Sự kiện hot
2 năm trước

Bản tin Bất động sản 22/3: Tiềm năng của bất động sản ven khu công nghiệp

Những nội dung đáng chú ý trong bản tin bất động sản 22/3: bất động sản ven khu công nghiệp là phân khúc tiềm năng để đầu tư; Thị trường khách sạn phục hồi mạnh mẽ;…

Tiềm năng bất động sản công nghiệp

Không tăng giá gấp 3 gấp 5 nhưng phân khúc này vẫn giúp nhiều nhà đầu tư kiếm bộn tiền - Ảnh 1.
Bất động sản ven khu công nghiệp được đánh giá nhiều tiềm năng. (Ảnh: TTXVN).

Bất động công nghiệp là một trong những phân khúc đang được đánh giá sẽ có nhiều ưu thế để lấy lại và tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022.

Chia sẻ tại một Talkshow do Batdongsan.com.vn tổ chức mới đây, ông Võ Văn Mười, Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Kim Thịnh Phát cho rằng, bất động sản công nghiệp là một loại hình tiềm năng và là một xu thế trong thời gian tới.

Theo vị này, trong thời gian vừa qua, các loại hình bất động sản như biệt thự nghỉ dưỡng, nhà liền kề hay đất nền phân lô đã phát triển rất mạnh và giá trị của nó đã tăng đâu đó 3 – 5 lần, thậm chí có những khu vực tăng tới hàng chục lần. Tuy nhiên, quá trình phát triển của các loại hình này đang có xu hướng chậm lại, đặc biệt là khi dịch bệnh bùng phát.

"Bất động sản công nghiệp thường là cuộc chơi của các ông lớn, những nhà đầu tư nhỏ lẻ có rất ít cơ hội để tham gia. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá nhân nếu đầu tư bất động sản ven khu công nghiệp thì cơ hội sinh lời rất lớn.

Tuy nhiên cũng không thể tránh được những rủi ro. Do đó, các nhà đầu tư tham gia vào phân khúc này phải lưu ý đến vấn đề pháp lý và quy hoạch. Hoàn toàn có thể xem được vị trí một khu đất đang nằm trong, nằm ngoài hay nằm giáp ranh khu công nghiệp,...", vị này nói.

Cũng theo vị CEO này, có ba giai đoạn để đầu tư đất nền liền kề khu công nghiệp. Đầu tiên là giai đoạn khi mới chỉ có thông tin ban đầu về dự án, tuy n nhiều rủi ro nhưng lợi nhuận cao. Khi mới có thông tin dự án, giá đất thường rất rẻ, khoảng 1 - 3 triệu đồng/m2. Đây cũng là giai đoạn rất dễ xảy ra sốt đất.

Thị trường khách sạn sẽ hồi phục mạnh mẽ

Thị trường khách sạn chủ yếu vẫn sẽ dựa vào nhu cầu du lịch mạnh mẽ trong nước, nhưng việc dần thí điểm các địa phương trong việc chào đón khách nước ngoài là cơ hội tốt góp phần thúc đẩy quá trình khôi phục thị trường du lịch Việt Nam nhanh chóng. Với tốc độ tiêm chủng vượt dự kiến, đứng thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ trong số các nước có tỷ lệ tiêm chủng nhanh nhất, ngành du lịch Việt Nam nhìn chung có triển vọng tích cực trong năm 2022.

Theo CBRE, 2021 là một năm Việt Nam chịu nhiều tác động từ làn sóng thứ tư của dịch COVID-19. Dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến quá trình xây dựng của những dự án trọng điểm nên thị trường khách sạn 4-5 sao tại Hà Nội vẫn khá yên tĩnh trong năm vừa qua khi thị trường chỉ chào đón một khách sạn 5 sao mới, Capella Hanoi với 47 phòng tại khu vực trung tâm thành phố vào đầu năm. Tính đến hết năm 2021, tổng số phòng đạt 8.407 phòng, đến từ 38 dự án.

Do dịch bệnh kéo dài, giá thuê phòng bình quân trong năm 2021 tiếp tục giảm xuống còn 95,5 USD/phòng/đêm, giảm 5,7% so với năm 2020 và 19,7% so với năm 2019 - thời điểm trước khi có đại dịch. Khách sạn tại Hà Nội được phép tiếp tục chào đón du khách mới vào tháng 10, sau khi các quy định hạn chế về giãn cách xã hội được nới lỏng vào tháng 9.

Thêm vào đó, một số khách sạn 4 sao được chuyển thành cơ sở cách ly nhưng những biện pháp này cũng chỉ góp phần nhỏ trong việc phục hồi tình hình hoạt động. Năm 2021, tỉ lệ lấp đầy của thị trường khách sạn Hà Nội đạt 30,6%, tiếp tục giảm 4,5 điểm phần trăm so với năm 2020 và 50,6 điểm phần trăm so với năm 2019.

Chấn chỉnh tình trạng ôm đất dự án rồi bỏ hoang

Theo kết quả tổng hợp gần đây từ Bộ TN&MT, cả nước có 3.205 dự án, diện tích khoảng trên 85.163ha (chưa tính đến diện tích đất Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân để sản xuất nông nghiệp) đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Đáng quan ngại, tình trạng này không chỉ tập trung riêng ở đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mà còn diễn ra ở hầu hết các tỉnh, TP, tập trung nhiều nhất ở khu vực ven biển.

Chấn chỉnh tình trạng ôm đất dự án rồi bỏ hoang: Quy trách nhiệm chính quyền địa phương
Dự án bỏ hoang nhiều năm tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Ảnh: Doãn Thành

Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, dựa vào kết quả giám sát của HĐND TP tính đến hết năm 2021, trên địa bàn có 379 dự án trong tình trạng chậm triển khai rải rác ở khắp các quận, huyện, ngay cả những dự án tọa lạc khu vực trung tâm TP được xem là “đất vàng” nhưng cũng nằm đắp chiếu hàng chục năm gây lãng phí tài nguyên, thất thoát ngân sách Nhà nước và tạo ra làn sóng bức xúc trong dư luận.

