Sự kiện hot
9 tháng trước

Trong năm 2024 Bộ Xây dựng đặt mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà xã hội

Phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân vừa là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là một giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc chủ động, trách nhiệm của các bộ, ngành, Trung ương và đặc biệt là các địa phương, việc thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” đã đạt được kết quả tích cực.

Đến năm 2025, Hải Phòng cần bổ sung 1,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội
Trong năm 2024 Bộ Xây dựng đặt mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà xã hội.

Đến nay, cả nước đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390 ha làm NƠXH, tăng thêm 5.031 ha so với năm 2020. Kết quả triển khai thực hiện dự án NƠXH, trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023, trên địa bàn cả nước có 499 dự án NƠXH đã được triển khai với quy mô hơn 411.250 căn.

Trong đó, đã hoàn thành 71 dự án với quy mô 37.868 căn; khởi công xây dựng 127 dự án với quy mô hơn 107.896 căn; được chấp thuận chủ trương đầu tư 301 dự án với quy mô khoảng 265.486 căn.

Đối với việc phát triển nhà ở xã hội, so với mục tiêu đến năm 2025 của đề án xây một triệu căn nhà xã hội, Hà Nội mới phát triển 1.700 căn, đáp ứng 9% mục tiêu, TP. HCM đáp ứng 19% với gần 5.000 căn. Đây cũng là địa phương đăng ký hoàn thành nhà xã hội trong năm 2024 ở mức thấp, Hà Nội (gần 1.200 căn), TP. HCM (gần 3.800 căn).

Bên cạnh đó, có nhiều địa phương tích cực thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công dự án nhà xã hội. Có 6 địa phương có nhiều dự án NOXH được khởi công xây dựng như: Bắc Ninh 15 dự án, 10.500 căn; Bắc Giang 5 dự án, 12.475 căn; Thanh Hóa 9 dự án, 4.948 căn; Đồng Nai 8 dự án 9.074 căn; Bình Dương 7 dự án, 6.557 căn; Hải Phòng 7 dự án, 11.678 căn.

Một số địa phương không có dự án khởi công trong giai đoạn này như: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Quảng Bình, Phú Yên, Kon Tum, Đắck Nông, Gia Lai, Ninh Thuận, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là một giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Việc này không chỉ góp phần tạo nguồn cung, mà còn tái cơ cấu lại thị trường bất động sản, cân đối trong cơ cấu sản phẩm (nhất là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá phù hợp cho người thu nhập thấp và trung bình hiện nay).

Vì vậy trong năm 2024, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật, nhất là các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Nhà ở (sửa đổi) và các pháp luật khác có liên quan; tháo gỡ vướng mắc về đất đai, trong đó lưu ý tới vấn đề quy hoạch quỹ đất, giải phóng mặt bằng và các thủ tục khác về đất đai.

“Cùng với đó là việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo đơn giản các quy trình, thúc đẩy về đầu tư, quy hoạch, xây dựng để nhanh chóng triển khai các dự án phát triển nhà ở xã hội,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Sắp diễn ra Hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng chủ trì

Về việc áp dụng nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu hơn 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá việc giải ngân còn rất chậm. Đến thời điểm hiện tại, gói 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được 0,3% với gần 415 tỷ cho 6 dự án nhà xã hội tại 5 địa phương.

Nguyên nhân được Bộ Xây dựng chỉ ra là chính sách phát triển nhà xã hội chưa được sửa đổi kịp thời, dẫn đến nhiều hạn chế như thiếu quỹ đất, nguồn vốn tín dụng còn hạn hẹp, thời gian thực hiện kéo dài. Dù các luật sửa đổi như Luật Nhà ở, Kinh doanh bất động sản đã được thông qua nhưng đến đầu năm 2025 mới được thi hành. Do đó những ưu đãi cho chủ đầu tư hay việc đơn giản hóa các thủ tục vẫn chưa được áp dụng.

Về việc gói 120.000 tỷ đồng chưa giải ngân hiệu quả, Bộ cho hay nhiều chủ đầu tư chưa đảm bảo điều kiện và địa phương chưa công bố danh mục dự án. Thời gian vay ngắn hạn, chỉ trong hai năm 2022-2023 khiến các nhà đầu tư chưa thực sự mặn mà.

Bộ Xây dựng cho biết sẽ đôn đốc các địa phương hoàn thành 130.000 căn nhà xã hội trong năm 2024. Bộ cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng mỗi bộ phát triển 5.000 căn trong năm nay, còn Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phấn đấu xây 2.000 căn.

Đồng thời, tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, miễn tiền sử dụng đất, quy hoạch, dành quỹ đất, phát triển nhà ở lưu trú công nhân; Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ để thúc đẩy phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân; tổ chức làm việc với một số địa phương trọng điểm về NƠXH để tháo gỡ khó khăn và đôn đốc hoàn thành mục tiêu đề ra.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: