Nhắc đến lễ hội chọi trâu nổi tiếng của miền Bắc nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hội trâu ở Hải Lựu, thuộc huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, được tổ chức hàng năm vào ngày 16 - 17 tháng Giêng âm lịch.
Dù ai đi đâu, ở đâu Tháng giêng mười bảy chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề Tháng giêng mười bảy nhớ về chọi trâu
Đây là một trong những lễ hội văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc. Theo tục lệ của hội thì trâu chọi đều là những con to, khỏe mạnh được chọn lọc kỹ và nuôi dưỡng thật chu đáo. Gần đến ngày hội, trâu chọi được nhốt chuồng riêng và ăn riêng thức ăn tinh, hợp khẩu vị. Trước khi vào cuộc, con trâu nào cũng được uống rượu và dắt đến trước bàn thờ cho gật đầu ba cái làm lễ Thánh.
Địa điểm chọi trâu được diễn ra tại gò Mả Đàm, trên diện tích đất rộng rãi, thoáng mát. Bao quanh sân được rào cọc bằng gỗ bạch đàn, hoặc tre, chôn sâu chắc chắn với khoảng cách vừa phải.
Lễ hội chọi trâu tại Hải Lựu được tổ chức vào hai ngày: 16 - 17 tháng Giêng. (Ảnh: Dân Trí)
Đây là lễ hội chọi trâu giữ được nhiều nét tối cổ, nguyên sơ nhưng vẫn gồm hai phần chính; Phần lễ và phần hội. Phần lễ bao giờ cũng bao gồm: lễ trình trâu, lễ rước và lễ dâng hương.
Còn phần hội, các “Ông cầu” đại diện cho các thôn, các phường, các hội và các đoàn thể trong xã tham gia vào vòng đấu loại trực tiếp. Ba “Ông cầu” xuất sắc nhất được chọn vào vòng chung kết để tranh giải nhất, nhì, ba sau đó trao phần thưởng và bế mạc lễ hội.
Lễ hội là một trong những điều độc đáo của mỗi vùng, được nuôi dưỡng và bảo tồn qua nhiều thập kỷ. Mỗi nơi lại có một lễ hội khác nhau và lễ hội chọi trâu tại huyện Sông Lô cũng vậy. Điều đặc biệt và ấn tượng, thu hút người dân và du khách đến tham dự chính là vẫn lưu giữ được dáng vẻ nguyên sơ, không có những toan tính, cá cược, không chen lấn, xô đẩy...
Lễ hội chọi trâu tại huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc vẫn giữ được những nét nguyên sơ hiếm có. (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc)
Hướng dẫn đường đi đến hội chọi trâu Hải Lựu
Từ Hà Nội, bạn có thể lựa chọn phương tiện xe máy hoặc ô tô tự lái đều được:
Đường đi: Di chuyển theo hướng cao tốc Nội Bài, qua trạm soát vé rẽ trái đi thẳng đến gần TP. Vĩnh Yên thì rẽ trái đi đường cao tốc đi Việt Trì, đến đường rẽ Quán Tiên thì rẽ phải, đi thẳng khoảng 10km đến Chợ Vàng. Tiếp tục rẽ phải đi đường đê qua cầu rồi cứ thẳng đường nhựa tiếp tục đi thẳng sẽ đến huyện sông Lô.
Theo ước tính, hàng năm có đến hàng vạn du khách về đây để được tham dự lễ hội độc đáo này. (Ảnh: Zing)
Từ huyện Sông Lô, bạn có thể dễ dàng ghé thăm
Đền bà chúa thượng ngàn: Là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của du lịch Tam Đảo. Ngoài Đền Bà Chúa Thượng Ngàn nơi đây còn có đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ, chùa Vàng tạo thành một cụm tâm linh Phật - Thánh đầy linh thiêng, quanh năm sương trắng. Đền Bà Chúa Thượng Ngàn Tam Đảo còn gọi là Đền Mẫu Thượng Tam Đảo
Chùa Mía: Chùa Mía là một ngôi chùa ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Đây là ngôi chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam.
Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên: Là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây.
Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên cũng là điểm đến phù hợp để hành hương và du xuân trong những ngày đầu năm. (Ảnh: quynhphan)
Như Ý
Theo ĐSPL, Vietnammoi