Đơn cử như: Dự án Trung tâm điều hành & giao dịch Vicem (quận Nam Từ Liêm), vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, khởi công vào tháng 5/2011, đối diện Vicem Tower có dự án Apex Tower (lô HH3, đường Phạm Hùng), xây dựng trên khu đất diện tích 2.780m2, khởi công từ năm 2008 nhưng đến nay cũng chỉ mới hoàn thiện phần thô. Địa bàn quận Hà Đông, tòa nhà Tokyo Tower tọa lạc tại số 48 Vạn Phúc diện tích đất gần 4.600m2, từng được tung hô là ''trái tim của quận Hà Đông'' khởi công đầu năm 2015 với 51 tầng nổi giờ giống như “xác không hồn”; hay dự án Khu giáo dục Nguyễn Trãi do Công ty CP Đầu tư & Phát triển nhân lực (Ladeco) phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 năm 2007 nhưng sau 15 năm dự án vẫn là một bãi đất bỏ trống, sình lầy chưa thể triển khai.

Nhiều quận, huyện khác trên địa bàn TP Hà Nội như: Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Trì... đang có sự hiện diện của hàng loạt dự án bỏ hoang, chậm triển khai. Cá biệt như huyện Mê Linh được xem là điểm nóng với gần 50 dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, nằm đắp chiếu hàng chục năm nay, một số dự án đã kéo dài tới gần 20 năm. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Bùi Duy Cường cho biết, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch, chỉ đạo tổ công tác, lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra dự án chậm triển khai.

“Kết quả có 379 dự án chậm triển khai đã ban hành kết luận cụ thể, đề xuất xử lý, trong đó 30 dự án kiến nghị thu hồi thì nay thu hồi được 10 dự án; 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật Đất đai; 77 dự án chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng; 63 dự án chậm GPMB, những dự án còn lại vướng một số nội dung, chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục” – ông Bùi Duy Cường cho hay.

Đừng ''đón đầu" để đợi đền bù

Trước đó, khi biết thông tin tuyến cao tốc sẽ chạy qua địa bàn, hàng loạt công trình tạm bợ đã được người dân xây dựng cấp tốc với mục đích “đón đầu” dự án. Riêng tại xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), chỉ trong vòng nửa tháng qua, chính quyền, cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý gần 20 trường hợp xây dựng nhà kho, chuồng trại, lán trại... trái phép với diện tích lớn, trong đó có một số trường hợp ngang nhiên xây dựng mặc dù trước đó UBND xã đã nhiều lần thông báo, tuyên truyền, vận động.

Đừng ''đón đầu
Người dân ở xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy dọc tuyến cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ đi qua vẫn tập kết vật liệu, xây dựng nhà cửa chờ đền bù, giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc Nam. Ảnh: vov.vn 

Thực ra những hành vi như trồng cây, xây dựng nhà cửa, công trình trái phép... để “đón đầu”, chờ nhận đền bù khi GPMB phục vụ các dự án là việc làm không mới, đã diễn ra từ lâu. Đây là những hành vi mang tính trục lợi, vi phạm pháp luật, khiến công tác đền bù, GPMB thêm phức tạp, tốn kém, kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cũng như hiệu quả của dự án, vì vậy cần phải tăng cường đấu tranh ngăn chặn. Với Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, hành vi này càng cần phải xử lý nghiêm minh, ngăn chặn kịp thời, bởi đây là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, không thể vì một số hộ dân vi phạm mà chậm GPMB, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Thật đáng mừng khi các địa phương đã và đang vào cuộc quyết liệt, khẳng định sẽ xử lý nghiêm, người dân xây dựng trái phép không những không được nhận đền bù mà còn có thể bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật!

 Đấu tranh ngăn chặn, xử lý tình trạng vi phạm ở các địa phương nêu trên không chỉ giúp việc thi công dự án cao tốc qua địa bàn được thuận lợi mà còn gián tiếp giúp cho việc triển khai dự án tại các địa phương khác, nơi có tuyến cao tốc đi qua. Bởi nếu xử lý nghiêm thì người dân dù ở đâu cũng sẽ phải “chùn tay” khi có ý định trục lợi. Ngược lại, không ít người sẽ nhờn luật và khó có thể khẳng định tình trạng vi phạm sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi. Vì vậy, cần tập trung đấu tranh, xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi vi phạm đang diễn ra ở những địa phương này nhằm tạo sự răn đe chung.

Từ 25/3, phải công khai lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản

Tổ chức đấu giá phải có tên trong danh sách do Bộ Tư pháp công bố. Theo đó, sau khi có quyết định của người có thẩm quyền về việc đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và Cổng thông tin điện tử Quốc gia về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.

Người có tài sản đấu giá thông báo công khai việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản trong thời hạn ít nhất là 3 ngày làm việc trước ngày quyết định lựa chọn, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Từ 25/3, phải công khai lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản 1
Quy định mới, phải công khai lựa chọn đơn vị đấu giá tài sản

Ngoài ra, Thông tư 02 còn quy định 6 nhóm tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, cụ thể: Nhóm tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá; nhóm tiêu chí về phương án đấu giá khả thi, hiệu quả; nhóm tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản; nhóm tiêu chí về thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản phù hợp; có tên trong danh sách các tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố; nhóm tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định.

Tiến Hoàng (tổng hợp)
Theo KTDU

Từ khóa: