Cụ thể, giá nước ở khu đô thị loại 1 là Hà Nội và TP.HCM sẽ có mức tối đa 18.000 đồng/m3 (tăng thêm 6.000 đồng so với mức hiện hành là 12.000 đồng). Còn những địa phương thuộc đô thị từ loại 2 đến loại 5, mức tối đa tăng thêm 5.000 đồng/m3, tức lên 15.000 đồng/m3.
Theo khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt mới, mức tăng tối đa khoảng 50% so với mức giá quy định theo khung hiện hành. Căn cứ đưa ra khung giá này, Bộ Tài chính cho biết đã lấy ý kiến các địa phương.
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) giải thích đây là khung giá chung áp dụng cho toàn quốc nên mức giá sàn được lấy mức thấp nhất. Còn mức tối đa chọn mức trần để doanh nghiệp có thể bù đắp đủ các chi phí. Sẽ không có chuyện giá nước sạch ồ ạt tăng nhanh và tăng mạnh ngay - ông Nguyễn Tiến Thỏa, cục trưởng Cục Quản lý giá, khẳng định.
Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, Cục Quản lý giá cho biết quy định mới có hướng dẫn rất cụ thể đối với những người tiêu dùng dễ bị bắt chẹt. Cụ thể, đối với hộ dân cư tiêu thụ nước sạch chưa lắp được đồng hồ nước hoặc đối với khu vực nông thôn, dùng chung bể nước tại các địa điểm tập trung thì tạm thời áp dụng mức thu khoán theo mức tiêu thụ cho một người là 4m3/tháng. Còn đối với những địa phương không tính được theo người thì tính theo hộ dân cư sử dụng là 16m3/tháng.
Trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà để ở (có thời hạn thuê từ 12 tháng trở lên) thì cứ bốn người (căn cứ vào giấy đăng ký tạm trú và hợp đồng thuê nhà có xác nhận của địa phương hoặc các tổ chức hành nghề công chứng) tính là một hộ sử dụng nước để đơn vị cấp nước áp dụng giá nước sinh hoạt. Như vậy sẽ hạn chế được việc người cho thuê nhà áp giá quá cao so với mức giá quy định để trục lợi.
Khung giá nước sạch sinh hoạt áp dụng từ ngày 11/7
theo Tuổi trẻ