kiến Trung có đầy đủ những đặc điểm của một công trình phong cách Đông Dương với sự kết hợp giữa Á và Âu gồm kiến trúc Pháp, kiến trúc phục hưng của Ý pha trộn kiến trúc truyền thống Việt Nam. Trên hình khối bố cục đậm chất châu Âu, điện Kiến Trung được tô điểm bởi các chi tiết trang trí hoa văn, họa tiết, con giống mang đâm bản sắc của họa tiết cung đình, tạo nên xu hướng thẩm mỹ đặc trưng đánh dấu một giai đoạn kiến trúc độc đáo và đặc sắc bổ sung cho kiến trúc cung đình Huế.
Dự án có tổng mức đầu tư: 123,788.tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu phát triển văn hoá và các nguồn huy động hợp pháp khác. Dự kiến hoàn thành vào năm 2022.
Quốc Dũng
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng