Theo VDSC, mặc dù nhu cầu bên ngoài tích cực, các khó khăn từ phía cung tiếp tục gây cản trở triển vọng xuất khẩu gồm giá đầu vào tăng cao, thiếu hụt lao động hay khả năng có một đợt bùng phát trở lại của dịch Covid-19.
Thặng dư thương mại trong tháng 10 đạt mức cao nhất kể từ đầu năm
Trong báo cáo mới được cập nhật đối với ngành vĩ mô, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, xuất khẩu của Việt Nam cho thấy sự phục hồi với mức tăng trưởng 6,1% so với cùng kỳ và 6,8% so với tháng trước trong tháng 10/2021, phần lớn nhờ vào việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với dịch bệnh và nhu cầu mạnh mẽ của các thị trường lớn như Trung Quốc và Mỹ.
Đáng ngạc nhiên là tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước trong tháng 10 phục hồi tương đối mạnh, tăng 15,3% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức tăng không đáng kể của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (~2,9% so với cùng kỳ).
Mặt khác, nhập khẩu tiếp tục chững lại, tăng 7,8% so với cùng kỳ nhưng giảm 2,0% so với tháng trước. Điều này khiến thặng dư thương mại đạt 2,7 tỷ USD trong tháng, là mức cao nhất kể từ đầu năm.
Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10, tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam lần lượt tăng 17,4% và 28,3% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, nhờ thặng dư thương mại cao trong tháng 10, cán cân thương mại lũy kế trong 10T2021 đã có chuyển biến tích cực lên 0,8 tỷ USD trong 10T2021, so với mức thâm hụt 1,9 tỷ USD trong 9T2021.
Xuất khẩu của khu vực trong nước phục hồi mạnh mẽ
Cũng trong báo cáo cập nhật, VDSC cho biết, so với các tháng trước, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như túi xách, giày dép, dệt may và đồ gỗ đã phục hồi mạnh, tăng lần lượt 62,8%, 38,1%, 16,1% và 35,6% so với tháng trước. Tuy nhiên, ngoại trừ dệt may, các mặt hàng xuất khẩu còn lại vẫn giảm so với cùng kỳ.
Xuất khẩu các mặt hàng nông sản tiếp tục phục hồi, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tăng mạnh (+42,3% so với tháng trước), tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu các mặt hàng này vẫn giảm nhẹ 2,3%.
Trong bối cảnh phục hồi chung, xuất khẩu hàng điện tử (chiếm khoảng 36% tổng xuất khẩu) giảm nhẹ (-5,6% so với tháng trước). Nguyên nhân chủ yếu là do sự bền bỉ của lĩnh vực này trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh và sự chậm lại gần đây trong nhập khẩu nguyên liệu cho các sản phẩm điện tử.
Ngoài ra, nhập khẩu đầu vào trung gian cho sản phẩm dệt may tiếp tục giảm 16,9% so với cùng kỳ trong khi nhập khẩu sản phẩm điện tử tăng nhẹ 2,7%. Điều này có thể lý giải một phần về sự phục hồi xuất khẩu tương đối chậm của khu vực FDI. Một điểm đáng chú ý khác là nhập khẩu thiết bị máy móc và hàng tiêu dùng tiếp tục tăng trong tháng 10, lần lượt đạt 8,1% và 30,0% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức tăng 7,1% và 20,2% trong tháng 9.
Nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh nhưng vẫn còn nhiều thách thức
Báo cáo của VDSC cũng chỉ ra, sau 4 tháng giảm liên tục, chỉ số PMI của Việt Nam đã phục hồi về trên ngưỡng mở rộng, ghi nhận mức 52,1 điểm trong tháng 10 so với mức 40,2 điểm trong tháng trước. Do nhiều doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động trong tháng 10, điều này cho phép các công ty có thể đáp ứng các đơn hàng nước ngoài đang gia tăng.
Theo các thị trường xuất khẩu chính, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đang dẫn dắt đà tăng trưởng với mức tăng 23,1% so với cùng kỳ trong 10T2021, tiếp đến là thị trường ASEAN (+22,5% so với cùng kỳ) và thị trường các nước EU (+19,7% so với cùng kỳ). So với tháng trước, xuất khẩu sang thị trường EU ghi nhận sự tăng trưởng tích cực từ mức tăng trưởng 11,6% trong 9T2021 lên 19,7% trong 10T2021.
Mặc dù nhu cầu bên ngoài tích cực, các khó khăn từ phía cung tiếp tục gây cản trở triển vọng xuất khẩu gồm giá đầu vào tăng cao, thiếu hụt lao động hay khả năng có một đợt bùng phát trở lại của dịch Covid-19.
VDSC cho biết: Theo khảo sát của IHS Markit, chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng ở tốc độ cao nhất kể từ tháng 4/2011, nghĩa là mức tăng mạnh nhất trong lịch sử tính từ thời điểm bắt đầu khảo sát. Một khảo sát khác đối với 100 doanh nghiệp của Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ cho thấy 46% doanh nghiệp cho rằng chi phí sản xuất cao là một trong những thách thức đối với việc phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo Bộ Lao động, Thương Binh và Xã Hội (MOLISA), khoảng 17,8% doanh nghiệp đối diện với tình trạng thiếu lao động, rủi ro này đặc biệt cao ở những doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như điện tử, da giày, dệt may.
Một điểm quan trọng khác là số ca nhiễm Covid-19 đang có xu hướng tăng trở lại ở nhiều địa phương trên cả nước, với trung bình hơn 8.300 ca nhiễm mỗi ngày, tăng 19% trong vòng 7 ngày qua và tương đương 61% mức đỉnh gần nhất. Số ca tử vong cũng trong xu hướng tăng (+25% trong vòng 7 ngày qua), phát đi tín hiệu kém lạc quan về khả năng dịch bệnh bùng phát trở lại. VDSC cho rằng những yếu tố này sẽ cản trở sự phục hồi của hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm 2021.
Nhật Minh
Theo KTĐU