Làng Sơn Vi, Sơn Thủy (huyện Thanh Thủy) hiện vẫn còn những “bảo vật” hấp thụ linh khí đất trời, đồng cam cộng khổ với người dân chân lấm tay bùn hàng nghìn năm nay. Vạn vật hữu linh với các thế hệ người dân làng Sơn Vi, “Cụ Thị” nghìn năm tuổi vẫn mướt mát màu xanh, mỗi mùa vẫn cho trái chín vàng ươm, tỏa hương thơm ngát đã trở thành “thần cây”, biểu tượng linh thiêng, minh chứng cho truyền thống lịch sử hào hùng, giá trị văn hóa bất biến với thời gian.
“Cụ Thị” vị thần thiên nhiên nghìn năm tuổi...
Thấy tôi đang loay hoay tìm vị trí thuận lợi để chụp ảnh “Cụ Thị”, cây di sản ở Khu 4 làng Sơn Vi, xã Sơn Thủy, một cụ ông tay cầm ô che nắng đi tới, cất tiếng hỏi: "Anh chắc là ở xa tới đây?", tôi lễ phép đáp lời cụ, " Dạ! cháu chào Cụ, cháu muốn chụp ảnh cây di sản Cụ ạ!", Cụ bảo "nhà tôi phía sau Cụ Thị, tí mời anh vào uống nước nhé! ". Đó là Cụ Nguyễn Mạnh Hòa (87 tuổi ), Đảng viên cán bộ lão thành, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, ở khu 4 làng Sơn Vi, xã Sơn Thủy.
Ngày 18/11/2012, nhân dịp kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) và UBND huyện Thanh Thủy, xã Sơn Thủy tổ chức lễ công nhận Cây di sản Việt Nam cho cây thị cổ, người dân địa phương gọi là Cụ Thị tại thôn Sơn Vi.
Theo tài liệu của các nhà khoa, cụ Thị đã có tuổi đời trên 700 năm trên mảnh đất này. Trong buổi lễ công nhận Cây di sản Việt Nam, cụ Hòa là Trưởng Tiểu ban Mặt trận khu 4, rất vinh dự được Ban tổ chức cử lên giới thiệu về lịch sử văn hóa thôn Sơn Vi, được cùng các đại biểu của địa phương nhận quà tặng chúc mừng của lãnh đạo cấp trên. Vậy mà thấm thoắt cũng đã hơn chục năm rồi.
Cụ Hòa cho biết, bởi lẽ ra thì làng Sơn Vi này có tới hai Cụ Thị được công nhận là Cây di sản Việt Nam chứ không phải là một Cây di sản như bây giờ. Thời ấy vào khoảng năm 1947-1948, thấy cây thị cao to, xum xuê, nhiều chim chóc về làm tổ, nhiều tắc kè về trú ngụ, một người dân mới tản cư lên làng do sơ xuất dùng lửa hun khói trong hốc cây để đuổi, bắt tắc kè mà vô tình làm cháy mất Cụ Thị, mà cháy từ trong cháy ra, cháy kéo dài những 3- 4 ngày, dân làng tập trung, nuối tiếc vì không sao cứu chữa được.
Cụ Hòa đưa tôi đến nhà cụ Hà Văn Lộc (90 tuổi), cựu giáo chức, Đảng viên huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, là một trong số các cụ cao tuổi nhất làng Sơn Vi đến thời điểm này. Câu chuyện bên bàn trà càng sôi nổi hơn khi chủ đề nói về “Cụ Thị” tiếp tục được nhắc đến.
Cụ Lộc cho biết, vào khoảng giữa thế kỷ 18, có 9 gia đình thuộc 4 dòng họ gồm họ Phạm, họ Hà, họ Nguyễn, họ Đinh đến khu vực xã Sơn Thủy, thấy phong cảnh nơi đây rất đẹp, đồi núi điệp trùng, cánh đồng trũng, nước rộng mênh mông, có thể gọi là phong cảnh sơn thủy hữu tình.
Khu vực lại có 2 cây lim lớn, 2 cây thông lớn và 2 cây thị lớn nổi bật trên thảm rừng xanh, lại lắm thú rừng, nhiều chim muông, 9 gia đình quyết định cắm trại, dừng lại ở, sau này trở thành làng. Đến cuối thế kỷ 18, một số đồng bào ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định tản cư đến ở cùng, rồi đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, có thêm một số bà con ở vùng ven sông Đà sơ tán vào ở từ đó làng ngày càng đông lên.
Cái tên xã Sơn Thủy là tên ghép của Sơn Vi, Thủy Trạm, cũng mang ý nghĩa là từ cảnh quan sơn thủy, hữu tình mà ra. Khi có Làng, đình làng Sơn Vi cũng được xây dựng thờ Đức Thánh Tản, đứng đầu Tứ bất tử của Việt Nam ta, biểu tượng của sự đoàn kết, sức mạnh chiến thắng mọi thiên tai, địch họa, xây dựng quê hương, đất nước. Đình cũng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh.
Cây di sản đã gắn bó lâu đời với người dân trong làng Sơn Vi
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, cây thị vẫn sừng sững. Năm tháng qua đi, “Cụ Thị” đã trở nên thân thuộc, gắn bó với các thế hệ người dân trong làng. Và cũng như con người, trải qua bao dâu bể thời gian, nhiều đại thụ đã không còn, để lại những tiếc thương, trống vắng không thể bù đắp... Riêng về Cụ Thị, kể từ khi chưa được công nhận là Cây di sản, thì các thế hệ người dân nơi đây cũng đã coi như một "tượng đài", điểm tựa tinh thần, biểu tượng của sự trường tồn, mãi mãi xanh tươi, đem lại hương thơm trái ngọt cho người dân địa phương và đồng bào quanh vùng.
Xung quanh Cụ Thị cũng có không ít câu chuyện thực, hư mang yếu tố tâm linh, huyễn hoặc, không ai dám chặt phá, xâm phạm, chỉ có lũ trẻ chúng tôi leo cây hái quả, đến mùa thị chín vàng thơm ngát cả vùng, người dân không ai hái đem bán, chỉ có nhặt ăn hoặc mang về cho thơm cửa mát nhà, như câu ca "Thị ơi, thị rụng bị bà, bà để bà ngửi, chứ bà không ăn".
Ngược lại Cụ Thị hơn 700 năm tuổi này cũng chẳng khác gì một nhân chứng đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu thế hệ người dân địa phương xã Sơn Thủy vươn lên xây dựng cuộc sống, anh dũng đứng lên cùng quân dân cả nước kháng chiến, kiến quốc, cũng như lớp lớp người dân nơi đây xây dựng địa phương ngày càng phát triển và đổi mới.
Dẫu rằng xung quanh Cụ Thị, Cây di sản Việt Nam, biểu tượng của sự trường tồn này cũng có một vài câu chuyện vui buồn liên quan đến cuộc đời thực của một số gia đình và một vài người dân, một số hiện tượng tâm linh còn bỏ ngỏ, nhưng không ai muốn gợi lại, đi tìm lời giải thích cho thỏa đáng. Cũng bởi lẽ chúng ta đều biết rằng cái chúng ta chưa biết, không có nghĩa là nó không có. Thế giới vũ trụ thì bao la, vô hạn, mà khả năng thấu hiểu của loài người chúng ta là hữu hạn. Nếu chúng ta biết tôn trọng bảo vệ và phát huy giá trị của cảnh quan môi trường thiên nhiên, biết cân bằng quy luật âm dương, thì "Âm phù dương trợ", cuộc sống sẽ tốt lành, sẽ gặp nhiều may mắn.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy và ông Lê Quang Sáng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cùng các cán bộ địa phương cho biết, làng Sơn Vi, xã Sơn Thủy mới khánh thành cổng làng to đẹp đàng hoàng bằng nguồn ngân sách xã hội hóa.
Người dân xã Sơn Thủy nói chung, làng Sơn Vi nói riêng rất tự hào về truyền thống đoàn kết của địa phương mình, đó là tình đoàn kết giữa đồng bào miền núi với đồng bào miền xuôi hội tụ về đây hợp thành làng xã. Đó còn là sự đoàn kết gắn bó giữa đồng bào Công giáo với đồng bào không theo tôn giáo nào tại địa phương, một lòng tin theo Đảng và Nhà nước, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, xây dựng địa phương ngày càng phát triển và đổi mới.
Năm 2018 xã Sơn Thủy đã về đích nông thôn mới và hiện nay đang trong lộ trình xây dựng xã NTM nâng cao, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng cao. Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân dân xã Sơn Thủy đã và đang làm tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các di tích lịch sử văn hóa và Cây Thị cổ - Cây di sản Việt Nam tại địa phương, biểu tượng của sự trường tồn, phát triển của quê hương, đất nước.
PHI LONG - TRƯỜNG SƠN
Theo: https://kinhtedouong.vn/ve-lang-son-vi-nghe-chuyen-ve-cu-thi--cay-di-san-nghin-nam-tuoi-o-phu-tho-95716.html