Những nội dung đáng chú ý sẽ có trong bản tin hôm nay: Tuyên Quang nghiên cứu và cho ra mắt nhiều giống cây trồng mới; Làm vải hữu cơ, đỡ lo về giá; Hà Tĩnh tập trung bao quả trên cây bưởi; để nông nghiệp Thủ Đô phát triển xứng tầm...
Cơ hội cho cá tra Việt Nam tại thị trường Mỹ và EU
Việc tìm các nguồn thay thế với các nhà nhập khẩu sẽ khó khăn khi một lệnh trừng phạt về thuế hoặc lệnh cấm vận được áp dụng với Nga. Giả thiết về một sản phẩm thay thế có thể được đưa ra như cá tra – mặt hàng tiềm năng của Việt Nam.
Bà Tạ Hà - chuyên gia thị trường ngành hàng cá tra Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho rằng giá cá thịt trắng Nga đi lên, tạo cơ hội cho cá tra đông lạnh Việt Nam tăng trưởng ở nhiều thị trường châu Âu nhờ lợi thế về giá so với mặt hàng cá rô phi hay cá thịt trắng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong lộ trình 2-3 năm tới, thuế nhập khẩu đối với cá tra philê đông lạnh Việt Nam vào EU sẽ giảm từ 5,5% về 0%. Điều này sẽ là yếu tố tăng tính cạnh tranh về giá cho sản phẩm của Việt Nam
Từ sau xung đột Nga - Ukraine, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU tăng trưởng trở lại sau gần 5 năm đi ngang. Lũy kế hơn 5 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 76,9 triệu USD, tăng 95% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng một phần cũng đến từ yếu tố giá. Ông Nguyễn Anh Thư, Phó Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Mỹ cho biết, giá cá tra philê đông lạnh xuất khẩu sang EU sau Covid-19 đã tăng khoảng 15%.
Bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Nam Việt (Navico - ANV), lý giải hậu đại dịch, nhiều quốc gia mở cửa trở lại, nguyên liệu cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long thiếu, nhất là cá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ và Châu Âu. Điều này khiến giá cá tra đông lạnh xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu đi lên.
Mặt khác, vị lãnh đạo Navico nhận định thực tế cá tra Việt Nam và cá minh thái, cá tuyết là hai sản phẩm ở phân khúc khách hàng và giá khác nhau, nên cá tra chỉ có thể thay thế một phần không thể hoàn toàn.
Dự kiến, Anh sẽ bắt đầu áp thuế với mặt hàng cá thịt trắng Nga từ tháng 6. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, khi các lệnh trừng phạt được thực hiện, trong vòng một năm tới, 1/3 cửa hàng fastfood, take-away tại Anh có thể ngừng hoạt động do bị gián đoạn nguồn cá thịt trắng làm nguyên liệu cho các món ăn yêu thích.
Tuyên Quang nghiên cứu và cho ra mắt nhiều giống cây trồng mới
Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Cây ăn quả Hàm Yên (Tuyên Quang) đã triển khai thực thực hiện đề tài nghiên cứu, chọn lọc một số giống cam mới thu hoạch rải vụ có năng suất và chất lượng cao tại 4 xã là Tân Thành, Bằng Cốc, Nhân Mục, Yên Phú. Để các đề tài triển khai hiệu quả, Trung tâm đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa nghiên cứu ảnh hưởng của kali đến năng suất, chất lượng cam sành. Đồng thời, phối hợp với Sở NN-PTNT xây dựng 2 mô hình sản xuất cam VietGAP với diện tích 10ha tại các xã Yên Phú, Tân Thành.
Những năm qua, người trồng cam đối mặt với khó khăn trong tiêu thụ cam, nhất là sức ép tiêu thụ dồn dập vào trà chính vụ. Bởi vậy, việc nghiên cứu, đưa ra các giống cam rải vụ là giải pháp quan trọng giảm áp lực vào vụ thu hoạch rộ, nâng cao giá trị cho quả cam Hàm Yên. Trong đó, Trung tâm đã xây dựng mô hình trồng thâm canh 5 giống cam mới, gồm BH, CS1, nhóm chín sớm; CT36, CT9, nhóm chín trung bình; V2, nhóm chín muộn…
Cùng với đó, Tuyên Quang đã có những kết quả nghiên cứu đáng ghi nhận về các giống cây trồng mới. Nổi bật như Dự án trồng thử nghiệm giống chè đặc sản Phúc Vân Tiên và Kim Tuyên tại thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, sau 3 năm trồng cho năng suất trung bình đạt 3,3 tấn chè búp tươi/ha, đến nay diện tích lên đến 45ha; phục tráng thành công giống lạc đặc sản Chiêm Hóa L14 với diện tích vùng nguyên liệu đạt khoảng 2.000ha; nghiên cứu nhân giống bằng hạt và thử nghiệm trồng rừng theo hướng tập trung cây gáo trắng bản địa…
Mới đây, Trung tâm Thực nghiệm thực hành và Chuyển giao khoa học công nghệ (Trường Đại học Tân Trào) đã sản xuất thành công 20 vạn cây mía giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Các giống mía được nhân giống phục vụ sản xuất gồm ROC22, KK33, My5514. Đây là các giống mía chín sớm, chín chính vụ và chín muộn. Ưu điểm vượt trội trong sản xuất mía giống bằng phương pháp nuôi cấy mô là tạo ra cây giống sạch bệnh, quy mô lớn, giữ nguyên được các đặc tính di truyền; nâng cao năng suất, chất lượng, trữ lượng đường cho mía nguyên liệu.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp, hướng dẫn, quản lý việc xây dựng, đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm Cam sành Hàm Yên của huyện Hàm Yên; Chè Shan tuyết Na Hang của huyện Na Hang và sản phẩm Bưởi Soi Hà của huyện Yên Sơn (3 sản phẩm này đã được cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý).
Làm vải hữu cơ, đỡ lo về giá
Đầu tháng 6, những đồi vải chính vụ của HTX Nông nghiệp Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) bắt đầu chuyển sang sắc đỏ. Do đã bén rễ ở vùng đất này 30 năm có lẻ nên cây vải ở đây hầu như năm nào cũng được mùa, quả sáng mã, chín muộn và bán giá cao hơn đầu vụ.
Từ năm 2021, HTX được cấp 1 mã số vùng trồng cho 10 ha sản xuất vải theo hướng hữu cơ để xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản. Ông Vương Văn Lợi, Phó Giám đốc HTX phấn khởi cho biết, trồng vải hướng hữu cơ “khỏe hơn”, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Người dân không còn bị ám ảnh bởi thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, đồng thời được cam kết bao tiêu đầu ra.
Vụ vải thiều năm nay, thời tiết diễn biến khó lường, lúc âm u, ẩm độ không khí lên tới hơn 90%; sang tháng 5, trời chuyển nắng nóng hơn 32 độ C, trời thường xuyên có mưa rào xen kẽ. Nguy cơ gây hại của sâu đo, bọ xịt nâu, sâu róm khá lớn ở giai đoạn hoa – sau đậu quả.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn tự tin khẳng định, vải thiều năm nay được mùa. Tỷ lệ đậu quả đạt từ 70 - 90%; dự báo sản lượng quả tươi toàn huyện khoảng 95.465 tấn (trong đó vải chín sớm khoảng 20.850 tấn, vải chính vụ khoảng 74.615 tấn).
Đến ngày 9/6, lũy kế sản lượng tiêu thụ vải chín sớm là 3.938 tấn; giá bán sản phẩm dao động từ 18.000 - 35.000 đ/kg. Sản phẩm vải chín sớm được tiêu thụ chủ yếu lại thị trường nội địa khoảng 2.067 tấn (các tỉnh phía Nam, hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc); xuất khẩu khoảng 1.795 tấn (chủ yếu sang thị trường Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn).
Hiện toàn huyện Lục Ngạn có 12.860 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (chiếm khoảng 80% diện tích) và 117 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Thời gian tới, huyện chủ trương mở rộng diện tích vải thiều canh tác theo thực hành nông nghiệp tốt như: Mở rộng từ 60 - 70 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 20 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Hà Tĩnh tập trung bao quả trên cây bưởi
Sau khi phòng trừ sâu bệnh giai đoạn quả non, thời gian này, ông Lê Văn Dũng ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê tập trung tỉa cành già, cành khô, cắt bỏ quả bị méo, quả bị sâu bệnh và triển khai việc bao quả cho vườn bưởi của gia đình.
Ông Lê Văn Dũng chia sẻ: “Vườn bưởi gia đình tôi có 50 gốc đều đã cho quả. Cũng như những năm trước, theo kinh nghiệm cứ vào dịp đầu tháng 5, chúng tôi tiến hành bao quả để trước khi bước vào thời điểm nắng nóng gay gắt của tháng 6, tháng 7, bưởi không bị rám nắng và tránh được tình trạng côn trùng gây hại. Như vậy sẽ đảm bảo được mẫu mã cũng như chất lượng và khi bán sẽ được giá hơn”.
Đến thời điểm này, cây bưởi đang trong thời kỳ nuôi dưỡng quả non. Đây là thời điểm cây bưởi rất mẫn cảm với điều kiện ngoại cảnh, đặc biệt khi thời tiết nắng lên các đối tượng bệnh hại như: sâu đục quả, rệp, bọ xít, ruồi vàng, nhện sẽ xuất hiện nhiều. Đây là nguyên nhân chính gây thối quả và rụng quả. Để đẩy nhanh tiến độ bao quả bưởi đúng thời vụ, tại xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hướng dẫn người dân cách bao quả đúng kỹ thuật để đạt được chất lượng và mẫu quả đẹp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn xã Điền Mỹ đã bao được 60 ha trong tổng số 85 ha diện tích bưởi của địa phương.
Ngoài việc tiến hành bao quả, giai đoạn này các hộ trồng bưởi cần chủ động chăm sóc cho cây để quả không bị rụng và giúp cây nuôi quả thuận lợi. Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc giai đoạn quả non cần được tiến hành triệt để, đúng kỹ thuật. Đây sẽ là điều kiện tốt cho cây bưởi giữ quả và nuôi quả thuận lợi, là tiền đề quyết định đến năng suất, chất lượng bưởi Phúc Trạch khi thu hoạch.
Để nông nghiệp Thủ Đô phát triển xứng tầm
Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thời gian qua, ngành trồng trọt đã chuyển dịch theo hướng chuyên canh, tăng diện tích cây ăn quả đặc sản: Cam Canh, bưởi Diễn, chuối tiêu hồng, ổi không hạt, đu đủ ruột tím..., cây cảnh có giá trị cao. Ngành chăn nuôi đã đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.
Với lợi thế có Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên (thuộc Viện Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT) đặt trên địa bàn, người dân nhiều xã của huyện Phú Xuyên đã đẩy mạnh phát triển nghề chăn nuôi gà, vịt với tổng đàn 667.000 con, mang lại giá trị sản xuất trên 210 tỷ đồng/năm. Ở các xã: Đại Xuyên, Phú Yên còn có hàng trăm hộ phát triển nghề ấp trứng gia cầm, thủy cầm, mỗi năm xuất ra thị trường trên 65 triệu con giống, trở thành “thủ phủ” cung cấp giống gia cầm, thủy cầm cho thị trường cả nước.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, nông nghiệp Thủ đô có đặc thù riêng, do vậy, cần có hướng đi riêng để phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có của Thủ đô như nguồn nhân lực khoa học công nghệ, đồng thời tạo nguồn vốn để đầu tư phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao…
Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao đời sống người dân, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục duy trì và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ tại các vùng chuyên canh tập trung; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu và hướng tới xuất khẩu. Thành phố sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và hộ chăn nuôi, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị... Ngoài ra, Hà Nội sẽ phát triển cây, con giống, phấn đấu trở thành trung tâm cung cấp cây, con giống cho các địa phương trong cả nước…
Về việc xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội đã đề xuất cơ chế đặc thù để chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang các loại đất nông nghiệp khác, tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất. Mặt khác, thành phố cần ban hành chính sách hỗ trợ nghiên cứu bảo vệ, phát triển, sản xuất các loại giống đặc sản bản địa; đồng thời tạo cơ chế hỗ trợ nhập các loại giống gốc giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao để hình thành cơ sở sản xuất giống…
Tiến Hoàng/KTDU