Trong dự thảo Nghị định 86 mới, Uber, Grab được xếp là hãng kinh doanh vận tải taxi tính tiền thông qua phần mềm, do đó gọi là “taxi điện tử”.
Trong dự thảo Nghị định 86 mới, Uber, Grab được xếp là hãng kinh doanh vận tải taxi tính tiền thông qua phần mềm, do đó gọi là “taxi điện tử”.
Bộ Giao thông Vận tải vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Trong đó, xe ứng dụng hợp đồng điện tử, bao gồm Uber, Grab, được xếp vào loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi tính tiền thông qua phần mềm.
Gắn biển Taxi Điện tử cho xe
Theo dự thảo, kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi bao gồm 2 hình thức: tính tiền thông qua đồng hồ trên xe và thông qua phần mềm.
Với hình thức taxi tính tiền thông qua đồng hồ trên xe, các quy định tương đối giữ nguyên so với hiện hành, với điều chỉnh nhỏ.
Cụ thể, xe kinh doanh taxi phải có phù hiệu “Xe Taxi” gắn trên kính xe; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định của Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Ngoài ra, hình thức này còn có hộp đèn với chữ "Taxi" gắn cố định trên nóc xe. Trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì và có thiết bị in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe.
Tất cả các loại taxi sẽ phải gắn hộp đèn và dán logo lên kính xe. Ảnh minh họa.
Lái xe phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền và trả cho hành khách khi kết thúc hành trình. Phiếu thu tiền phải có các thông tin tối thiểu gồm: tên đơn vị kinh doanh vận tải, biển kiểm soát xe, cự ly chuyến đi (km) và tổng số tiền hành khách phải trả. Đồng hồ tính tiền và thiết bị in phải được gắn cố định tại vị trí hành khách dễ quan sát.
Trong khi đó, loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi tính tiền thông qua phần mềm có nhiều điểm mới. Các điều kiện áp dụng khá giống với taxi tính tiền bằng đồng hồ trên xe.
Theo đó, xe phải có phù hiệu “Xe Taxi” gắn trên kính; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe. Đồng thời, xe có hộp đèn với chữ "Taxi Điện tử" gắn cố định trên nóc. Trên xe phải có thiết bị có cài đặt phần mềm tính tiền và kết nối để giao dịch với hành khách.
Phần mềm tính tiền phải cung cấp cho hành khách các nội dung tối thiểu trước khi thực hiện vận chuyển gồm: thông tin về doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải (tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế); thông tin về lái xe (họ và tên, hạng giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe, số điện thoại).
Ngoài ra phải có thông tin về xe (biển kiểm soát xe, nhãn hiệu và sức chứa của xe, năm sản xuất); điểm bắt đầu và điểm kết thúc chuyến đi; thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến đi; hành trình; cự ly chuyến đi (km); thông tin về giá cước và số tiền hành khách phải trả (Việt Nam đồng).
Kinh doanh taxi phải có trung tâm điều hành
Dự thảo Nghị định cũng có quy định về doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi tính tiền thông qua phần mềm. Doanh nghiệp, hợp tác xã phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi đến tài khoản của hành khách và gửi thông tin về hóa đơn điện tử về Tổng cục Thuế theo quy định của Bộ trưởng Tài chính.
Uber, Grab sẽ bị quản lý như taxi điện tử. Ảnh: Quỳnh Trang.
Phần mềm tính tiền phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về thương mại điện tử và đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.
Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng xe taxi được lựa chọn hộp đèn với chữ "Taxi" hoặc chữ "Taxi Điện tử" để gắn cố định trên nóc xe trong trường hợp xe taxi sử dụng cả phương thức tính tiền bằng đồng hồ và phần mềm.
Nghị định mới yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có trung tâm điều hành, duy trì hoạt động của trung tâm điều hành với lái xe thông qua bộ đàm hoặc phần mềm điều hành thay cho bộ đàm.
Như vậy, nếu Nghị định mới này được thông qua, Uber, Grab sẽ chính thức được xếp vào loại taxi điện tử tại Việt Nam. Đồng thời, Uber, Grab tự mình xây dựng hoặc thông qua doanh nghiệp vận tải, hợp tác xã vận tải để có trung tâm điều hành.
Trước đó, ngày 8/3, trong cuộc họp bàn về dự thảo thay thế Nghị định 86, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định hoạt động của Uber, Grab hiện nay bản chất là loại hình taxi ứng dụng công nghệ cao kết nối người dùng với lái xe, chủ hãng.
Ngoài việc định danh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng đề nghị xây dựng dự thảo nghị định nhằm đưa Uber - Grab vào khuôn khổ, không trốn thuế, chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có sự cố về dịch vụ của mình. Ngoài ra, cần có quy định tài xế hoạt động cho Uber, Grab phải có hợp đồng với Uber, Grab theo Luật lao động của Việt Nam.
Ông nhấn mạnh nếu không ràng buộc được trách nhiệm của Uber, Grab như một hãng taxi công nghệ cao "thì không ban hành nghị định". Thậm chí cá nhân ông có thể chịu kỷ luật trước Thủ tướng, nếu nghị định mới ban hành không đảm bảo yêu cầu.
Hiếu Công
Theo Tri thứ trực tuyến