Sự kiện hot
3 năm trước

Xóa sổ phương thức đầu tư đổi đất lấy hạ tầng

Các quy định chuyển tiếp tại Điều 101 yêu cầu phải dừng thực hiện hợp đồng BT ngay kể từ ngày 15/8 thay vì 1/1/2021 như Luật Đầu tư quy định trước đó.

Dừng ngày khi Luật PPP chưa có hiệu lực

Một điểm đáng chú ý là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong đó quy định dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT phải đến ngày 1/1/2021 tới đây mới có hiệu lực, nhưng các quy định chuyển tiếp tại Điều 101 yêu cầu phải dừng thực hiện ngay kể từ ngày 15/8/2020 với các dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư.

3-1-8325-1601884885.jpg
Dự án Công viên hồ điều hòa Văn Miếu (Bắc Ninh) là một trong nhiều dự án giao đất trước khi dự án BT hoàn thành, không đúng quy định. Ảnh: DBC

Lý giải về việc đưa phương thức BT ra khỏi nội dung của Luật PPP, theo Thứ trưởng KHĐT Vũ Đại Thắng, việc ra hình thức này để nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền ra xây dựng các công trình hạ tầng, sau đó nhà nước trả quỹ đất để họ phát triển nhằm cân bằng hai chi phí. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, hình thức này không có việc hợp tác giữa nhà nước và tư nhân trong đầu tư nên không thể coi đó là hình thức đầu tư PPP. Do vậy loại hình BT không nằm trong nội dung của Luật PPP.

Hơn nữa cũng theo ông Vũ Đại Thắng, Việt Nam có nguồn lực đất đai và pháp luật cho phép đấu thầu, đấu giá nên có thể tiến hành đấu giá mặt bằng để lấy kinh phí thực hiện dự án đầu tư theo nhu cầu cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Việc tạm dừng thực hiện hợp đồng theo hình thức BT cũng là một trong những điểm để quản lý hiệu quả hơn nữa quỹ đất, đặc biệt trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu vẫn quy định BT là một dạng dự án PPP sẽ dẫn đến tình trạng nhà đầu tư tự thiết kế, xây dựng và sau đó nhà nước phải mua lại theo giá mà nhà đầu tư đã khai báo. Điều đó dẫn đến tình trạng công trình này có thể giá sẽ đội lên hơn so với giá trị thực. Ngược lại, nhà đầu tư lại được hưởng những ưu đãi của chính sách đối với PPP, ví dụ hưởng giá thấp về đất đai.

Trước đó, một số Đại biểu Quốc hội khi tham gia góp ý vào dự thảo Luật PPP cũng cho rằng, dự án BT thời gian qua để lại nhiều hệ lụy, tạo dư luận không tốt, trong đó nhà đầu tư thường hay tranh thủ cơ quan có thẩm quyền để được chỉ định thầu các dự án mà nhà nước cần. Nhà nước hoàn lại cho nhà đầu tư thông thường là bất động sản, những nơi được xem là khu đất vàng, giá trị cao gấp nhiều lần, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Thay vào đó, nhà nước có thể đấu giá quyền sử dụng đất để có vốn đầu tư công vào các dự án cần thiết, thay vì giao cho nhà đầu tư BT xây dựng rồi chuyển giao đất mà không qua đấu giá cho nhà đầu tư, dễ tiêu cực, gây dư luận xấu.

Hàng loạt hệ lụy từ phương thức BT

Thực tế theo kết quả kiểm toán chuyên đề việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT giai đoạn 2014-2018 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố cho thấy, hầu hết các dự án BT đều chỉ định nhà đầu tư và có dự án chỉ định nhà đầu tư sau khi thi công.

Tại một số địa phương, các dự án BT lại chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất và đưa vào danh mục đầu tư, như tại Bắc Ninh có đến 72/83 dự án do nhà đầu tư đề xuất. Ngoài ra còn xuất hiện tình trạng dự án do nhà đầu tư đề xuất và không lấy ý kiến các bộ, ngành theo quy định (Công viên hồ điều hòa Văn Miếu và Nhà máy nước mặt TP Bắc Ninh); không thực hiện xây dựng và công bố danh mục dự án (Đường kết nối vào cảng Sài Gòn - Hiệp Phước); lựa chọn nhà đầu tư hạn chế năng lực tài chính nên phải thay đổi từ hình thức thanh toán bằng đất sang bằng tiền (Xây dựng đường kết nối với cầu Phú Mỹ).

Một nội dung gây nhiều chú ý là việc xác định tổng mức đầu tư ban đầu không chính xác, trong đó hầu hết dự án BT ở Hà Nội xác định tổng mức đầu tư ban đầu lớn hơn nhiều so với giá trị thực tế lên tới hàng nghìn tỷ đồng; phê duyệt dự án sau khi triển khai thi công và chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; phê duyệt điều chỉnh một số nội dung không đúng quy định và còn sai sót; phê duyệt diện tích và giá đất tạm tính vượt giá trị dự án BT, điển hình như Thanh Hóa phê duyệt diện tích và giá đất tạm tính vượt giá trị dự án 875,5 tỷ đồng; phê duyệt điều chỉnh dự án chưa xác định rõ nguồn vốn hợp pháp khác (Dự án nâng cấp đường nối Phú Yên với Gia Lai chưa xác định rõ nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 544 tỷ đồng).

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, nhiều dự án BT ký hợp đồng sau khi nhà đầu tư đã thực hiện thi công và ký kết phụ lục hợp đồng bổ sung chi phí lãi vay không phù hợp; ký hợp đồng chưa đúng quy định, không đảm bảo nguyên tắc ngang giá; không quy định cơ cấu tỉ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện dự án đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) làm tăng chi phí đầu tư dự án BT do đơn vị đang tính chi phí lãi vay trên 100% chi phí đền bù GPMB. Ở một số dự án có hiện tượng ký hợp đồng BT trong đó vượt diện tích thanh toán dự án khác so với báo cáo nghiên cứu khả thi (như Dự án Đường Nam sông Đốc, Cà Mau).

Đặc biệt liên quan đến việc phê duyệt, giao đất cho nhà đầu tư thanh toán dự án BT, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ hàng loạt địa phương như: Thanh Hóa, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội và Khánh Hòa phê duyệt, giao đất thanh toán dự án BT khi đã có văn bản tạm dừng của Bộ Tài chính, chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất trước khi dự án BT hoàn thành không đúng quy định và giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng không qua đấu giá; xác định đơn giá đất chưa phù hợp và xác định giá đất để giao cho nhà đầu tư tại một số dự án còn tồn tại, bất cập.

Kiến nghị xử lý hơn 5.058 tỷ đồng liên quan đến phương thức BT

Trên cơ sở kết quả kiểm toán 28 dự án BT, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý hơn 5.058 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách Nhà nước 112,4 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước trên 1.260 tỷ đồng, thu hồi nộp ngân sách thanh toán vượt giá trị dự án hơn 355 tỷ đồng và giảm giá trị hợp đồng BT hơn 2.014 tỷ đồng. Thực tế cũng theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2018 trở về trước, cơ quan này cũng kiến nghị xử lý 7.453 tỷ đồng tại 37 dự án.

N.Văn
Theo Lao động

Từ khóa: