Sự kiện hot
3 năm trước

Tốc độ tăng trưởng lãi dự thu tại ngân hàng năm 2021 biến động ra sao?

Ngân hàng báo lãi lớn, song lãi dự thu, một trong những nguồn lãi ảo của các ngân hàng như MBBank, Saigonbank,... cũng đang tăng nhanh.

Đến thời điểm này, các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính năm 2021. Bên cạnh con số lợi nhuận tăng trưởng mạnh, đáng lưu ý lãi dự thu, nợ xấu của nhiều nhà băng cũng tăng mạnh.

Theo quy định, tất cả những khoản dư nợ nhóm 1 là nợ đủ chuẩn và có khả năng trả được cả gốc và lãi nên phần lãi suất của khách hàng chưa thu sẽ được ghi nhận vào dự thu, được tính vào thu nhập của ngân hàng. Khi tính kết quả kinh doanh của ngân hàng, trong các nguồn thu có cả khoản dự thu. Ngân hàng phân loại nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Những khoản nợ có lãi đến kỳ nhưng khách hàng chưa trả được và xin cơ cấu lại khoản lãi thì phải xem xét chuyển nhóm, đồng thời loại khỏi lãi dự thu. Do đó, lãi dự thu như thước đo đánh giá chất lượng tín dụng của các ngân hàng khi phản ánh đúng khả năng thanh toán lãi của khách hàng.

Ở những ngân hàng quy mô lớn đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng lãi dự thu cao so với năm 2020.

Đơn cử, năm 2021 lãi dự thu tại MBBank tăng 22% so với năm 2020, lên mức 4.599 tỷ đồng. Lãi dự thu tại Techcombank tăng 12% lên gần 5.808 tỷ đồng. Tại TPBank tăng 15% lên hơn 1.935 tỷ đồng; Vietinbank tăng 26% lên hơn 9.853 tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng lãi dự thu tại ngân hàng năm 2021 biến động ra sao? - Ảnh 1

Bên cạnh đó, nhiều nhà băng quy mô nhỏ hơn cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng lãi dự thu cao như Saigonbank tăng đến 34% lên mức gần 259 tỷ đồng; ngân hàng Quốc Dân ghi nhận hơn 1.981 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước; Nam A Bank tăng 7% ghi nhận hơn 2.811 tỷ đồng;…

Lãi dự thu được xem như một nguồn lãi ảo của các ngân hàng vì có thể được ghi nhận vào lợi nhuận khi trên thực tế chưa có tiền thu về. Với con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của các nhà băng lại càng cao, chỉ cần một điều chỉnh nhỏ cũng có thể khiến lợi nhuận tăng vọt.

Tốc độ tăng trưởng lãi dự thu tại ngân hàng năm 2021 biến động ra sao? - Ảnh 2

Đáng nói, nợ xấu tính đến cuối năm 2021 tiếp tục tăng so với đầu năm trong bối cảnh lợi nhuận ngân hàng báo về tăng trưởng tốt.

Đơn cử tại Techcombank, lợi nhuận trước thuế tăng 47%, đạt hơn 23.238 tỷ đồng, lãi dự thu tăng, nợ xấu tính đến ngày 31/12/2021 cũng tăng đến 77% so với đầu năm, chiếm đến 2.294 tỷ đồng.

Tương tự tại Nam A Bank, lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng 70%, thu về hơn 1.799 tỷ đồng, vượt 29% so với kế hoạch lãi trước thuế 1.400 tỷ đồng đã đặt ra cho cả năm 2021. Lãi dự thu tăng, nợ xấu cũng bất ngờ tăng vọt 117% so với đầu năm, lên mức 1.613 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, các ngân hàng có lãi dự thu 2021 sụt giảm so với năm 2020 gồm: Seabank giảm 35%, KienLongBank giảm 39%, PGBank giảm 25%. 

Hiện Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các Thông tư 01, 03, 14, trong đó quy định, khoản nợ cơ cấu phải loại khỏi dự thu. Theo đó, bản chất lãi dự thu hiện nay là những khoản nợ đủ tiêu chuẩn, hạch toán theo đúng quy định của pháp luật, không phải tiềm ẩn. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến khách hàng chịu ảnh hưởng và ngân hàng cũng liên đới nên dẫn đến khả năng chưa đảm bảo 100% thu được lãi để đưa vào thu nhập.

Do đó, lãi dự thu như con dao hai lưỡi, lợi nhuận được đẩy lên cao nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn rủi ro nếu ngân hàng không thể thu được các khoản dự lãi.

Hà Phương
Theo Sở hữu trí tuệ

Từ khóa: