Sự kiện hot
12 năm trước

Trắng đêm soi đèn pin, săn nhái mưu sinh

Trời vừa sụp tối cũng là lúc dân nghèo ven Xẻo Sâu (ấp Bình An 1, xã An Hòa, huyện Châu Thành-An Giang) bắt đầu cho cuộc hành trình thâu đêm căng mắt trên đồng để soi nhái mưu sinh.

Trời vừa sụp tối cũng là lúc dân nghèo ven Xẻo Sâu (ấp Bình An 1, xã An Hòa, huyện Châu Thành-An Giang) bắt đầu cho cuộc hành trình thâu đêm căng mắt trên đồng để soi nhái mưu sinh.

Khoảng 5h chiều, mặc dù mưa lắc rắc, nhưng chúng tôi vẫn quyết định có mặt tại cầu ông Quýt để kịp theo chân những người đi soi nhái. Với bộ đồ nghề gồm chiếc bình ắc-quy, đèn soi, rọng sắt và cây chụp, trên chiếc xe đạp cà tàng, hàng chục người chạy sâu vào các cánh đồng thuộc địa bàn xã Bình Mỹ, Bình Thủy (Châu Phú). Người nào có xe Honda thì đến xa hơn… Khi đến nơi, mỗi người mỗi hướng cho chuyến mưu sinh đầy may rủi và thử thách.

Anh Phát khoe chiến lợi phẩm trong đêm.

Trong số những người soi nhái, anh Lê Văn Phát (31 tuổi) là một tay “sát” nhái. Trên cánh đồng vừa thu hoạch lúa hè thu, anh Phát chỉ cần rảo một vòng là chiếc rọng đã rủng rỉnh ếch, nhái.

Có đi theo những người soi nhái, mới thấy được cái tài quan sát của họ. Chỉ cần một cú lướt đèn soi qua gốc rạ hoặc bụi rậm, họ cũng có thể phát hiện một cách chính xác nơi ẩn nấp của ếch, nhái. Ngoắt chiếc đèn soi sang bờ mẫu để chụp con nhái cơm ngồi gọn dưới gốc rạ, anh Phát bảo rằng: “Nhái cơm khôn dữ lắm, khi nghe tiếng động là nằm thu gọn một chỗ. Nhiều con có màu da tiệp với màu cây cỏ nên lắm lúc cũng không thấy.

Lúc đầu, mới vào nghề chưa am hiểu về đặc tính của con nhái nên chúng tôi ráp chiếc đèn ắc-quy có ánh sáng trắng bắt mỗi đêm chỉ được chừng ký. Nhưng chỉ cần chỉnh chiếc đèn có ánh sáng đỏ và để ý chút xíu là sẽ bắt được nhiều. Bởi trong quá trình săn tìm, ánh đèn đỏ lướt qua sẽ tương phản với mắt nhái; nếu nhái cơm thì tròng mắt màu trắng, còn mắt ếch màu hơi đỏ và mắt cóc thì có màu đỏ bằm…”.

Còn ông Trần Văn Hiệp, một tay soi ếch có tiếng cho biết: “Muốn bắt được nhiều phải biết nhìn trời. Nếu trời sáng trăng thì nên ở nhà, còn hôm nào gặp mưa buổi chiều thì hôm đó trúng mánh. Thời điểm này, ếch nhái bắt cặp dữ lắm! Một vũng nước xăm xắp mắt cá chân có khi bắt được cả ký nhái. Đêm nào bắt được nhiều, anh em lội bộ cả chục cây số mà chẳng ngán tí nào. Nếu gặp mưa giữa chừng thì kiếm trại vịt đục lại, chừng nào ngớt hạt thì đi tiếp…”.

Lượm lặt từng con nhái trong đêm.

Tuy nhiên, đâu phải lúc nào cũng gặp thuận lợi, nhiều lúc cũng chẳng bắt được con nào do nguồn nhái tự nhiên cạn kiệt. “Nhiều đêm đi cả chục nơi mà chẳng thấy nhái. Hôm nào, soi trúng thì được 4-5kg, còn trung bình khoảng 2-3kg bán xô với giá 21.000 đồng/kg.

Vài năm gần đây, trong nhà hàng, quán nhậu, món khô nhái cũng được kê trong thực đơn với cái tên khá kêu: “Vũ nữ chân dài”, do đó nhái cũng được tiêu thụ mạnh. Em dâu của tôi cũng mua nhái loại lớn làm thịt phơi khô cung cấp cho nhà hàng. Một ký rưỡi nhái sống khi làm khô hao hụt còn lại khoảng 300gram. Mỗi ký nhái khô được nhà hàng thu mua với giá 200.000 đồng. Ngoài cung cấp cho nhà hàng phục vụ thực khách, nhái còn được bán phóng sinh”, ông Hiệp nói.

Những người soi nhái ở đây cho biết, nghề soi nhái ở xã An Hòa đã tồn tại cách đây hàng chục năm và có đến cả trăm hộ mưu sinh bằng nghề này. Đa số đều khó khăn, nhiều gia đình sống bằng nghề soi nhái theo kiểu cha truyền con nối.

Ông Trần Văn Hiệp cũng là một trong nhiều người có thâm niên trong nghề trầm ngâm: “Thằng Chí Tâm nhà tôi được 15 tuổi đã nghỉ học từ năm lớp 3. Cũng muốn cho nó học lắm chứ nhưng do gia đình không đủ khả năng đành để con nghỉ học. Mỗi ngày hai cha con soi khoảng 5-6kg kiếm cũng được vài trăm ngàn đồng.

Còn hôm nào soi không có nhái đành phải mượn đỡ tiền bên ngoài để chạy gạo. Nghề này hễ ngày nào gác rọng là ngày đó xem như đói, chứ có dư dả gì chú em ơi!”.

Trời càng về đêm không gian đặc lại. Tiếng ếch nhái kêu ộp oạp râm ran cộng với cái lạnh đêm sương, tôi thực sự cảm nhận hết nỗi vất vả của những người soi nhái.

Theo An Giang

Từ khóa: