Giá dừa khô ở Trà Vinh giảm mạnh; đề xuất EU đầu tư 5 kho lạnh thông minh thúc đẩy xuất khẩu nông sản; xuất khẩu hàng hóa của Đồng Tháp tăng gần 63%...sẽ là những nội dung đáng chú ý có trong bản tin hôm nay.
Xuất khẩu nông sản tăng trưởng vượt bậc
Bộ NN&PTNT thông tin, 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông sản cả nước đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 11,37 tỷ USD (tăng 8,8%), lâm sản chính đạt 9,1 tỷ USD (tăng 3%), thủy sản đạt 5,8 tỷ USD (tăng 40,8%). Riêng chăn nuôi chỉ đạt 176 triệu USD (giảm 15,9%)…
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho hay, xuất khẩu nông sản đã có đột phá lớn từ nhiều mặt hàng. Đến nay, Việt Nam có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao, đạt trên 1 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ và đầu vào phục vụ sản xuất. Trong đó, cao su, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, cao su tăng 9,2% khối lượng và 12,2% giá trị; cà phê tăng 21,7% khối lượng và 49,7% giá trị; gạo tăng 16,2% khối lượng và 4,6% giá trị; sắn, sản phẩm từ sắn tăng 13,2% khối lượng và 28% giá trị.
Nói về mặt hàng nằm trong nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2022, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho biết, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 8,1 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp đã kín đơn hàng xuất khẩu tới cuối năm 2022. “Hiện, xu hướng tiêu dùng sản phẩm gỗ đang tập trung vào mặt hàng có giá trị gia tăng cao như: Ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất phòng ngủ..., đều là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam”, ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ.
Cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, rau, quả cũng đang đón nhận nhiều đơn hàng lớn, xuất khẩu có sự tăng trưởng vượt bậc. Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đang là thị trường tiềm năng rất lớn đối với rau, quả Việt Nam, nhất là sản phẩm có thế mạnh như: Chôm chôm, thanh long, dưa, dứa, nhãn, vải… Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung cho sản phẩm chế biến, khai thác đa dạng các khối thị trường...
Giá dừa khô ở Trà Vinh giảm mạnh
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho hay, trước tình hình giá dừa khô giảm mạnh, ngành nông nghiệp và các địa phương đang vận động người trồng dừa không nóng vội xóa bỏ cây dừa, nhẫn nại một thời gian chờ tỉnh có những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người trồng dừa.
Ông Ngô Văn Liêu, ở xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành có 0,5 ha vườn dừa cho thu hoạch trái bình quân khoảng 500 trái/tháng. Theo ông Liêu với giá dừa như hiện tại mức thu nhập của gia đình ông chỉ còn khoảng 10 triệu đồng/tháng, mức thu nhập thấp nhất trong hơn 10 năm mà kể từ khi trồng dừa.
Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 977/QĐ-UBND về phê duyệt Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022-2025. Tỉnh sẽ phát triển chuỗi dừa theo tiêu chí VietGAP, hữu cơ, có vùng nguyên liệu tập trung và tăng liên kết giữa doanh nghiệp ngành dừa với các hộ trồng dừa để phát triển sản xuất, tạo những sản phẩm có giá trị và ổn định nhằm gia tăng thu nhập cho người trồng dừa.
Cùng đó, UBND tỉnh Trà Vinh đang chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, và đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp, tạo liên kết phát triển vùng nguyên liệu dừa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ gắn với nhà máy chế biến và thị trường mục tiêu.
Đề xuất EU đầu tư 5 kho lạnh thông minh thúc đẩy xuất khẩu nông sản
Xác định liên minh châu Âu (EU) là 1 trong 4 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và ASEAN, ngành nông nghiệp coi EU là phép thử đầu tiên và quan trọng nhất để xây dựng thương hiệu của nông sản Việt Nam, nâng cao uy tín trên toàn cầu theo định hướng, chiến lược nông nghiệp đã đề ra là minh bạch, trách nhiệm, bền vững.
Trong năm 2020, thị trường này đã nhập khẩu gần 300 tỷ USD các mặt hàng nông lâm thủy sản chính. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang EU vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ. Nhập khẩu từ Việt Nam chiếm chưa tới 2% tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản hàng năm của EU.
Để nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường này, Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức lấy ý kiến tham vấn Đề án “Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường EU đến năm 2030” tại TP Cần Thơ đầu tháng 7 vừa qua.
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở NN&PTNT các địa phương và doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều nhận định khó khăn hiện tại là hệ thống kho lạnh, công nghệ bảo quản chưa đáp ứng được yêu cầu của đơn vị xuất khẩu trong vùng.
Hiện trạng các kho lạnh tại ĐBSCL và Đông Nam Bộ được ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, chỉ mới đáp ứng được 30% nhu cầu thị trường.
Trong đó, vùng ĐBSCL chỉ có 6 kho lạnh, quy mô nhỏ lẻ, các dịch vụ kho lạnh thông minh chưa phát triển. Điều này trở thành rào cản khiến mặt hàng nông lâm thủy sản vùng ĐBSCL khó tiếp cận thị trường EU. Đặc biệt, với mặt hàng rau quả và thủy sản dù vùng được đánh giá có tiềm năng rất lớn.
Xuất khẩu hàng hóa của Đồng Tháp tăng gần 63%
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Đồng Tháp 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 1 tỷ USD, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong số đó, một số nhóm hàng hóa của tỉnh có mức xuất siêu tăng so với cùng kỳ năm trước như thủy sản, sản phẩm ngày may, gạo... Kết quả cho thấy, tỉnh đã triển khai tốt việc thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội".
Hoạt động xuất khẩu của tỉnh Đồng Tháp phục hồi mạnh mẽ, mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt hai mặt hàng thủy sản và gạo có sự tăng trưởng ấn tượng.
Các mặt hàng chủ lực đều giữ vững được các thị trường truyền thống và có sự dịch chuyển nhẹ từ thị trường các nước châu Á sang các nước châu Âu.
Điển hình như: thủy sản chế biến tăng 71,11% về giá trị và tăng 13,07% về sản lượng; gạo tăng 49,96% về giá trị và tăng 48,05% về lượng; các sản phẩm ngành may tăng 72,57% và bánh phồng tôm và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 14,2% về giá trị.
Nổi bật ngành hàng cá tra đóng góp rất lớn trong việc chế biến xuất khẩu. 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng cá tra tỉnh Đồng Tháp đạt hơn 240.000 tấn, giúp cho ngành hàng này thu về hơn 3.423 tỷ đồng, tăng 10,45% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên canh đó, Sở Công Thương tiếp tục phát triển thương mại điện tử; thực hiện có hiệu quả các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa với các kênh phân phối, các hoạt động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ… giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh xuất khẩu.
Tiến Hoàng/KTDU