Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa công bố báo cáo doanh thu hợp nhất 6 tháng đạt trên 4.500 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2023. Đây là mức doanh thu bán niên kỷ lục của VNR và cao hơn mức thu cả năm của giai đoạn 2019-2021. Trung bình mỗi ngày, công ty ghi nhận hơn 24,7 tỷ đồng.
Cụ thể, ban lãnh đạo VNR cho biết, sản lượng vận tải hành khách 6 tháng tăng gần 21% so với cùng kỳ. Tính riêng dịp Tết, ngành đường sắt đã bán 650.000 vé tàu, thu về gần 401 tỷ đồng, cao hơn 7,5% so với cùng kỳ.
VNR đã đưa vào khai thác các đôi tàu có tính chuyên biệt như tàu "kết nối di sản" tuyến Huế - Đà Nẵng, "hành trình tàu đêm Đà Lạt" hay các đoàn tàu thuê bao nguyên đoàn (charter) với hành trình, dịch vụ theo yêu cầu của bên đặt hàng.
Cùng với đó, các đoàn tàu thuê bao nguyên đoàn (charter) với hành trình và các dịch vụ theo yêu cầu của bên đặt hàng cũng đắt khách.
Về vận tải hàng hóa, ngành đường sắt tổ chức khai thác các luồng hàng mới, tạo điều kiện gia tăng giá trị dịch vụ; thực hiện các giải pháp nâng cao sản lượng vận tải hàng liên vận quốc tế bằng đường sắt.
VNR cũng thực hiện các giải pháp nâng cao sản lượng vận tải hàng quốc tế như khai thác thêm các sản phẩm vận tải liên vận Việt Nam - Trung Quốc; vận chuyển hàng quá cảnh qua Trung Quốc đến Nga, châu Âu, Mông Cổ và Trung Á.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, ngành đường sắt ghi nhận hai sự cố lớn gồm sụt lở đất đá trên đỉnh hầm Bãi Gió và hầm Chí Thạnh, làm ách tắc tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Ảnh hưởng từ sự cố dẫn đến chi phí phát sinh để khắc phục và thiệt hại gián tiếp hơn 106 tỷ đồng.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gồm 25 công ty con, 17 đơn vị trực thuộc và 8 doanh nghiệp liên doanh, liên kết. VNR được Nhà nước giao quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt tổng chiều dài 3.143 km, gồm 15 tuyến đi qua 34 tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam.
Trong hệ sinh thái của VNR, Đường sắt Hà Nội (HRT) và Đường sắt Sài Gòn (SRT) là hai thành viên có quy mô lớn nhất. Năm ngoái, sức khỏe tài chính của hai đơn vị này cho thấy nhiều dấu hiệu khởi sắc, với mức lãi lần lượt là 14 tỷ và 11 tỷ đồng.
Sang quý đầu năm nay, HRT và SRT đều kinh doanh thuận lợi, báo lãi gấp 3 lần kế hoạch năm nhờ nhu cầu đi lại tăng cao. Thời gian tới, hai công ty này sẽ hợp nhất sau khi đã được đại hội cổ đông đồng ý. Cả hai đang triển khai các thủ tục cho quá trình này.
về phương hướng kinh doanh trong 6 tháng cuối năm, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh, tổng công ty đã triển khai thực hiện cơ cấu lại bộ máy.
Trong đó, lĩnh vực vận tải, tổng công ty đã xây dựng xong phương án hợp nhất hai công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn thành một công ty vận tải đường sắt. Đại hội cổ đông của hai công ty đã thông qua nội dung liên quan đến hợp nhất công ty và hội đồng quản trị hai công ty đã có quyết định thông qua nội dung và ký kết hợp đồng hợp nhất. Hiện hai công ty đang triển khai các thủ tục tiến tới hợp nhất.
Trước đó, ngày 26/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 562/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025.
Dồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh nửa cuối năm, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các công ty vận tải tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đặc biệt lưu ý các giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại mà khách hàng phản ánh như: chất lượng vệ sinh toa xe, trang thiết bị phục vụ hành khách với các tàu lập thêm; chất lượng điều hòa toa xe...
Tiến Hoàng/KTDU