Sự kiện hot
12 năm trước

Tình yêu cứu rỗi cuộc đời kẻ sát nhân rời trại giam thành ông chủ

Với bản án chung thân, cánh cửa tương lai tưởng chừng đã khép hẳn với Lê Văn Chiến. Nhưng ở tận cùng nỗi tuyệt vọng, trái tim của kẻ mang tội giết người bất ngờ được thức tỉnh bởi một tình yêu diệu kỳ.

Với bản án chung thân, cánh cửa tương lai tưởng chừng đã khép hẳn với Lê Văn Chiến. Nhưng ở tận cùng nỗi tuyệt vọng, trái tim của kẻ mang tội giết người bất ngờ được thức tỉnh bởi một tình yêu diệu kỳ.


Một số tác phẩm Lê Văn Chiến dày công làm ra.

Vượt qua quá khứ tội lỗi, Chiến cải tạo tốt, trở với cuộc sống đời thường và quyết định làm lại cuộc đời. Anh thừa nhận, chính tình yêu và sự cảm thông của người vợ đã cứu cuộc đời anh, đưa bước chân anh từ bóng đêm bước ra ánh sáng.

Thu mình trong bóng đêm tội lỗi

Gần 20 năm về trước, Lê Văn Chiến (SN 1973), xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình đã phải lãnh mức án tù chung thân về tội giết người. Tội ác Chiến gây ra không những là nỗi đau tột cùng của gia đình nạn nhân, mà nó còn là sự tủi nhục của chính gia đình mình. Người thân của anh gần như suy sụp hoàn toàn, các em xấu hổ với bạn bè vì có một người anh mang trọng tội giết người. Ngày bước chân vào trại giam Gia Trung (Gia Lai), Chiến nghĩ rằng con đường trở về quê nhà, gặp lại các em là điều quá xa vời. Và hơn thế, với mức án mang theo, Chiến coi như tương lai của mình đã khép chặt.

"Biết anh ấy mới ra tù, nhưng tôi nhìn được tình yêu chân thành và khao khát hoàn lương trong tâm thức của anh lúc đó. Vẫn biết là cực, sẽ chịu thiệt thòi nhiều nhưng nếu lúc đó tôi chối bỏ tình cảm của anh thì đến giờ này hẳn không biết anh sẽ như thế nào”.

Thời gian đầu trong tù, Chiến luôn xem mọi thứ xung quanh là một vệt dài tăm tối. Thất vọng, chán nản, mặc cảm với quá khứ tội lỗi, Chiến tự tạo vỏ bọc và sống thu mình, lánh xa mọi người. Thế nhưng thẳm sâu trong trái tim, người đàn ông lầm lỗi luôn khát khao được làm lại cuộc đời. Ở trại giam, Chiến được các cán bộ hướng dẫn cách làm đồ gỗ mỹ nghệ, Chiến nhận việc làm quần quật để giết thời gian và quên đi quá khứ tội lỗi. Nhờ chịu khó, cộng chút tài hoa bẩm sinh, chỉ trong thời gian ngắn, anh đã khiến nhiều người phải kinh ngạc về những sản phẩm do mình làm ra. Cũng từ đây, anh dần tìm thấy ý nghĩa cuộc sống qua những tác phẩm nghệ thuật đầy tính nhân văn sâu sắc.

Và rồi, cái ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời anh đã đến. Tháng 2/2009, sau 14 năm 8 tháng cải tạo trong nhà giam, Lê Văn Chiến đã nhận được sự khoan hồng của pháp luật. “Hôm biết tin mình nằm trong danh sách những người được hưởng đặc xá, tôi khóc vì vui mừng”, anh Chiến nhớ lại. Ngày bước chân ra khỏi cổng trại giam, khác với một số bạn tù được đặc xá có người thân đến đón, Chiến lặng lẽ khoác ba lô rồi một mình bắt xe về mảnh đất miền Trung, nơi gia đình anh đang sinh sống. “Lúc xuống xe, tôi không thể nhớ chính xác vị trí ngôi nhà mình lúc xưa, cảnh vật sau hơn 14 năm thay đổi quá nhiều. Sau một hồi bơ vơ giữa con đường làng mới được bê tông hóa, tôi thấy gia đình đang đứng đợi”, Chiến hồi nhớ lại ký ức năm xưa.

Ngày trở về, việc bước chân ra xã hội, tái hòa nhập cuộc sống đối với Chiến là điều không hề dễ. Lúc đó, phần vì do bản thân luôn tự ti, mặc cảm, phần vì sợ những ánh mắt kỳ thị, xét nét của bà con lối xóm anh không dám bước chân ra ngoài. “Mỗi khi ra đường, tôi lại nghe người ta nói to, nói nhỏ, trong mắt họ tôi mãi là một kẻ mang tội giết người. Trong khi đó, bạn bè cùng trang lứa với tôi đã thành đạt, nhiều người nhìn tôi với ánh mắt thương hại. Tôi tự nhủ sai lầm đã lấy đi của tôi quá nhiều, giờ là lúc tôi phải chuộc lại những gì đã mất. Chỉ có cách đi lên từ mồ hôi, công sức, sống có ích mới có thể thay đổi được ý nghĩ mọi người”, Chiến nói. May thay, những lời động viên của gia đình, sự quan tâm động viên của chính quyền địa phương đã giúp Chiến dần lấy lại niềm tin nơi bản thân.

Suy nghĩ là vậy, nhưng từ quyết tâm đến thực tiễn hoàn toàn không dễ dàng. Với hai bàn tay trắng, mình sẽ phải bắt đầu bằng cách nào? Nhiều đêm thức trắng với bao trằn trọc nghĩ suy, thế rồi, Chiến chợt thấy một ý tưởng chợt lóe sáng trong đầu: “Sao mình không dùng cái nghề đã học trong trại giam để kiếm sống”. Ngay sáng hôm sau thức dậy, Chiến đã tìm đến một số cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ để xin vào làm công, vừa để kiếm tiền, vừa nâng cao tay nghề cho mình. Thế nhưng, mọi chuyện không đơn giản như anh nghĩ, rất nhiều cơ sở đã từ chối thẳng thừng khi biết quá khứ của anh. Buồn, tủi nhục nhưng anh không cho phép mình bỏ cuộc. Cuối cùng, hạnh phúc cũng mỉm cười với anh, khi một doanh nghiệp đã đồng ý nhận vào làm công nhân sau 3 ngày kiểm tra tay nghề.

Hạnh phúc nở hoa

Mừng rỡ như được “tái sinh”, Chiến say mê lao vào công việc. Nhờ quyết tâm và đôi bàn tay tài hoa, những sản phẩm anh làm ra khiến nhiều người phải trầm trồ thán phục. Ngoài thời gian làm chính, Chiến còn nhận làm theo sự đặt hàng của người quen. Hai tác phẩm đầu tay, được đánh giá cao mà đến bây giờ anh vẫn giữ làm kỷ niệm đó là “Lương tri” và “Anh hùng tương ngộ”.


Niềm hạnh phúc lớn trong anh là có được người vợ hiền.

Thế nhưng như anh nói, cuộc đời anh may mắn nhất là gặp và lấy được người vợ rất mực yêu thương, giàu đức hi sinh, sẵn sàng vượt qua sựu dè bỉu của dư luận, cùng san cơm sẻ áo với anh trong cuộc sống. Đó là chị Nguyễn Thị Nguyệt, kém anh 13 tuổi, người con gái xinh đẹp nổi tiếng trong vùng. Nhắc đến người vợ, ánh mắt anh bỗng sáng lên, miệng nở nụ cười hãnh diện. “Tôi có được cơ ngơi nhà cửa, sự nghiệp và gia đình như ngày hôm nay là nhờ một phần rất lớn từ cô ấy”, Chiến nói.

Như anh kể, ngày gặp chị Nguyệt đó là thời điểm anh rơi vào khó khăn nhất. Khi đó, sau một vài tác phẩm được mọi người biết tới, Chiến quyết định ra riêng, mở một cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ. Anh mượn tạm cái sân của gia đình mình làm mặt bằng để sản xuất. Thời gian này, công việc mới bắt đầu, nhiều người vẫn nhìn anh với ánh mắt kỳ thị, thế nhưng Nguyệt lại hoàn toàn khác. “Vào một buổi tối, tôi theo chân người em họ lên nhà Nguyệt chơi. Lúc mới đến nhà, tôi nhận ra ánh mắt khó chịu của cha mẹ cô ấy. Dù mới gặp nhau, nhưng tôi không hề dấu giếm quá khứ của mình. Thế nhưng, khác với suy nghĩ của tôi, Nguyệt không hề e dè mà vẫn tiếp chuyện bình thường, thậm chí là cởi mở hơn”, anh tâm sự.

Sau lần gặp gỡ đó, những tin nhắn hai người dành cho nhau càng nhiều hơn. Chính Nguyệt là người luôn ở bên động viên anh những lúc khó khăn nhất, dành cho anh sự quan tâm, và những tình cảm ngọt ngào nhất. Cũng nhờ có nguồn động viên lớn lao của Nguyệt, anh không ngừng vươn lên. Chỉ trong một thời gian ngắn, anh nhanh chóng tìm được đầu ra cho các sản phẩm cơ sở mình. Ngoài việc thu nhập cả chục triệu đồng mỗi tháng, anh còn tạo cơ hội cho ba thanh niên khác có công việc ổn định, trong đó có anh Thiết, ở Lệ Thủy, người bạn một thời cùng ở trong trại giam Gia Trung. Những sản phẩm điêu khắc mỹ nghệ do Chiến làm ra luôn có giá trị về nghệ thuật cao nên được khách hàng ưa chuộng. Sức mạnh tình yêu, thực sự đã cổ vũ, giúp anh tìm lại ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Thế nhưng, tình yêu chân thành của hai người ban đầu không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”. Biết anh từng ở tù vì tội giết người, gia đình Nguyệt một mực phản đối chuyện quan hệ của hai người. “Tôi hiểu cảm giác của gia đình Nguyệt, cô ấy còn trẻ lại giỏi giang, còn tôi là một người mới từ nhà tù bước ra, không có gì ngoài hai bàn tay trắng thì ai dám gả con gái của mình?”, Chiến nói từ đáy lòng mình. Vượt qua mọi rào cản, Nguyệt vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Tình yêu chân thành của anh cuối cùng đã làm cảm động cả gia đình Nguyệt. Tháng 10/2009, hai người chính thức làm lễ cưới nên duyên vợ chồng trước niềm hạnh phúc hai gia đình, xen lẫn sự dè bỉu và dị nghị của người đời.

Sau 4 năm trở về từ hai bàn tay trắng, đến giờ phút hiện tại, Lê Văn Chiến đã có được những điều mà nhiều người không dám mơ tới. Đó là công việc ổn định, căn nhà mới khang trang với đầy đủ tiện nghi, người vợ xinh đẹp tài giỏi và cô con gái 3 tuổi kháu khỉnh. Nhưng giá trị hơn cả là Chiến đã lấy lại lòng tin từ mọi người để họ phải công nhận tài năng, nghị lực và khao khát hoàn lương của anh.

Tấm gương tiêu biểu

Ông Lê Văn Chiến, Trưởng Công an xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch chia sẻ: “Ngoài gương sáng người hoàn lương vươn lên làm giàu tại quê hương, Chiến còn là gương thanh niên xung kích tiêu biểu trong công tác đảm bảo ANTT địa phương. Anh còn là tấm gương tiêu biểu cho khao khát hoàn lương, trở thành người có ích cho xã hội”.

Kim Long
theo Gia đình

Từ khóa: