Sự kiện hot
12 năm trước

Xe buýt nhộn nhạo gây rối, doanh nghiệp gấp rút lắp 'hộp đen'

Nhiều tuyến xe buýt ở Cà Mau hoạt động khá phức tạp với hàng loạt vi phạm như dừng đỗ quá lâu, phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách… Việc lắp thiết bị giám sát hành trình đã cải thiện tình hình rõ rệt.

Nhiều tuyến xe buýt ở Cà Mau hoạt động khá phức tạp với hàng loạt vi phạm như dừng đỗ quá lâu, phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách… Việc lắp thiết bị giám sát hành trình đã cải thiện tình hình rõ rệt.

Lộn xộn trên từng chuyến xe

Tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) tại Cà Mau, chúng tôi ghi nhận được nhiều câu chuyện đến “sởn gai ốc” về những cuộc đua tranh khách giữa các HTX, các nhà xe trên nhiều tuyến buýt như: Sông Đốc, Khánh Hội, Thới Bình…

Năm 2010, khi Sở GTVT Cà Mau đưa 2 doanh nghiệp VTHKCC là Tuấn Hiệp và Thuận Lợi vào khai thác tuyến Cà Mau – Sông Đốc, rất nhiều nhà xe tư nhân làm ăn trên tuyến đã gây ra hàng loạt vụ “đại náo” như nằm ngáng đầu xe, đưa người và phương tiện tạo lập hàng rào ngăn cản xe buýt lưu thông; chuyện  đè tài, xích mích, cãi cọ, thậm chí đánh lộn... xảy ra như cơm bữa.


Nhân viên Công ty Vinh Hiển bảo trì thiết bị GPS cho xe buýt tuyến Cà Mau - Sông Đốc.

Huyện Trần Văn Thời luôn là “điểm nóng” về “chiến tranh” giữa các xe buýt. Còn tuyến Cà Mau – Khánh Hội xảy ra không ít vụ nhà xe tháo bánh, đập vỡ kính xe của nhau… Hay như giữa 2 doanh nghiệp Tuấn Hiệp và Thuận Lợi, do giành giật nhau về quyền lợi theo kiểu “mạnh ai nấy được” nên hầu như tháng nào cũng diễn ra cảnh hỗn chiến.

Đơn cử vào cuối tháng 9/2011, gần 40 hành khách trên chuyến xe buýt BKS 69K – 52** và rất đông người dân ở xã Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời) còn chưa hết sợ hãi khi chiếc xe buýt do tài xế Phan Văn Phước (58 tuổi) điều khiển chạy với tốc độ 80 km/h trên đoạn đường toàn “ổ gà”, “ổ voi”, gặp trời mưa, đường trơn nên xe đã lao xuống sông Đốc. Nhờ những người dân kịp thời cứu hộ nên toàn bộ số hành khách đã may mắn thoát chết.

Hay như hồi cuối tháng 1/2012, trên tuyến Cà Mau – Khánh Hội, xe buýt BKS 69K – 52** của Công ty TNHH Giáp Diệp đã để xảy ra vụ TNGT làm 1 người đàn ông thiệt mạng mà nguyên nhân được xác định là do tài xế “quên” không đóng cửa khi đang lưu thông…

"Quá lộn xộn và phức tạp, nhiều doanh nghiệp như Cửu Long, Đại Thắng dù được quyền ưu tiên tham gia các tuyến buýt cũng xin rút khỏi danh sách để hoạt động các tuyến liên tỉnh cố định hay xe hợp đồng cho “chắc ăn”", anh Cao Văn Thanh – Chủ nhiệm HTX Cửu Long cho hay.

Lắp “hộp đen” đạt quy chuẩn

Sở GTVT Cà Mau thông tin, đến nay, 4/4 tuyến buýt với 100% số xe đã được gắn “hộp đen”, nhờ đó đã đóng góp tích cực trong việc lập lại trật tự, nề nếp của hoạt động xe buýt, nâng cao chất lượng phục vụ của loại hình VTHKCC này.

Ông Hà Văn Khởi – Phó giám đốc doanh nghiệp vận tải Tuấn Hiệp kiêm phụ trách điều hành tuyến buýt Cà Mau – Sông Đốc, cho hay: “Với sự trợ giúp đắc lực của “hộp đen” XBX – A (do Công ty TNHH TM Vinh Hiển sản xuất và lắp ráp), 2 doanh nghiệp Tuấn Hiệp và Thuận Lợi đã cùng nhau xây dựng được nội quy dưới sự chứng kiến của Sở GTVT Cà Mau. Nhờ đó, mỗi doanh nghiệp và từng nhà xe đã chấp hành tốt các quy định, hạn chế đáng kể những vi phạm như phóng nhanh, vượt ẩu, dừng đỗ quá lâu… để chèo kéo khách”.


Sản phẩm “hộp đen” đạt chuẩn của công ty Vinh Hiển được Bộ GTVT cấp chứng nhận.

Trao đổi với Ban Chủ nhiệm của nhiều HTX vận tải, chúng tôi ghi nhận rằng, sở dĩ tuyến Cà Mau – Sông Đốc đi vào hoạt động một cách quy củ và nề nếp hơn là nhờ “hộp đen” mà các xe trên tuyến đang sử dụng có đầy đủ tính năng theo QC 31 của Bộ GTVT, hoạt động ổn định với độ chính xác cao.

Ông Nguyễn Hữu Đoàn – Phó chủ nhiệm HTX vận tải Đồng Tiến cho biết: “HTX đã lắp “hộp đen” của VNPT (đại lý cung cấp độc quyền của Công ty Vạn Xuân) cho 100% số xe buýt. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, mạng theo dõi thường xuyên bị rớt và mắc nhiều lỗi như: Thiết bị báo về xe đang chạy nhưng động cơ không hoạt động, không cập nhật được tình trạng đóng mở cửa… Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu đơn vị cung ứng sửa chữa, khắc phục nhưng họ chỉ biết thu tiền dịch vụ mạng, hứa mãi nhưng chẳng làm gì cả”.


Nhiều chuyên gia GPS cho rằng: Dù chưa đầy 2 tuần nữa bắt buộc gắn “hộp đen” (ngày 1/7) nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải tư nhân nhỏ vẫn đang “dậm chân tại chỗ”.

Nghị định số 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ "về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô" quy định:

- Đến ngày 1/7/2011, ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container phải gắn "hộp đen".

- Đến ngày 1/1/2012, ô tô kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 300km trở lên, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng phải gắn "hộp đen".

- Đến ngày 1/7/2012, tất cả các loại xe kể trên phải lắp đặt "hộp đen".

Triều Dương
Theo Infonet

Từ khóa: